Ra mắt sách tra cứu thúc đẩy thương mại Việt Nam-Liên bang Nga
Cuốn tra cứu cung cấp những thông tin cơ bản, cập nhật về những thành tựu kinh tế của Việt Nam, phương hướng, hình thức hoạt động kinh tế đối ngoại của Việt Nam và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga, ngày 16/12, tại trụ sở của tổ chức “Ngôi nhà Nga về hợp tác khoa học kỹ thuật quốc tế” thuộc Bộ khoa học và Đại học Nga ở thủ đô Moskva đã diễn ra lễ giới thiệu “Sách tra cứu: Việt Nam-Đối tác thương mại và đầu tư.”
Buổi lễ do Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Trung Quốc và Châu Á đương đại (ICCA), Viện Hàn lâm khoa học Nga (RAS), phối hợp với Quỹ thúc đẩy phát triển hợp tác Nga-Việt “Truyền thống và Hu nghị” và Viện các nước Á-Phi thuộc Đại học tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov (MGU) tổ chức.
Tham buổi lễ có các đại diện của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga, Vụ phân tích chuyên gia thuộc Văn phòng Tổng thống Liên bang Nga, Bộ khoa học và Đại học Nga, Viện Trung Quốc và Châu Á đương đại, Quỹ “Truyền thống và Hữu nghị,” nghiên cứu sinh, sinh viên các trường đại học của Nga, cùng đông đảo đại diện cộng đồng khoa học và doanh nghiệp hai nước Việt Nam, Nga.
Cuốn sách là công trình của các nhà khoa học ICCA và các nghiên cứu sinh, sinh viên Viện Á-Phi thuộc MGU, dưới sự chủ biên của Giáo sư-Tiến sỹ khoa học Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc ICCA.
Trong khi đó, Quỹ “Truyền thống và Hữu nghị” là đơn vị tài trợ cho ấn phẩm này.
Đây là lần đầu tiên một cuốn cẩm nang tổng hợp các vấn đề kinh tế đối ngoại của Việt Nam được xuất bản tại Nga.
Cuốn tra cứu gồm 5 phần, cung cấp những thông tin cơ bản và cập nhật về những thành tựu kinh tế của Việt Nam, phương hướng và hình thức hoạt động kinh tế đối ngoại của Việt Nam, cũng như quá trình hội nhập của Việt Nam vào kinh tế thế giới.
Phần thứ nhất của cuốn tra cứu đề cập đến những đặc điểm và các xu hướng phát triển của nền kinh tế Việt Nam, đánh giá tóm tắt tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam giai đoạn 2010-2020.
Phần hai nêu tổng quan về các lĩnh vực hàng đầu của nền kinh tế và lĩnh vực liên quan đến ngoại thương.
Phần ba tổng hợp quan hệ kinh tế thương mại của Việt Nam với các đối tác hàng đầu trên thế giới.
Hai phần cuối hàm chứa những thông tin cần thiết cho việc đăng ký và điều hành một doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, kể cả môi trường hành chính và pháp lý.
Phát biểu tại lễ ra mắt sách, nhiều nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp đã đánh giá cao về ấn phẩm này.
Theo ông Maxim Golikov, Vụ trưởng Vụ phân tích chuyên gia thuộc Văn phòng Tổng thống Nga, Việt Nam đang là đất nước phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á và là một trong những hướng ưu tiên của Nga nhưng thông tin về Việt Nam cho các doanh nghiệp còn thiếu.
Vì thế, cuốn cẩm nang với những phân tích tổng quan và sâu sắc về thị trường Việt Nam rất có ích cho giới doanh nghiệp Nga.
Ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga, cho biết đây là cẩm nang đầu tiên về kinh tế Việt Nam được xuất bản tại Nga, trong đó kết hợp được những hiểu biết sâu sắc về đất nước Việt Nam với những đặc thù trên mọi khía cạnh quan hệ dưới góc độ kinh doanh.
Ông tin tưởng ấn phẩm khoa học này sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại-đầu tư giữa hai nước.
Về phần mình, Giáo sư-Tiến sỹ Kiril Babaev, quyền Viện trưởng ICCA, cho rằng đây là cuốn sách rất hữu ích cho cả cộng đồng khoa học và doanh nghiệp.
Ấn phẩm chứng tỏ những kiến thức hàn lâm có thể được áp dụng hiệu quả cho công việc thực tiễn, kể cả những nhiệm vụ phục vụ quốc gia.
Tiến sỹ Đỗ Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Quỹ “Truyền thống và Hữu nghị” chia sẻ trong bối cảnh Nga thực hiện chính sách xoay trục về phương Đông và nền kinh tế mở của Việt Nam phát triển năng động, những ấn phẩm như cuốn cẩm nang tra cứu nói trên rất cần thiết cho các doanh nghiệp Nga muốn đầu tư vào Việt Nam.
Ngoài ra, cuốn sách còn là minh chứng cho thấy tiềm năng của các nhà khoa học trẻ người Nga là rất lớn và cần được tiếp tục phát huy. Đó cũng là một trong những mục đích mà Quỹ “Truyền thống và Hữu nghị” luôn hướng tới./.
Ý kiến ()