Quýt Bắc Sơn trước căn bệnh nan y
LSO- Quýt là cây ăn quả đặc sản của Bắc Sơn nói riêng và của Lạng Sơn nói chung. Những năm qua, quýt cho giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân. Tuy vậy, khoảng 3 năm trở lại đây, cây quýt bị bệnh vàng lá, gân xanh. Bệnh lây lan nhanh và chưa có phương pháp chữa trị hiệu quả, nhiều cây đã bị chặt bỏ.
Ông Trần Văn Dũng, thôn Hồng Phong 4, xã Chiến Thắng cho biết: gia đình tôi trồng được 700 cây quýt, hiện đã có hơn 300 cây cho thu hoạch quả. Tuy vậy, khoảng 3 năm trở lại đây, trên cây quýt xuất hiện loại bệnh mới với biểu hiện lá bị vàng và nổi gân xanh (bệnh vàng lá gân xanh). Trước khi cây bị bệnh thường có biểu hiện ra quả sai đột biến, nhưng quả nhỏ, lá nhỏ hơn bình thường, vị quả chua như quả chanh. Đặc biệt, gốc, rễ, cây không có biểu hiện của sâu gây hại. Khi cây bị bệnh không chết ngay mà khoảng sau 5 năm mới chết. Nguy hiểm là bệnh có khả năng lây lan nhanh nên nếu không có biện pháp khắc phục thì những cây nhiễm bệnh sẽ lây sang cây khác.
Ảnh 1. Cây quýt khi mắc bệnh vàng lá gân xanh Ảnh 2. Cây quýt phát triển bình thường
Theo kinh nghiệm của người dân xã Chiến Thắng, những khu vực đất cằn, thiếu nước, tỷ lệ cây mắc bệnh vàng lá gân xanh rất cao. Các hộ gia đình đã mua nhiều loại thuốc về phun nhưng không khỏi, biện pháp duy nhất là khi phát hiện cây bị bệnh là phải chặt bỏ ngay, tránh lây lan sang cây khác. Và phải đào gốc, sau đó rắc vôi bột xuống khu vực cây bị bệnh, tiếp tục trồng loại cây khác thay thế vào vị trí cây bệnh, khoảng 2 năm sau, đất được cải tạo mới trồng cây quýt trở lại được. “Nếu cây bị bệnh vàng lá gân xanh mà không phát hiện thì chỉ từ 3 đến 5 năm cả vườn quýt sẽ bị chặt bỏ” – ông Trần Văn Dũng, Trưởng thôn Hồng Phong 4, xã Chiến Thắng cho biết.
Riêng thôn Hồng Phong 4, xã Chiến Thắng có khoảng 40 hộ trồng quýt với diện tích 10 ha, hiện đã có 4 hộ có quýt bị mắc bệnh vàng lá gân xanh. Mặc dù số cây bị mắc bệnh không nhiều, song điều đáng nói là chưa có biện pháp chữa trị dứt điểm được bệnh. Đặc biệt, theo chia sẻ của người dân, các lân quýt rộng lại ở trong rừng, việc kiểm tra theo dõi vườn thường xuyên để phát hiện cây bị bệnh là rất khó.
Người dân xã Chiến Thắng chăm sóc quýt
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Hữu Toàn, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Bắc Sơn cho biết: Bệnh vàng lá gân xanh trên cây quýt do nhiều nguyên nhân gây nên: do vi rút; sâu đục thân; nhện hút; điều kiện chăm sóc không hợp lý. Trong đó, hầu hết các trường hợp cây quýt bị bệnh đều có thể chữa trị được, trừ trường hợp bệnh do vi rút gây nên.
Để phòng tránh bệnh vàng lá gân xanh cũng như các loại sâu bệnh khác gây hại, hằng năm, Trạm Bảo vệ thực vật đều đi kiểm tra, theo dõi tình hình sâu bệnh gây hại. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng mở lớp tập huấn, hướng dẫn người dân cách phòng, diệt trừ sâu bệnh. Trong 9 tháng qua, trạm đã phối hợp mở được 20 lớp tập huấn hướng dẫn cách trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Trong đó tập trung hướng dẫn cho người dân nhận biết các loại sâu bệnh, nguyên nhân, cách phòng trừ trên cây quýt. Riêng bệnh vàng lá gân xanh thì cho đến nay vẫn chưa có biện pháp chữa trị hiệu quả.
Quýt là cây trồng đặc sản có giá trị kinh tế cao, được trồng ở nhiều xã trên địa bàn huyện Bắc Sơn với tổng diện tích khoảng gần 500 ha, sản lượng đạt 1.300 tấn/năm. Để phát triển bền vững, vấn đề chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại cần được các cấp, ngành quan tâm hơn nữa. Đặc biệt, bệnh vàng lá gân xanh do vi rút gây nên, khi chưa có thuốc đặc trị thì cần có biện pháp phòng tránh một cách kịp thời. Nhất là người trồng quýt cần theo dõi thường xuyên, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo quy trình để đảm bảo quýt phát triển tốt, khi có sâu bệnh hại sẽ phát hiện và điều trị sớm.
Bài, ảnh: ANH DŨNG – ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()