Quyết tâm của ngành giáo dục
Sau 4 năm thực hiện Thông tư Liên tịch số 34 giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Công an, công tác phối hợp giáo dục, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật nói chung và các hành vi sai phạm về pháo nói riêng đã mang lại những kết quả tốt. Tuy vậy, các hành vi sai phạm về pháo và sử dụng vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thường xảy ra vào dịp tết Nguyên đán và lễ hội đầu xuân. Theo thống kê của ngành GD&ĐT, năm học 2012-2013, trong đó có tết Nguyên đán Quý Tỵ, lực lượng chức năng đã phát hiện, tổ chức điều tra, xác minh làm rõ 780 vụ với 1.432 HSSV vi phạm pháp luật, trong đó có 865 trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ và nhiều trường hợp tụ tập đánh nhau có sử dụng công cụ hỗ trợ; tuy nhiên chưa phát hiện trường hợp vi phạm về pháo.
Các Tổng phụ trách đội tập huấn về công tác tuyên truyền pháp luật cho học sinh |
Năm nay, với kế hoạch số 2620, ngày 19/12/2013, ngành GD&ĐT triển khai phòng, chống các hành vi sai phạm về pháo gắn với thực hiện Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ sớm hơn năm 2013. Theo đó, cấp phòng GD&ĐT thành lập ban tổ chức, xây dựng kế hoạch triển khai trước ngày 5/1/2014 và hướng dẫn các nhà trường thành lập ban tổ chức, quy định thời gian hoàn thành. Tổ chức tuyên truyền mạnh mẽ đến cán bộ giáo viên, nhân viên và HSSV Nghị định 36/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý sử dụng pháo; Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH ngày 30/6/2013 của Ủy Ban thường vụ Quốc hội về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và Quyết định số 95/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cấm sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, tàng trữ, đốt, thả “đèn trời”; kế hoạch phòng, chống các hành vi sai phạm về pháo của UBND tỉnh. Tổ chức cho học sinh ký cam kết chấp hành nghiêm túc các quy định về quản lý, sử dụng pháo gắn với Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Khai thác và sử dụng hiệu quả hộp thư “ Điều em muốn nói” để phát hiện ngăn ngừa các hành vi sai phạm cả trong và ngoài nhà trường. Hướng dẫn cho HSSV vận động, tuyên truyền ở gia đình và khu dân cư; tích cực tố giác tội phạm.
Theo ông Lê Xuân Trường, Trưởng Phòng Công tác HSSV- Sở GD&ĐT cho biết: có kế hoạch sớm để các phòng GD&ĐT, các nhà trường chủ động triển khai đến đội ngũ giáo viên, học sinh và phối hợp với chính quyền, đoàn thể, lực lượng chức năng. Ông cũng nhấn mạnh: việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về phòng chống pháo và sử dụng vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, thực hiện nghiêm chỉnh luật lệ ATGT là tiêu chí để bình xét thi đua, phân loại cán bộ, công chức trong năm học; nếu vi phạm nghiêm trọng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Với tinh thần trách nhiệm cao, các phòng GD&ĐT đã ra kế hoạch cụ thể để chỉ đạo các nhà trường triển khai kế hoạch của Sở GD&ĐT. Ông Ngô Hiền, Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Lạng Sơn cho biết, thành phố là địa bàn “trọng điểm” về phòng, chống các sai phạm về pháo, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nên không chỉ dừng lại ở việc ký cam kết, mà các nhà trường tăng cường lồng ghép tuyên truyền trong hoạt động chính khóa, ngoại khóa, giúp cán bộ giáo viên nhân viên và học sinh nhận thức rõ tác hại của các loại pháo; tích cực tham gia tố giác các hành vi sai phạm về pháo, phát hiện tố giác tội phạm. Sau khi ban hành kế hoạch, lãnh đạo phòng GD&ĐT phân công cán bộ đi kiểm tra từng trường về tiến độ và chất lượng triển khai công việc.
Thầy giáo Bùi Văn Quang, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Chu Văn An nói rằng học sinh Trường THPT chuyên Chu văn An phải là những học sinh thực sự gương mẫu tại khu dân cư; mọi vi phạm về pháo nói riêng và các vi phạm pháp luật khác đều bị nhà trường xử lý nghiêm khắc. Vì vậy, ngay trong tuần lễ từ 1/1đến 5/1, nhà trường phổ biến nâng cao nhận thức và tuần lễ từ 7/1 đến 11/1/2014 cho học sinh ký cam kết. Tất cả các buổi chào cờ đầu tuần, sinh hoạt cuối tuần, học sinh đều được quán triệt đầy đủ nội dung chống các hành vi sai phạm về pháo, sử dụng vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các hành vi vi phạm về ATGT. Ngoài ra, trong những ngày nghỉ tết, lãnh đạo nhà trường phân công trực tại trường vừa để kiểm tra an toàn, an ninh trường học, vừa tiếp nhận các thông tin để xử lý kịp thời.
Có thể nói rằng, các nhà trường, toàn ngành GD&ĐT đã và đang làm tất cả những gì có thể làm được để giảm thiểu vi phạm. Tuy nhiên HSSV là lứa tuổi hiếu động, nghịch ngợm, chưa ý thức rõ về hậu quả những việc sai trái của mình, vì vậy, sự nhắc nhở, quản lý của các bậc cha mẹ, sự tham gia phát hiện và xử lý của các cơ quan chức năng là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phát hiện, xử lý triệt để “nguồn cung” pháo từ các cửa hàng bán lẻ; sẵn sàng có người trực để “bắt tận tay, day tận trán” những vi phạm và xử lý thật nghiêm, như vậy tính răn đe mới cao.
Ý kiến ()