Quyết tâm phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển-đảo
Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phát triển huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trở thành trung tâm du lịch biển-đảo. Và từ nhiều năm qua, sự đầu tư của Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực của chính quyền địa phương đã đưa huyện đảo Lý Sơn phát triển mạnh mẽ.
Một góc huyện đảo Lý Sơn. |
Nền tảng này tạo đà giúp đảo Lý Sơn bước sang giai đoạn mới, trở thành trung tâm du lịch biển-đảo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Đảo Lý Sơn sáng rực giữa biển khơi.
Đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ kinh tế biển
Sau hơn 5 năm thi công, đường cơ động phía đông nam huyện đảo Lý Sơn đã cơ bản hoàn thành.
Vành đai giao thông trọng yếu này gồm 5 tuyến đường cơ động tổng chiều dài 2,1km2, mặt đường 6,5m; các hạng mục kè chắn sóng 1,8km, ta-luy đầu tuyến, ta-luy bảo vệ đoạn lấn biển và nhiều hạng mục khác dần hoàn thiện.
Sau bao năm chờ đợi, vành đai đường giao thông kết hợp kè chắn sóng chống sạt lở, giữ đất cho đảo tiền tiêu cũng như kết nối hạ tầng giao thông tổng thể huyện đảo Lý Sơn an toàn, vững chãi giữa biển khơi.
Định hướng phát triển mạnh kinh tế biển đảo, nhiều năm qua huyện đảo Lý Sơn được đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng phục vụ kinh tế biển quy mô lớn gồm cảng giao thông, cảng cá, vũng neo đậu tàu thuyền, kè chống sạt lở, đưa điện lưới quốc gia ra đảo…
Những công trình quy mô lớn như vũng neo trú tàu thuyền Lý Sơn, đường cơ động đông nam, cảng Bến Đình, cầu cập An Bình, trung tâm chính trị-hành chính, Trung tâm Quân dân y kết hợp… đậm dấu ấn vùng biển, giúp đảo Lý Sơn phát triển căn cơ, vững chãi.
Định hướng phát triển mạnh kinh tế biển đảo, nhiều năm qua huyện đảo Lý Sơn được đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng phục vụ kinh tế biển quy mô lớn gồm cảng giao thông, cảng cá, vũng neo đậu tàu thuyền, kè chống sạt lở, đưa điện lưới quốc gia ra đảo… |
Khởi đầu từ huyện đảo khó khăn, cơ sở hạ tầng yếu, kém lạc hậu sau nhiều năm được đầu tư tạo đà cho đảo Lý Sơn phát triển kinh tế-xã hội vượt bậc.
“Điện, đường và nhiều công trình khác làm thay da đổi thịt cả đảo này. Sống ở đảo bao năm tôi thấy thay đổi quá lớn, tác động đến đời sống, sinh hoạt của bà con đất đảo này”, ông Nguyễn Cửu, Trưởng thôn Đồng Hộ, An Hải trải lòng.
Đường cơ động phía đông nam tạo thành vành đai giao thông trọng yếu kết hợp kè chắn sóng chống sạt lở, kết nối hạ tầng giao thông tổng thể huyện đảo Lý Sơn. |
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi tập trung bố trí vốn đầu tư công để đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng huyện đảo.
Từ năm 2015 đến nay, 11 công trình lớn và đang triển khai thực hiện với tổng vốn hơn 1.457 tỷ đồng; chuyển tiếp kế hoạch đầu tư công đến năm 2025 gần 632 tỷ đồng. Đồng thời, triển khai mới 7 dự án lớn có tính kết nối, tác động lan tỏa phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh-quốc phòng trên huyện Lý Sơn.
Phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là đô thị ven biển, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông là nền tảng để huyện đảo Lý Sơn phát triển mạnh mẽ.
Phát triển đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển-đảo
Cách đất liền khoảng 15 hải lý, huyện đảo Lý Sơn có diện tích tự nhiên 10,39km2, dân số hơn 22 nghìn người và nằm ngay trên con đường biển từ bắc vào nam và ngay cửa ngõ phía đông của Khu kinh tế Dung Quất, cách đường hàng hải quốc tế 90 hải lý.
Với vị thế này, Lý Sơn là huyện đảo tiền tiêu của đất nước, có vai trò bảo đảm an ninh chủ quyền quốc gia trên biển, đồng thời nhiều tiềm năng, lợi thế tài nguyên du lịch tự nhiên, lịch sử văn hóa…
Những năm qua, huyện đảo Lý Sơn phát triển mạnh du lịch, thương mại và dịch vụ. Từ đời sống truyền thống miền biển gắn với tàu thuyền đánh bắt xa bờ, trồng trọt hành, tỏi, nhân dân đất đảo chuyển hướng lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Ngôi nhà 3 tầng khang trang hoàn thành, Tết này, gia đình ông Trần Phú và bà Ngô Thị Tĩnh về nhà mới trong niềm vui lớn.
