Quyết tâm vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững
Quản lý giá nên đồng bộ và gắn với chế độ tiền lươngNhư nhiều cử tri trong doanh nghiệp, tôi đã đọc kỹ Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày, đăng trên Báo Nhân Dân ngày 21-10 vừa qua. Có nhiều chuyện lớn đặt ra, nhưng vì ở cơ sở, tôi quan tâm nhất đến vấn đề giá, đã và sẽ tiếp tục tác động đến mức sống người dân.Bên cạnh những thành tựu, đúng như Báo cáo của Chính phủ, việc 'Quản lý giá một số mặt hàng, nhất là giá sữa, giá thuốc chữa bệnh chưa tốt'. Đồng thời, 'kết quả giảm nghèo chưa bền vững', 'chế độ tiền lương chưa hợp lý, nhất là khu vực hành chính công'. Theo chúng tôi, mười tháng qua, không chỉ việc quản lý giá một số mặt hàng nói trên chưa tốt mà cả nhiều mặt hàng khác liên quan trực tiếp đến đời sống (thí dụ như: giá xăng dầu, giá sắt thép, giá muối và một số loại nông sản...) cũng làm chưa thật tốt. Trong khi đó, lương tăng theo lộ trình,...
Quản lý giá nên đồng bộ và gắn với chế độ tiền lương
Như nhiều cử tri trong doanh nghiệp, tôi đã đọc kỹ Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày, đăng trên Báo Nhân Dân ngày 21-10 vừa qua. Có nhiều chuyện lớn đặt ra, nhưng vì ở cơ sở, tôi quan tâm nhất đến vấn đề giá, đã và sẽ tiếp tục tác động đến mức sống người dân.
Bên cạnh những thành tựu, đúng như Báo cáo của Chính phủ, việc 'Quản lý giá một số mặt hàng, nhất là giá sữa, giá thuốc chữa bệnh chưa tốt'. Đồng thời, 'kết quả giảm nghèo chưa bền vững', 'chế độ tiền lương chưa hợp lý, nhất là khu vực hành chính công'. Theo chúng tôi, mười tháng qua, không chỉ việc quản lý giá một số mặt hàng nói trên chưa tốt mà cả nhiều mặt hàng khác liên quan trực tiếp đến đời sống (thí dụ như: giá xăng dầu, giá sắt thép, giá muối và một số loại nông sản…) cũng làm chưa thật tốt. Trong khi đó, lương tăng theo lộ trình, nhưng chậm và phản ứng không kịp với giá lên nhanh của thị trường. Để tăng thu nhập, hệ thống hành chính công đã phải tìm nhiều cách để gia tăng nguồn thu cho người lao động, khách quan dễ làm nảy sinh các loại tiêu cực. Đà Nẵng là nơi đã xóa hết đói và giảm nghèo ở vào tốp đầu, nhanh nhất nước, nhưng quả thật, cũng khó giảm nghèo bền vững. Bởi, thu nhập tăng chút ít, nhưng giá cả các mặt hàng thiết yếu biến động nhanh, luôn có xu hướng tăng.
Rõ ràng, để quản lý giá tốt hơn, Chính phủ nên đề ra các chính sách đồng bộ, có tính đến quan hệ giá cả chiều sâu trên thị trường giữa các ngành hàng và cần làm tốt hơn công tác dự báo. Mặt khác, cần tăng cường kiểm tra, thanh tra 'chéo' và trực tiếp; phạt nặng các đối tượng phao tin nhảm để tăng giá; hoặc lợi dụng các kẽ hở quản lý, để tăng giá theo kiểu độc quyền. Đồng thời, cần có chính sách ngắn hạn bù đắp thêm tiền lương cho hệ thống công, trong khi vẫn nâng lương theo lộ trình. Việc chỉnh giá, điều tiết giá qua chính sách, chế độ cần được khảo sát kỹ hơn, tiến hành đồng bộ kiểu liên ngành, tập trung trước vào các mặt hàng liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh. Cần chú ý thêm: Chế độ tiền lương là gốc của vấn đề để giải quyết đồng bộ việc tăng, giảm hay kìm giữ, bình ổn giá.
