Quyết tâm vượt kế hoạch
LSO-Năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Trong đó chỉ tiêu về phát triển lâm nghiệp là một trong những chỉ tiêu quan trọng. Với nỗ lực của cả tỉnh, trong bốn năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm (giai đoạn 2011-2015), các chỉ tiêu chủ yếu đã tiệm cận với mục tiêu Nghị quyết. Mặc dù vậy chỉ tiêu trồng rừng năm 2015 vẫn được xây dựng ở mức cao, thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết về phát triển lâm nghiệp.
Nhân dân huyện Đình Lập ươm giống cây thông phục vụ cho trồng rừng 2015 |
Kết thúc vụ trồng rừng năm 2014 toàn tỉnh đã trồng mới được trên 11.600 ha rừng, vượt 22,2% kế hoạch năm. Nâng tổng số diện tích rừng trồng mới từ năm 2011 đến nay lên con số 39.800 ha, đạt 88,5% mục tiêu Nghị quyết; độ che phủ ước đạt 53,5%, đạt 99%. Như vậy để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết, năm 2015, toàn tỉnh chỉ cần trồng mới khoảng 5.200 ha rừng.
Thế nhưng theo dự kiến, kế hoạch trồng rừng năm 2015 vẫn quyết tâm giữ ở mức cao. Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển lâm nghiệp cho biết: dự kiến xây dựng kế hoạch năm 2015 là toàn tỉnh sẽ trồng mới 9.500 ha. Trong đó trồng rừng tập trung là 6.500 ha và trồng cây phân tán là 6 triệu cây, tương đương với 3.000 ha.
Trong các chỉ tiêu trên, nội dung trồng cây phân tán là một trong những nội dung được kỳ vọng sẽ vượt cao so với kế hoạch. Bởi hàng năm, nguồn ngân sách tỉnh vẫn cấp đủ trồng theo kế hoạch. Mặt khác, ngoài nguồn ngân sách tỉnh, các huyện cũng dành một phần từ ngân sách huyện cho trồng cây phân tán. Thêm vào đó, phong trào trồng cây nhân dân những năm qua phát triển mạnh mẽ. Đó là những yếu tố khiến cho nội dung trồng cây phân tán luôn về đích sớm. Vụ trồng rừng 2014, nhân dân toàn tỉnh đã trồng mới trên 7.300 ha cây phân tán, vượt 143,6% kế hoạch.
Tuy nhiên trồng rừng tập trung lại khá khó khăn. Các nội dung trồng rừng phòng hộ hay trồng rừng hỗ trợ sản xuất phụ thuộc rất nhiều vào nguồn ngân sách trung ương. Theo ước tính của Chi cục Phát triển Lâm nghiệp, để thực hiện kế hoạch trồng rừng mới năm 2015, toàn tỉnh cần nguồn lực xấp xỉ 40 tỷ đồng. Thế nhưng theo mọi năm, nguồn ngân sách trung ương chỉ đáp ứng được hơn một nửa. Trong khi đó, nội dung mới trong năm 2015 là trồng rừng thay thế chưa được kỳ vọng nhiều, bởi các dự án thủy điện bắt buộc phải thực hiện trồng rừng thay thế hiện nay đang gặp nhiều khó khăn.
Trên cơ sở phân tích đầy đủ những thuận lợi, khó khăn, lãnh đạo Chi cục Phát triển lâm nghiệp cho biết: phát huy những kết quả đã đạt được, để có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, ngoài việc phân bổ chỉ tiêu kế hoạch phù hợp với từng huyện, từng địa bàn, công tác tuyên truyền, đẩy mạnh xã hội hóa và thực hiện tốt chính sách ưu đãi của tỉnh về vay vốn trồng cây lâm nghiệp là một trong những giải pháp trọng tâm.
Trong thực tế, vấn đề thủ tục, dự án xin vay vốn hỗ trợ lãi suất trồng cây lâm nghiệp là khá phức tạp đối với người dân. Kinh nghiệm của Tràng Định là cán bộ chuyên môn phải hỗ trợ, thậm chí thời gian đầu là làm hộ người dân các thủ tục này. Ông Nông Văn Thoại, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tràng Định khẳng định: muốn thực hiện tốt chính sách ưu đãi của tỉnh cán bộ chuyên môn phải thực sự vào cuộc, vừa nắm bắt nhu cầu, vừa tuyên truyền hướng dẫn cầm tay chỉ việc và giám sát việc sử dụng nguồn vốn.
Trong khi đó ở Đình Lập – một trong những huyện triển khai có hiệu quả nhất Quyết định số 39 của UBND tỉnh về hỗ trợ lãi suất vốn vay trồng cây lâm nghiệp, không chỉ cán bộ chuyên môn mà ngay cả các cán bộ ngân hàng cũng thường xuyên ở cơ sở. Từ đó nắm bắt nhu cầu, giúp đỡ nguồn dân hoàn tất các thủ tục vay vốn. Trong khi đó, ở Hữu Lũng, do thực hiện tốt công tác quy hoạch rừng nguyên liệu gắn với chế biến, nâng cao chất lượng rừng trồng nên người trồng rừng đã có thu nhập cao và chủ động đầu tư trồng rừng…
Theo bà Nguyễn Thị Kim Loan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển lâm nghiệp: những kinh nghiệm hay, cách làm có hiệu quả ở một số huyện đang dần được nhân rộng, kết hợp với việc thực hiện tốt các cơ chế huy động vốn như: khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào bảo vệ, phát triển rừng và chế biến lâm sản; thu hút các nguồn vốn ODA, vốn phi chính phủ; lồng ghép các dự án phát triển lâm nghiệp với các chương trình, dự án giảm nghèo, phát triển nông nghiệp nông thôn… sẽ hình thành một hệ thống các giải pháp để cụ thể hóa quyết tâm trong vụ trồng rừng 2015.
Nếu vượt chỉ tiêu trồng rừng 2015, thì giai đoạn 2011-2015, Lạng Sơn sẽ vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV về phát triển lâm nghiệp ở mức cao. Điều này có ý nghĩa rất lớn, khẳng định kinh tế lâm nghiệp đã và đang có sự phát triển nhanh chóng, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh miền núi. Đồng thời đây cũng là cơ sở để xây dựng, hoạch định chiến lược phát triển lâm nghiệp trung hạn, giai đoạn 2016-2020.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()