Rà soát độc lập, chuyên sâu để xử lý chồng chéo, bất cập trong văn bản quy phạm pháp luật
Ngày 8/4, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Tổ công tác. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Tổ phó Tổng công tác, chủ trì hội nghị.
Phát hiện, đề xuất phương án xử lý các quy định mâu thuẫn, chồng chéo
Báo cáo của Tổ công tác cho biết, năm 2021 đã theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan thực hiện rà soát vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật và xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) theo Báo cáo số 442/BC-CP ngày 1/10/2020 của Chính phủ về kết quả rà soát văn bản QPPL thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước.
Trong đó, Tổ công tác đã tập trung thực hiện việc theo dõi, đôn đốc thực hiện rà soát vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật; đôn đốc các bộ, ngành xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo Báo cáo nói trên.
Tổ công tác đã tổ chức rà soát độc lập, chuyên sâu theo 5 nhóm văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực do cơ quan Nhà nước ở Trung ương ban hành bao gồm: Rà soát quy định pháp luật về đất đai; tiếp tục rà soát, nhận diện đầy đủ các tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật trước các tác động của đại dịch COVID-19; tiếp tục rà soát, nhận diện đầy đủ các tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật trước các tác động mạnh mẽ, dài hạn của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; rà soát quy định pháp luật về giáo dục, đào tạo; rà soát quy định pháp luật về quản lý giá và thẩm định giá; quy định pháp luật về chi phí trong hoạt động giám định tư pháp.
Công tác rà soát văn bản của các bộ, ngành, địa phương nói chung và của Tổ công tác nói riêng tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao. Việc tổ chức thực hiện Kế hoạch được Tổ công tác triển khai chủ động, tích cực, khoa học và hiệu quả với các hình thức khác nhau phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19. Bộ Tư pháp với vai trò là Cơ quan thường trực của Tổ công tác đã kịp thời đôn đốc, kết nối, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các bộ, ngành tổ chức thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Các bộ, ngành đã thực hiện rà soát văn bản nghiêm túc, có trách nhiệm.
Qua rà soát, Tổ công tác đã phát hiện, đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn.
Đối với kết quả rà soát văn bản do các bộ, ngành thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã đề xuất phương án và xây dựng kế hoạch xử lý các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình. Việc theo dõi, đôn đốc rà soát văn bản và xử lý kết quả rà soát được Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp (đồng thời là Cơ quan Thường trực của Tổ công tác) thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, bảo đảm công tác báo cáo, thông tin theo yêu cầu.
Quy trình trên thực tế khác xa quy trình quy định trên giấy tờ
Theo ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), năm 2022, Tổ công tác tập trung vào 2 nhóm nhiệm, gồm theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan thực hiện rà soát vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật, xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức rà soát độc lập, chuyên sâu theo một số nhóm văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành.
Rà soát, cho ý kiến độc lập đối với các nội dung quy định cụ thể liên quan đến các luật của Quốc hội theo tổng hợp tại Báo cáo số 282-BC/ĐĐQH15 ngày 21/10/2021 của Đảng đoàn Quốc hội bao gồm 32 nhóm (98 vấn đề) liên quan đến các luật ngoài Báo cáo số 442/BC-CP và 13 nội dung trong Báo cáo số 442/BC-CP mà các cơ quan của Quốc hội đề nghị nghiên cứu, làm rõ.
TS. Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) kiến nghị cần rà soát nhóm thủ tục, văn bản liên quan đến đến kiểm tra chuyên ngành của hải quan, lưu thông hàng hoá, xuất nhập khẩu trong chương trình hỗ trợ, phục hồi và phát triển kinh tế để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh hiện nay.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, cần tăng cường thông tin và công khai từ thực tiễn trong quá trình rà soát văn bản QPPL và các quy trình thủ tục hành chính càng rộng rãi càng tốt. “Qua khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì quy trình hồ sơ thực tế mà một doanh nghiệp phải thực hiện “khác rất xa” quy trình thủ tục được quy định trên giấy tờ hiện nay”, ông Tuấn nói.
Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự-Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Hạnh cho rằng Tổ công tác cần xác định rõ tiêu chí, phương pháp và phạm vi rà soát các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực được giao để công tác rà soát thực sự hiệu quả với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành. Cụ thể, tập trung vào chính sách mang tính đổi mới như phân cấp, phân quyền, các lĩnh vực nóng được xã hội quan tâm như công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Kết quả rà soát phục vụ trực tiếp cho hoàn thiện pháp luật
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật cho biết năm 2021 Tổ công tác đã rà soát được khối lượng văn bản QPPL khá lớn theo từng chuyên đề, chuyên sâu và độc lập. Qua đó, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch phân công các bộ, ngành kế hoạch rà soát văn bản QPPL.
“Kết quả rà soát đã phục vụ trực tiếp cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành với nhiều đạo luật đã và đang được sửa đổi, bổ sung”, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu lưu ý, trong quá trình rà soát, ngoài việc phát hiện ra các mâu thuẫn, chồng chéo cần đưa ra các định hướng về xây dựng hệ thống pháp luật ngày càng tốt hơn, mang tính cạnh tranh, các chính sách cần có lợi cho người dân, doanh nghiệp. Lựa chọn rà soát chuyên đề, chuyên sâu mang tính liên ngành của nhiều bộ ngành khác nhau, đánh giá dưới nhiều góc độ khác nhau, phục vụ cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Đặc biệt, khi rà soát cần lấy ý kiến trực tiếp của đối tượng bị tác động để kết quả rà soát thực sự hữu ích, thực chất và đi vào cuộc sống.
Theo Baochinhphu
Ý kiến ()