Phạm Trung Kiên: Giám đốc Viễn thông Đà Nẵng
Công tác dự báo và thanh tra vẫn còn yếu kém
Là một cử tri ở TP Phan Thiết (Bình Thuận), theo dõi kỳ họp lần này của Quốc hội, tôi xin có mấy ý kiến như sau.
Trước hết, tôi cũng như nhiều cử tri khác, đều đồng tình với bản Báo cáo của Chính phủ. Việc giữ được chỉ tiêu tăng giá cả năm 2010 ở mức 8% là một cố gắng rất lớn của Chính phủ và toàn hệ thống chính trị, đã góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết được nhiều việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Chúng tôi cũng đồng tình với những đánh giá của Thủ tướng về các mặt yếu kém trong phát triển KT-XH như nhập siêu vẫn còn lớn; sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; các tập đoàn kinh tế nhà nước tuy được giữ phần lớn vốn, tài sản, đất đai, tài nguyên quốc gia, nhưng hiệu quả đầu tư và tăng trưởng chưa tương xứng, thậm chí bị đổ vỡ như Tập đoàn Vinashin; hoạt động lễ hội diễn ra ở nhiều nơi vẫn còn mang tính phô trương hình thức, gây lãng phí, tốn kém thậm chí có lúc, có nơi phản cảm; kết quả phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm còn nhiều hạn chế. Chính phủ cũng đã thẳng thắn chỉ rõ những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là trực tiếp và chủ yếu. Tóm lại, Chính phủ đã đề cập toàn diện những vấn đề mà nhân dân đang rất quan tâm. Tôi quan tâm đến hai vấn đề 'nóng' nhất hiện nay, đó là sự đổ vỡ của Tập đoàn Vinashin và sự lo ngại về nguy cơ bùn đỏ nếu tiến hành khai thác bô-xít ở Tây Nguyên. Nhân dân rất muốn biết những sự việc trên sẽ được Quốc hội giám sát và kiểm tra như thế nào? Qua theo dõi những vụ việc nảy sinh, tôi thấy rằng một nhược điểm của chúng ta hiện nay là công tác dự báo và thanh tra còn yếu kém. Nếu chúng ta dự báo tốt, thì chắc chắn chúng ta sẽ kiểm soát được diễn biến của giá cả và cả nước sẽ không khổ sở với tình trạng cúp điện như hiện nay. Riêng ở Bình Thuận vài năm gần đây, thanh long trở thành cây trồng xóa đói, giảm nghèo và giúp nhiều hộ nông dân vươn lên giàu có, nhưng nguồn điện không đủ để cho các nhà vườn chong đèn cho thanh long ra quả trái vụ, ảnh hưởng lớn đến năng suất, thu nhập của bà con. Nghe nói đến năm 2012 điện vẫn thiếu nghiêm trọng, nông dân vùng này lại càng lo lắng.
Nếu công tác thanh tra, giám sát của ta được tiến hành chặt chẽ, thì Vinashin sẽ không lâm vào tình trạng như hiện nay. Còn việc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, tôi nhận thấy cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Tôi đề nghị tại kỳ họp lần này, Quốc hội cần xem xét lại vấn đề này. Qua một số thông tin, chúng tôi được biết sẽ có thêm phương án đưa quặng bô-xít từ Tây Nguyên xuống Bình Thuận chế biến, rồi chất thải sẽ được chôn lấp dưới biển. Nếu phương án này được thực thi, cử tri Bình Thuận chúng tôi cũng hết sức lo lắng, vì coi biển là nơi chứa chất độc hại, thì cũng không phải là khoa học.
