Ra mắt trang thông tin chính thức về Bộ luật Lao động năm 2019
Ngày 4-1, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chính thức khai trương trang thông tin điện tử Bộ luật Lao động năm 2019 tại địa chỉ http://boluatlaodong2019.molisa.gov.vn/.
Trang thông tin Bộ luật Lao động năm 2019 do Vụ Pháp chế (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp Trung tâm Thông tin thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam.
Trang thông tin http://boluatlaodong2019.molisa.gov.vn/ cung cấp thông tin đầy đủ và chính thống về Bộ luật Lao động năm 2019, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật và các thông tin, ấn phẩm, tài liệu tham khảo khác liên quan,tạo điều kiện để người sử dụng lao động,người lao động và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan hiểu rõ hơn về các quy định, những điểm mới của Bộ luật Lao động năm 2019 và là nơi để trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Bộ luật.
Trước đó, vào ngày 20-11-2019, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), với tỷ lệ 90,06% số đại biểu tham dự tán thành.
Ngày 16-12-2019, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Bộ luật Lao động.
Bộ luật Lao động năm 2019 có 17 chương, 220 điều, sửa đổi, bổ sung về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chung theo lộ trình. Cụ thể như: Quy định tuổi nghỉ hưu chung trong điều kiện lao động bình thường, nam nghỉ hưu ở tuổi 62 (vào năm 2028) và nữ ở tuổi 60 (vào năm 2035) theo lộ trình mỗi năm tăng bốn tháng đối với nữ và mỗi năm tăng ba tháng đối với nam, bắt đầu từ năm 2021. Quyền nghỉ hưu sớm hơn và nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi. Bên cạnh đó, Bộ luật quy định về tổ chức của người lao động không thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và hoạt động của tổ chức này trong việc đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động trong quan hệ lao động. Ngoài ra, nới trần làm thêm giờ theo tháng từ 30 giờ/tháng lên 40 giờ/tháng; bổ sung thêm một ngày nghỉ lễ liền kề trước hoặc sau Ngày Quốc khánh 2-9; bảo đảm hơn sự tự do giao kết hợp đồng lao động; Nhà nước chỉ ban hành mức lương tối thiểu, người sử dụng lao động tự quyết định chính sách tiền lương; bảo đảm bình đẳng giới; mở rộng sự bảo vệ đối với lao động chưa thành niên và sửa đổi các luật liên quan.
Bộ luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021.
Bộ luật Lao động của Việt Nam được ban hành lần đầu tiên ngày 23-6-1994 và có hiệu lực thi hành từ 1-1-1995. Sau 24 năm, Bộ luật này đã qua bốn lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007 và 2012.
Bộ luật Lao động năm 2019 được xây dựng không chỉ tạo lập khung khổ pháp lý mới, hiện đại nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ thông qua đối thoại, thương lượng tập thể, Bộ luật còn giúp các doanh nghiệp hội nhập, tiếp cận các tiêu chuẩn lao động quốc tế, bảo vệ và hài hòa lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động và lợi ích chung của đất nước.
Ý kiến ()