Ra mắt tản văn “Ngàn mùa hoa” của cố nhà văn Băng Sơn
Không chỉ là những áng văn đẹp của quê hương, của cảnh vật nông thôn xưa, tản văn “Ngàn mùa hoa” của cố nhà văn Băng Sơn được Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành với 2 phiên bản, trong đó có một phiên bản được in khổ lớn, màu sắc rực rỡ, để góp phần tạo cảm hứng, giúp bạn đọc nhỏ tuổi học văn tốt hơn.
Cuốn “Ngàn mùa hoa” của cố nhà văn Băng Sơn đem lại cho bạn đọc nét bình yên của nông thôn xưa, với hình ảnh làng quê Việt những năm 70, 80 của thế kỷ trước với những gian nhà lợp mái tranh mỗi khi trời mưa thì từng giọt, từng giọt tí tách như đuổi nhau từ mái nhà chạy xuống đất, chiếc cổng nhà bằng tre xanh vì “một số gia đình mở thêm trại, trổ lũy tre thành cái cổng riêng”, hay chiếc cổng làng rợp bóng “mát rượi vì lũy tre hai bên mọc sát vào vòm cổng” (Cổng làng), những buổi trưa oi ả đám trẻ nằm võng kẽo kẹt nghe đâu đây vọng lại tiếng gà gáy, ...
“Ngàn mùa hoa” còn là một bức tranh nhiều màu sắc sống động được tác giả phác họa bằng ngôn ngữ trong sáng, giản dị. Dưới ngòi bút của ông, màu không chỉ là xanh đỏ tím vàng, mỗi màu còn có nhiều thang bậc khác nhau “màu vàng chanh của hoa mướp, hoa cải, màu vàng thư của hoa bí ngô” (Hoa vàng), “Đỏ tía là hoa chuối, Đỏ tươi là hoa vông, hoa gạo. Màu đỏ của hoa hồng có quanh năm... Mùa hè hoa mào gà đỏ đến chói mắt. Hoa lựu như những đốm lửa lập lòe về mùa hè.” (Hoa đỏ). Đôi khi, ngòi bút của ông không chỉ vẽ hoa mà còn vẽ cây, vẽ lá dẫu chúng non nớt “chưa đủ màu xanh mà hãy còn hồng hồng như chưa biết cuộc đời làm lá” (Rau láo nháo).
Qua góc nhìn của ông, những thứ hết sức bình thường như cây rau sam, rau tập tàng nằm rạp mình trên đất, hay đơn giản là những giọt gianh “trông trong vắt” tí tách từ mái nhà tranh làm chỗ nước rơi “lõm sâu xuống, trơ ra vài miếng gạch hồng hồng, vài viên sỏi”, mái gianh “lơ xơ lác xác như một mái đầu lười cắt tóc” (Giọt gianh) cũng trở thành nỗi nhớ, niềm thương của con người khi đã trưởng thành.
Nhà văn dùng ngôn từ vẽ lên từng cái lá, bông hoa, từng góc vườn, ruộng lúa không chỉ đơn giản muốn lột tả cái đẹp của quê hương, hơn hết ông muốn gửi gắm cả nỗi nhớ niềm thương về một nơi ông đã sinh ra và lớn lên, nơi có những kỷ niệm bên gia đình.
Những hình ảnh làng quê xa xưa thân thương trong những dòng viết của cố nhà văn Băng Sơn đã giúp bạn đọc nhỏ tuổi ngày nay tìm hiểu, tò mò khám phá những gì đã đi vào trí nhớ của người lớn, những gì đã nằm lại trên dòng chảy lịch sử phát triển của đất nước.
Chúng tôi hy vọng cuốn sách không chỉ gợi cho các bậc phụ huynh nhớ lại một thời tuổi thơ đầy trong sáng, hồn nhiên của mình mà còn góp phần giúp các bạn nhỏ, đặc biệt là học sinh tiểu học, đọc và hiểu hơn vẻ đẹp thiên nhiên đất nước, nét văn hóa truyền thống của quê hương ta. Từ đó giúp các em tích lũy thêm tri thức, mở rộng vốn từ, biết cách sử dụng các từ tượng thanh, tượng hình, từ láy, các biện pháp nhân hóa, so sánh... hài hòa trong làm bài văn để học văn tốt hơn, khiến mỗi giờ văn là một giờ vui.
Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam
Chỉ với hơn trăm trang sách nhưng tác giả đã đưa người đọc trở lại làng quê xưa với đủ âm thanh, hình ảnh và sắc màu sống động. Không những thế bạn còn được trải nghiệm đủ các phong tục tập quán, nét văn hóa dân gian của dân tộc ta qua những câu văn súc tích, ngắn gọn khiến người đọc dễ thấm, dễ thẩm cái ý tác giả muốn truyền tải qua câu chữ.
Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam giới thiệu tới bạn đọc tác phẩm “Ngàn mùa hoa” với 2 phiên bản: đen trắng (đã xuất bản) và màu (sắp ra mắt). Với phiên bản màu, khổ lớn, trẻ sẽ được tiếp cận nhiều hơn với những hình ảnh nông thôn Việt Nam xưa với những gam màu rực rỡ, tươi sáng đẹp mắt. Phiên bản đen trắng được thiết kế nhỏ nhắn hơn, thuận tiện để bạn đọc cầm theo tranh thủ đọc ở bất cứ đâu.
Ý kiến ()