Ra mắt cuốn sách lịch sử siêu kinh điển 2.500 tuổi
“Lịch sử” (Historai) được viết vào thế kỷ V trước Công nguyên (vào năm 440 trước Công nguyên) bằng phương ngữ Ionia tiếng Hy Lạp cổ do chính tác giả Herodotus (khoảng 484-425 TCN) – người được mệnh danh là “cha đẻ của môn lịch sử” lần đầu tiên được xuất bản bằng tiếng Việt, cung cấp đầy đủ thông tin, tư liệu về lịch sử, văn hóa, phong tục, thiên nhiên, khí hậu, địa hình… của những vùng đất mà tác giả đã tìm hiểu được, trong đó nhấn mạnh vào sự hình thành đế quốc Ba Tư cũng như nguyên nhân và diễn biến của cuộc chiến tranh Hy Lạp – Ba Tư vào thế kỷ V trước Công nguyên.
Bản thân nhan đề tác phẩm, “Lịch sử” (Historai), vốn có nghĩa gốc là “khảo cứu, điều tra”, cũng đã cho thấy Herodotus khi đặt bút viết ra bộ sách của đời mình không bó hẹp ở lịch sử. Tác giả đưa vào đó tất cả những hiểu biết, kiến thức ông sưu tầm được cả trực tiếp lẫn gián tiếp để lưu truyền cho hậu thế. Sự khách quan trong ghi chép nhiều biến cố, sự vật của Herodotus đã được chứng tỏ khi từ những manh mối ông ghi lại, các nhà khảo cổ đã tìm ra đường hầm dẫn nước trên đảo Samos hay dấu vết con kênh đào qua mũi Athos của Xerxes, vốn một thời gian dài bị coi là sản phẩm của trí tưởng tượng. Ông còn thể hiện sự khách quan trong cách viết về những con người, nhân vật trong tác phẩm của mình. Dù là người Hy Lạp hay “man tộc”, mỗi nhân vật được đánh giá qua phẩm cách, tài năng của anh ta chứ không phải xuất thân hay chủng tộc. Bởi thế Herodotus từng bị các học giả Hy Lạp cổ đại chỉ trích là ưu ái những kẻ không phải người Hy Lạp, nhưng cũng bởi thế mà “Lịch sử” (Historai) được đánh giá cao về tính khách quan.
Để có được cuốn sách này, Herodotus có chuyến hành trình từ nhà của mình ở Anatolia đến miền Tây Athens qua những vùng đất khác để thực hiện “cuộc điều tra” về nguồn gốc của cuộc chiến tranh Hy Lạp – Ba Tư.
Ngoài khía cạnh một cuốn sử, một khảo cứu về văn hóa, phong tục, địa lý… “Lịch sử” (Historai) còn có thể được nhìn nhận như một câu chuyện lý thú, cuốn hút. Trong tác phẩm này, những ai thích tiểu thuyết lịch sử, chuyện cổ tích, ngụ ngôn có thể tìm cho mình những nhân vật, những câu chuyện thật hấp dẫn. Những nhân vật lịch sử được Herodotus kể lại trong “Lịch sử” (Historai) không khỏi có phần được tiểu thuyết hóa, “bảy thực ba hư”, để trở thành những biểu tượng mang đậm tính ngụ ngôn. Ảnh hưởng của những nhân vật do Herodotus tạo ra là rất lớn trong văn hóa phương Tây, từ cổ đại đến hiện đại. Những câu chuyện trong cuốn sách đã trở thành đề tài cho vô số tác phẩm nghệ thuật, văn học, từ xa xưa cho tới hiện đại, gần gũi với chúng ta như truyện tranh “300” của Frank Miller lấy cảm hứng từ trận Thermopylai, hay thậm chí cảnh bầu vua hải tặc trong loạt phim “Cướp biển Carribean” cũng phản phất sự trào lộng ngấm ngầm của Herodotus khi ông mô tả cuộc bầu chọn đô đốc xuất sắc nhất của liên quân Hy Lạp sau trận Salamis.
Ý kiến ()