Tết Tân Mão 2011 đang đến gần, giá cả thì đang tiếp tục lên, cũng đang là một vấn đề rất lo lắng của cử tri hiện nay, đề nghị Quốc hội, Chính phủ có biện pháp xử lý.
Phan cao Thông: (119/51 Lê Hồng Phong, TP Phan Thiết, Bình Thuận)
Huy động sức mạnh tổng hợp để xây dựng nông thôn mới
Qua theo dõi báo cáo do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày trước Quốc hội trong phiên khai mạc sáng 20-10, tôi hoàn toàn nhất trí về nội dung đánh giá tình hình kinh tế – xã hội năm 2010 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội năm 2011. Những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm năm 2006 – 2010, tạo điều kiện thuận lợi để đất nước phát triển cao hơn trong giai đoạn tiếp theo.
Tuy nhiên, điều mà cử tri tỉnh Quảng Trị quan tâm là chương trình xây dựng nông thôn mới được đưa ra trong điểm 3, phần hai 'phấn đấu cơ bản hoàn thành quy hoạch và đề án phát triển nông thôn mới ở các xã'. Theo chúng tôi xây dựng thành công chương trình nông thôn mới trên phạm vi cả nước là mục tiêu chiến lược, lâu dài của Đảng ta. Vì thế trong quá trình thực hiện, một khi đã xác định vấn đề quy hoạch là then chốt và khó khăn nhất thì phải tập trung triển khai trước. Hiện nay hầu hết các xã đã có quy hoạch, do đó cần rà soát lại điểm gì hợp lý nên giữ lại, chưa hợp lý phải điều chỉnh. Đối với cấp xã cần phải bố trí mặt bằng không gian quy hoạch sử dụng đất cho sản xuất một cách phù hợp; rà soát lại quy hoạch để tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, các công trình phúc lợi; hình thành, xây dựng quy hoạch các cụm dân cư… Do đó cần phải coi trọng việc tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong toàn dân mục đích, nội dung và ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thực tế hiện nay ở Quảng Trị, doanh nghiệp 'đứng chân' ở nông thôn quá ít, chính sách giảm thiểu rủi ro cho người nông dân trong sản xuất nông, lâm, thủy sản còn thiếu. Doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này hiệu quả thấp, thiếu ổn định và thường đẩy rủi ro về người sản xuất. Đây là vấn đề cần được xử lý nhằm thu hút doanh nghiệp về nông thôn để huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới.
Một vấn đề quan trọng có vai trò quyết định đến sự thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới, đó là khâu tổ chức thực hiện. Cần phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của cả hệ thống chính trị; chương trình phải được thực hiện bằng sức mạnh tổng hợp, Nhà nước và nhân dân cùng làm, là sự nghiệp của dân, do dân, dân làm, dân hưởng. Chương trình phải được triển khai thực hiện quyết liệt với các giải pháp đồng bộ, có lộ trình, bước đi phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, với quyết tâm cao mới giành được thắng lợi.