Nhà có hơn 3 sào đất trồng hành, tỏi, rau màu quanh năm chỉ đủ cho cuộc sống gia đình ông Phú. 10 năm trước, con trai ông vào miền nam tìm kiếm cơ hội làm ăn, buôn bán. Du lịch quê nhà sôi động, vài năm sau các con ông trở về quê hương.
Lý Sơn là huyện đảo tiền tiêu của đất nước, có vai trò bảo đảm an ninh chủ quyền quốc gia trên biển, đồng thời nhiều tiềm năng, lợi thế tài nguyên du lịch tự nhiên, lịch sử văn hóa… |
Làm nông, bán buôn phục vụ du khách thu nhập gia đình, con cái ông đều khấm khá hơn, đỡ nhọc nhằn hơn. “Xưa thì làm một việc, thu nhập chính từ hành, tỏi, nay làm thêm dịch vụ du lịch, con cái thì buôn bán nhiều nên thu nhập tốt hơn. Phải cộng hưởng từ nhiều hướng đời sống mới nâng cao hơn trước”, ông Phú chia sẻ.
Du lịch được xác định là kinh tế mũi nhọn của huyện đảo Lý Sơn, hướng đến mở rộng về quy mô, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Huyện Lý Sơn tập trung đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, công trình, sản phẩm du lịch từng bước được đầu tư, hình thành như Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, khôi phục và trưng bày bộ xương cá ông Lăng Tân…
Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đầu tư hơn 1.000 phòng ở cơ sở lưu trú, homestay, đón tiếp 3.000-4.000 khách mỗi ngày.
Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch đồng loạt, phong phú nhiều sự kiện lớn tổ chức trên đảo như các giải marathon, dù lượn, bóng chuyền nữ bãi biển, đua thuyền tứ linh… thu hút đông đảo khách du lịch tham quan.
Bước đầu, điểm đến Lý Sơn được khách du lịch trong nước, quốc tế lựa chọn, tìm đến đất đảo.
Phát triển huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trở thành trung tâm du lịch biển đảo. |
Ngành kinh tế du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, là nền tảng đưa huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi sớm trở thành trung tâm du lịch biển-đảo.
Và sự phát triển nhanh của du lịch biển đảo giúp tốc độ tăng trưởng du lịch huyện Lý Sơn từ năm 2017 đến năm 2020 đạt 23,31%.
Tỷ trọng ngành du lịch chiếm gần 50% tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện đã tác động lớn đến kinh tế-xã hội vùng đảo này.
Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế huyện đảo năm 2022 đạt 2.100 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển biến theo hướng tích cực, nông-ngư nghiệp chiếm 46,18%, thương mại dịch vụ chiếm 46,08%; thu nhập bình quân đầu người đạt 37,5 triệu đồng/người/ năm.
Du lịch, thương mại-dịch vụ tăng thu nhập cho người dân, giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều tại đảo còn 8,7%.
“Chính sách hỗ trợ bà con cùng cơ hội việc làm về du lịch, dịch vụ nhiều hơn nên tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 0,5-1% mỗi năm”, bà Dương Thị Hoàng Dung, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Lý Sơn cho biết.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương thông tin, tỷ trọng ngành du lịch huyện đảo chiếm gần 50% tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế. Vì vậy, kinh tế du lịch được xác định là ngành mũi nhọn của huyện trong giai đoạn mới.
Bà Phạm Thị Hương nói: “Phát triển du lịch, thương mại-dịch vụ là ưu tiên cho huyện đảo trong giai đoạn mới. Để đạt được mục tiêu, chúng tôi bám sát các đề án, nghị quyết và tiếp tục nỗ lực, hiện thực hóa nghị quyết bằng các biệp pháp, hành động cụ thể. Chính quyền địa phương và nhân dân trên đảo quyết tâm và nhất quán ý chí thực hiện để đạt mục tiêu đưa đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển-đảo trong khu vực”.
Phát triển huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trở thành trung tâm du lịch biển đảo theo Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị để đảo Lý Sơn rực sáng giữa biển khơi.
Nguồn:https://nhandan.vn/quyet-tam-phat-trien-huyen-dao-ly-son-tro-thanh-trung-tam-du-lich-bien-dao-post732566.html
Ý kiến ()