Quyết tâm duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2021
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, ba mũi giáp công là thể chế, nguồn nhân lực và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng sẽ tạo thêm động lực và là những mấu chốt để tạo nên sự bứt phá cho nền kinh tế năm 2021.
Sản xuất linh kiện cơ khí tại Công ty Misumi Việt Nam – Khu chế xuất Linh Trung, Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Như lệ thường, khi bước sang năm mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Nghị quyết 01/2021 và Nghị quyết 02/2021 về các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đây cũng là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025…
Do đó, đòi hỏi toàn hệ thống chính trị tiếp tục nỗ lực nhiều hơn để không chỉ duy trì nhịp độ tăng trưởng của năm 2020 mà còn thực hiện thành công, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch trong năm 2021.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tình hình kinh tế trong nước cũng chưa thể chuyển biến ngay theo chiều hướng tích cực; nhất là trong bối cảnh, tác động của dịch bệnh, của biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn còn diễn biến phức tạp.
Mặt khác, yêu cầu đầu tư phát triển và để phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an sinh xã hội và củng cố quốc phòng… ngày càng lớn trong khi nguồn lực quốc gia còn hạn hẹp.
Cùng với đó là các xu thế mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số và sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh mới, các phương thức sản xuất, tiêu dùng, giao tiếp xã hội, khoa học công nghệ… đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Trước tình hình này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, công cuộc cải cách thể chế cần tiếp tục được ưu tiên và đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn nữa từ Chính phủ, từ các cấp, ngành địa phương và với sự hợp sức, chung lòng của cộng đồng doanh nghiệp cùng toàn xã hội.
Theo ông Lộc, tập trung vào ba mũi giáp công là thể chế, nguồn nhân lực và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng sẽ tạo thêm động lực và là những mấu chốt để tạo nên sự bứt phá cho nền kinh tế.
Vào lúc này, Nhà nước cần tiếp tục triển khai nhiều chính sách mang tính thúc đẩy để doanh nghiệp thực sự trở thành lực lượng chủ công và khu vực tư nhân thực sự đóng vai trò rường cột của nền kinh tế. Có như vậy, mới thắp sáng chặng đường để Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp đúng nghĩa như mong muốn và kỳ vọng.
Đại diện cho hơn 1.200 doanh nghiệp hội viên chính thức, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho biết, trong những năm qua, bằng nhiều cách thức khác nhau, hiệp hội đã luôn đổi mới sáng tạo và phát huy tốt nhất vai trò gắn kết, làm cầu nối thúc đẩy sự hợp tác, phát triển kinh tế các doanh nghiệp thành viên.
Trong năm nay, hiệp hội sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ và phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị theo chủ trương của thành phố Hà Nội.
Theo đó, giai đoạn 2021-2025, Hà Nội sẽ dành gần 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ ít nhất 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất, chế biến; công nghệ thông tin; công nghiệp điện tử; cơ khí chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm…
Lực lượng này nhằm tạo thêm khoảng 1,5 triệu việc làm mới cho người lao động; nâng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thủ đô; đồng thời, đóng góp trên 40% tăng trưởng tổng sản phẩm và trên 30% ngân sách của thành phố.
Điều cơ bản là sẽ thúc đẩy để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu tốc độ phát triển doanh nghiệp mới bình quân đạt khoảng 10%/năm (bình quân khoảng 30.000 doanh nghiệp mới/năm) trong giai đoạn 2021-2025, tương đương với việc thành phố sẽ có thêm khoảng 150.000 doanh nghiệp thành lập mới trong giai đoạn này, ông Quốc Anh cho biết thêm.
Kiến trúc sư Nguyễn Đức Hiệp, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Kiến trúc Công trình Việt Nam (Vietnambuilding) – đơn vị tư vấn chuyên nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cho hay, doanh nghiệp đã “an toàn” bước qua năm 2020 – một năm đầy sóng gió với biết bao khó khăn, thách thức do dịch bệnh COVID-19 đem lại.
Cũng từng gánh chịu nhiều tổn thất và những tác động tiêu cực, song Vietnambuilding vẫn may mắn hơn không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa khác trong cùng lĩnh vực trước những nguy cơ phải ngừng hoạt động hoặc phá sản.