Nguyễn Hải Phong: (Xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị)
Đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Chúng tôi nhất trí với nhận định trong Báo cáo của Chính phủ là công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm đã được quan tâm chỉ đạo và đạt những kết quả thiết thực.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy thủ tục hành chính vẫn còn những phức tạp, phiền hà. Cơ quan hành chính vẫn có xu hướng giành thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn về phía người dân và doanh nghiệp. Nhiều thủ tục còn rườm rà, chồng chéo, chưa phù hợp với thực tế. Ý thức trách nhiệm thi hành công vụ, thái độ phục vụ của đa số cán bộ, công chức tuy có chuyển biến nhưng chậm. Một bộ phận công chức còn thiếu trách nhiệm, năng lực hạn chế. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo triển khai cải cách hành chính quyết liệt hơn nữa, đồng thời đẩy mạnh các biện pháp giáo dục cán bộ, công chức thực hiện đúng vai trò 'công bộc của nhân dân'.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, đã có những tiến bộ cả trong xây dựng thể chế, kiện toàn bộ máy chỉ đạo và thực hiện các giải pháp phòng ngừa, kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được chỉ đạo tập trung vào các lĩnh vực như chi ngân sách, đầu tư xây dựng, quản lý tài sản công, đất đai, tài nguyên. Thực hiện Cuộc vận động 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh' kết hợp với việc tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng đã tích cực góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về hoạt động phòng, chống tham nhũng. Việc thực hiện cơ chế khoán chi hành chính, cơ chế tự chủ về tài chính, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục, họp trực tuyến… đã tiết kiệm đáng kể cho ngân sách và các nguồn lực của xã hội.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng tham nhũng, lãng phí vẫn còn là vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo khắc phục những mặt còn hạn chế, yếu kém trong công tác này. Kiên quyết xử lý nghiêm khi phát hiện những sai phạm, nhất là xử lý trách nhiệm người đứng đầu; phát động, vận động đẩy mạnh công tác tự phát hiện tham nhũng, lãng phí từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Đoàn Minh Chức: (Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội)
Có giải pháp đồng bộ giúp đồng bào miền núi giảm nghèo nhanh, bền vững
Qua nghe Thủ tướng Chính phủ trình bày nội dung báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2010, nhiệm vụ năm 2011, tôi thấy rõ sự chủ động, tích cực của Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô, góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế hiệu quả, bảo đảm an sinh xã hội. Công tác giảm nghèo, nhất là ở 63 huyện nghèo nhất nước được triển khai đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,85% xuống còn 9,5%. Xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa được hưởng lợi từ các chương trình thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ. Đến nay 110 hộ đã được hỗ trợ, làm xong nhà theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg, được giải ngân mua 17 con nghé, trồng mới 123 ha rừng. Xã cũng đã tiếp nhận, cấp phát 90 triệu đồng cho 1.129 nhân khẩu hưởng lợi theo Quyết định 102/2009/
QĐ-TTg; được hỗ trợ 300 triệu đồng bằng giống, phân bón cung ứng cho nhân dân vùng thấp, không được hưởng lợi từ Chương trình 135 để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Riêng xuất khẩu lao động chưa thực hiện được chỉ tiêu nào. Đến thời điểm này xã vẫn chưa được giải quyết gần 300 triệu đồng để thanh toán cho hộ được hỗ trợ làm nhà. Với suất hỗ trợ phát triển chăn nuôi là 5 triệu đồng/hộ không đủ mua trâu giống nên 34 hộ trong xã chung mua được 17 con nghé để nuôi chung. Bên cạnh đó, mức hỗ trợ 4 triệu và 4,5 triệu đồng để trồng một ha rừng đã cao so với trước, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu trồng rừng thâm canh. Vẫn biết nhà nước chỉ hỗ trợ một phần nhưng đã là hộ nghèo thì khó có năng lực, khả năng tài chính để tái đầu tư phát triển sản xuất. Xuân Cẩm chưa phải xã nghèo nhất huyện Thường Xuân, việc huy động nguồn góp trong nông hộ đã khó thì các xã Yên Nhân, Bát Mọt, Xuân Chinh, Xuân Lẹ, v.v, còn khó hơn nhiều. Chưa kể một bộ phận hộ nghèo đã chuyển quyền sử dụng đất lâm nghiệp giao theo Nghị định 02/CP cho đối tượng khác nên không được thụ hưởng kinh phí hỗ trợ trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Nhìn chung việc triển khai các gói hỗ trợ sản xuất theo tinh thần Nghị quyết 30a/NQ-CP còn chậm so với tiến độ đề ra.
