Quyết tâm viết tiếp trang sử hào hùng của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại
Ngành ngoại giao Việt Nam đã ghi đậm dấu ấn trong những thắng lợi lịch sử của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành ngoại giao Việt Nam (28-8-1945 – 28-8-2015), Báo Nhân Dân xin trích giới thiệu bài viết của đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và ý kiến phát biểu của một số Đại sứ, nhà ngoại giao nước ngoài về sự phát triển và những đóng góp nổi bật của ngành ngoại giao Việt Nam suốt chặng đường bảy thập kỷ đồng hành cùng dân tộc.
Đúng 70 năm trước, trong không khí cách mạng sục sôi của mùa Thu tháng Tám, Sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 28-8-1945 thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã chính thức khai sinh ra nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. Ngành ngoại giao vô cùng tự hào được đặt dưới sự lãnh đạo, dìu dắt trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Bộ trưởng đầu tiên của ngành. Vinh dự lớn lao này cho thấy ngay từ buổi đầu lập nước, Đảng và Bác Hồ đã hết sức coi trọng vai trò của công tác đối ngoại với tư cách là một vũ khí quan trọng để bảo vệ lợi ích dân tộc.
Ngay từ thuở ban đầu phải đối mặt với nhiều thù trong giặc ngoài, bằng Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 và Tạm ước ngày 14-9-1946, ngoại giao đã góp phần quan trọng bảo vệ thành công chính quyền cách mạng non trẻ với việc thực hiện sách lược “hòa để tiến”, phân hóa kẻ thù, tranh thủ thêm thời gian củng cố lực lượng để chuẩn bị cho cuộc trường kỳ kháng chiến. Những quyết sách đối ngoại táo bạo, đúng đắn trong thời khắc vận nước ở thế “ngàn cân treo sợi tóc” càng làm nổi bật tầm vóc tư tưởng và thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đối ngoại. Từ nguyên tắc “dĩ bất biến ứng vạn biến”, “đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu” đến sách lược ngoại giao tâm công và phương châm “thêm bạn, bớt thù”, tất cả đã trở thành những bài học kinh điển về nghệ thuật ngoại giao mang đậm phong cách Hồ Chí Minh mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, ngoại giao Việt Nam đã thật sự trở thành một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược. Sự phối hợp chặt chẽ giữa ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Những chiến thắng vang dội trên chiến trường đã lần lượt được ngoại giao cụ thể hóa trên bàn đàm phán qua các Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Hiệp định Pa-ri năm 1973, để từ đó dân tộc ta đi tới đại thắng mùa Xuân năm 1975, đưa núi sông liền một dải, thu giang sơn về một mối. Trong những năm tháng hào hùng đó, ngoại giao đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một biểu tượng trong lòng bạn bè quốc tế về một dân tộc anh hùng, yêu chuộng hòa bình và luôn khát khao độc lập, tự do. Trong sự nghiệp kiến thiết, xây dựng đất nước, nhất là trong công cuộc đổi mới, ngoại giao đã góp phần phá bao vây, cấm vận, chủ động triển khai đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, nỗ lực duy trì môi trường hòa bình, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện đúng mong muốn “sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ” mà Bác Hồ luôn tâm niệm ngay từ những ngày đầu lập nước, Việt Nam ngày nay đã thật sự “là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Từ chỗ bị bao vây về kinh tế, cô lập về chính trị và chỉ có quan hệ với các nước trong phe Xã hội chủ nghĩa, đến nay nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 trong số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, có quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong Hiệp hội các quốc gia Đông – Nam Á (ASEAN) và nhiều cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc. Trong một thế giới toàn cầu hóa với sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng lớn giữa các quốc gia, hội nhập quốc tế đã trở thành sự lựa chọn khách quan và tất yếu. Như người “hoa tiêu” góp phần đưa con tàu Việt Nam tiến ra biển lớn, ngoại giao Việt Nam đã xác định đúng, bám sát dòng chảy của thời đại, luôn nỗ lực hết sức mình để định vị đất nước một cách có lợi nhất trong cục diện khu vực và thế giới.
Ngày nay, cục diện thế giới và khu vực đang không ngừng biến động. Chúng ta đang sống trong một thế giới có hòa bình, nhưng không hề yên bình. Châu Á – Thái Bình Dương vẫn là khu vực phát triển năng động nhất và có triển vọng trở thành trung tâm quyền lực mới của thế giới trong thế kỷ 21, song cũng đã trở thành địa bàn cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Hòa bình và hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng các nhân tố bất ổn, thậm chí nguy cơ xung đột cục bộ ngày càng nhiều. Đặc biệt, tình hình Biển Đông diễn biến rất phức tạp, các nguy cơ đe dọa an ninh, chủ quyền biển đảo của đất nước nổi lên ngày càng gay gắt. Thách thức và cơ hội luôn đan xen và có tính chuyển hóa lẫn nhau. Nhiệm vụ của ngoại giao ngày nay là phải lấy tư duy “trong nguy có cơ” để tìm ra thời cơ, vận hội của đất nước. Là một quốc gia có vị trí địa – chiến lược quan trọng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong tình hình mới, tranh thủ các điều kiện thuận lợi nhằm thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước vượt qua nguy cơ “bẫy thu nhập trung bình”. Để làm được điều đó, đã đến lúc ngoại giao Việt Nam cần “dấn thân” hơn.
Toàn ngành ngoại giao luôn nhận thức rõ, những thành tựu đối ngoại quan trọng suốt 70 năm qua là nhờ có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nỗ lực vượt bậc của tất cả các lực lượng làm công tác đối ngoại cũng như sự phối hợp hiệu quả, hỗ trợ tích cực của các bộ, ban, ngành và địa phương cả nước. Với phương châm “đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”, ngành Ngoại giao luôn sát cánh cùng các lực lượng đối ngoại khác, hình thành nên thế chân kiềng vững chắc gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, cùng phấn đấu vì mục tiêu chung là phục vụ tốt nhất các lợi ích an ninh, phát triển của đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế. Tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, thế hệ cán bộ ngoại giao ngày nay quyết tâm làm hết sức mình, vượt qua mọi khó khăn, tận dụng mọi thời cơ để viết tiếp trang sử hào hùng của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, góp phần đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của độc lập, hòa bình và phát triển.
—–
(*) Đầu đề là của Báo Nhân Dân.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()