Với việc vừa thành lập văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh, Vietnambuilding dự kiến sẽ mở rộng hoạt động ra thị trường phía Nam từ Đà Nẵng đến Thành phố Hồ Chí Minh để kịp thời đón làn sóng đầu tư và tận dụng các cơ hội hợp tác kinh doanh với các nhà đầu tư mới.
Theo chủ trương của Chính phủ về việc sẽ khuyến khích khu vực tư nhân tham gia sâu và rộng hơn trong các công trình, dự án đầu tư công, Vietnambuilding rất có hứng thú và luôn quan tâm với lĩnh vực này bởi các điều khoản về thanh toán khá an toàn cho các doanh nghiệp. Điều đó thực sự có ý nghĩa và giúp tạo nhiều thuận lợi để các doanh nghiệp không chỉ an tâm hoạt động mà còn tự tạo dựng nền tảng phát triển cho chính mình; nhất là trong bối cảnh “người khôn của khó” như hiện nay.
Còn nhiều băn khoăn về tác động của COVID-19 đối với hoạt động của doanh nghiệp, ông Hiệp bày tỏ mong muốn nhận được cơ chế hỗ trợ vay vốn bằng tín chấp. Bởi đa phần các doanh nghiệp tư vấn hiện đều không có tài sản thế chấp và rất khó khăn khi tiếp cận nguồn tài chính này.
Ông Hiệp cũng đề xuất, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cho kéo dài hoặc chậm nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động… nên chăng cần được kéo dài thêm 1 thời gian vì khó có thể đảm bảo khả năng không tái dịch.
Thuộc ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng đầu tiên và thiệt hại nặng nề nhất qua đại dịch COVID-19 nhưng Công ty cổ phần Du lịch và Sự kiện – FLC Travel & Event – đơn vị trực thuộc Tập đoàn FLC Group, vẫn hoạt động bền bỉ và nỗ lực mỗi ngày để từng bước vượt qua khó khăn.
Bà Tống Thị Thu Hiền, Tổng Giám đốc FLC Travel & Event cho hay, không chỉ đại dịch mà bất cứ yếu tố ngoại cảnh nào cũng đều có nguy cơ tác động và ảnh hưởng nặng nề tới ngành du lịch dịch vụ.
Đến thời điểm này, đơn vị rất tự hào là doanh nghiệp du lịch hiếm hoi vẫn duy trì hoạt động toàn phần, không cắt giảm nhân sự và vẫn có tăng trưởng. Để có được kết quả ấy là nhờ Tập đoàn FLC đã nỗ lực xây dựng 1 hệ sinh thái du lịch toàn diện từ vận tải hàng không, đến khối quần thể nghỉ dưỡng FLC, hệ thống sân golf FLC và dịch vụ lữ hành du lịch…nhằm mang tới cho khách hàng các sản phẩm hoàn hảo.
Bước sang năm 2021, bà Thu Hiền cho biết, đây sẽ tiếp tục là năm kết nối dựa trên nền tảng là các sản phẩm du lịch toàn diện và hệ sinh thái trọn gói 5 sao mà Tập đoàn FLC đã và đang nỗ lực tạo lập. Doanh nghiệp cũng sẽ tích cực chuyển đổi số nhằm đáp ứng tốt nhất mọi mong đợi của khách hàng và phù hợp với xu thế chung của toàn cầu.
Bà Thu Hiền kỳ vọng Chính phủ và các địa phương tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ ngành du lịch dịch vụ. Theo đó, có thể giảm giá các điểm tham quan, hỗ trợ chi phí vận hành cho các cơ sở lưu trú như tiền điện, nước, bảo hiểm hay các loại thuế…; đồng thời, tạo điều kiện cho các đơn vị vận chuyển như các hãng hàng không được phép nới lỏng các chính sách về visa, thị thực nhập cảnh… để đón đầu nhu cầu du lịch quốc tế khi tình hình dịch bệnh lắng xuống và khả năng chống dịch được triển khai hiệu quả hơn./.
Ý kiến ()