Năm 2011, Chính phủ tiếp tục triển khai các chính sách, giải pháp xóa đói, giảm nghèo, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm 2% theo chuẩn mới. Theo tôi, để xóa nghèo nhanh, bền vững cần nâng mức hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ thuộc xã nghèo, huyện nghèo và hướng tới cả hộ cận nghèo vì giữa hộ nghèo, hộ cận nghèo mức chênh lệch không đáng kể, dễ nảy sinh tư tưởng so bì, ỷ lại trong nhân dân. Thêm vào đó cần tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật đến nông hộ miền núi thông qua các mô hình cụ thể và mở rộng loại hình đào tạo theo phương thức 'cầm tay chỉ việc'. Cùng với việc hỗ trợ trồng mới, chăm sóc, bảo vệ rừng phải nâng cấp hệ thống đường lâm sinh, khuyến khích đầu tư chế biến lâm sản tại chỗ, nhằm nâng cao giá trị thu nhập cho những hộ dân gắn bó với nghề rừng.
Hà Thanh Khang :Chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa
Chăm lo đời sống người lao động ở nông thôn
Tôi rất phấn khởi và đồng tình với báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội của đất nước năm 2010, do Thủ tướng Chính phủ trình bày tại kỳ họp của Quốc hội lần này. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa hoàn toàn hồi phục, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước, nhất là sự quản lý, điều hành linh hoạt của Chính phủ với nhiều giải pháp lớn, khá cụ thể đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước 6,7% trong năm 2010 là đáng mừng. Điều này càng thể hiện rõ niềm tin, ý chí và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân ta, thể hiện sự phấn đấu vì mục tiêu đẩy mạnh phát triển toàn diện về sản xuất, kinh doanh… mới có thể vượt lên khó khăn, bảo đảm duy trì, tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống.
Tuy nhiên, cũng có đôi điều làm tôi chưa thật sự yên tâm. Một là gần đây, tình trạng giá cả hàng hóa, dịch vụ có dấu hiệu tăng nhanh, nhất là dịp cuối năm làm ảnh hưởng trực tiếp đến người hưởng lương, nhất là dân lao động. Xin đơn cử, từ đầu năm 2010 đến nay, một số mặt hàng liên tục tăng giá như: hàng hóa chế biến nông sản, thực phẩm; thuốc chữa bệnh; sữa; nhất là gần đây giá vàng, ngoại tệ liên tục biến động, gây bất lợi cho người tiêu dùng và các nhà sản xuất. Vừa qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp kìm chế lạm phát, tăng giá, nhưng ở từng lĩnh vực cụ thể, rõ ràng vai trò của các cơ quan tham mưu, quản lý nhà nước chưa được phát huy, chưa quản lý, kiểm soát chặt chẽ, điều hành giá cả thật tốt cho nên đã dẫn đến tình trạng này. Hai là hiện nay tỷ lệ hộ nghèo và tái nghèo ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long còn khá cao; trong khi đây là vùng đa dạng về tiềm năng kinh tế, là vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo của cả nước. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghèo và tái nghèo, nhưng cốt lõi vẫn là không có việc làm căn cơ, ổn định.
Chúng tôi kiến nghị: Chính phủ tăng cường quản lý giá đối với một số hàng hóa, ngăn chặn và kiên quyết xử lý những hành vi liên kết và lạm dụng vị thế thị trường để làm giá, đẩy giá lên cao, nhất là giá đầu vào các nguyên liệu quan trọng và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Các ngành chức năng và các địa phương cần phát huy vai trò kiểm soát, giám sát, quản lý chặt chẽ về cơ chế giá. Triển khai đồng bộ các chính sách và giải pháp xóa đói, giảm nghèo gắn với giải quyết việc làm và đào tạo nghề, nhất là cho người nghèo, lao động nông thôn. Xây dựng và triển khai có hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình việc làm; đồng thời gắn với triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu của chương trình này đã và đang được nhân dân đồng tình ủng hộ bởi nó gắn với quyền lợi thiết thực giúp người dân thoát nghèo, làm thay đổi bộ mặt làng quê nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trần Văn Thành :(Phường Thới Bình, TP Cần Thơ)
Theo Nhandan
Ý kiến ()