Quyết tâm chặn gia cầm nhập lậu
LSO-Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H7N9 và một số chủng cúm gia cầm độc lực cao tại Trung Quốc, ngay từ giữa tháng 2/2017, Lạng Sơn đã triển khai nhiều biện pháp. Trong đó, các lực lượng chức năng đã kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu, đường mòn lối tắt trên tuyến biên giới, quyết tâm ngăn chặn gia cầm nhập lậu.
Lực lượng hải quan và biên phòng lập rào chắn tạm thời tại các đường mòn, lối tắt để kiểm soát gia cầm lậu |
Kiểm soát từ biên giới
Theo Ban Chỉ đạo 389 huyện Lộc Bình, bắt đầu từ ngày 15/2/2017, do nhu cầu về gia cầm giống nên các đối tượng buôn bán gia cầm đã thuê bà con các xã giáp biên vận chuyển gia cầm lậu qua biên giới. Ông Lành Văn Nghệ, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3 cho biết: Do lợi nhuận cao từ buôn bán gia cầm nên các đối tượng vẫn hoạt động mạnh và liều lĩnh bất chấp sự kiểm soát của lực lượng chức năng.
Các đối tượng cắt cử “chim lợn” theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng và chủ yếu hoạt động vận chuyển từ khoảng nửa đêm đến rạng sáng. Có thời điểm có hàng trăm xe máy được huy động để vận chuyển gia cầm vào nội địa. Theo ông Nghệ, thực hiện chỉ đạo của Chi cục Quản lý thị trường và Ban Chỉ đạo 389 huyện, đơn vị đã phối hợp với lực lượng công an huyện lập 2 tổ chốt chặn 24/24 giờ ngay tại đường chính từ các xã: Tú Mịch, Yên Khoái đến trung tâm huyện. Cùng đó thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát lưu động tại các đường mòn, lối tắt và tại các thôn như: Nà Quân, Nà Phát (xã Tú Mịch) – nơi các đối tượng thường tập kết gia cầm nhập lậu.
Không chỉ tại Lộc Bình, tại các khu vực nhạy cảm như: Tân Thanh, Cốc Nam, Hữu Nghị, lực lượng bộ đội biên phòng, hải quan, công an cũng đã triển khai nhiều biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn các đối tượng buôn bán, vận chuyển gia cầm lậu qua biên giới. Cụ thể, lực lượng bộ đội biên phòng và hải quan tại các cửa khẩu đã phối hợp lập lán chốt tại các đường mòn, đồng thời lập rào chắn tạm thời tại những đường mòn chưa có lán để kiểm soát việc bà con cư dân gánh gia cầm qua biên giới. Thiếu tá Lều Minh Tiến, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tân Thanh cho biết: Không chỉ triển khai các biện pháp cứng như: kiểm tra các đường mòn, lập lán chốt chặn… mà đơn vị còn tổ chức tổ phụ trách các thôn, xã biên giới thực hiện tuyên truyền trực tiếp để bà con biên giới hiểu được nguy hiểm của dịch cúm A/H7N9 và một số chủng cúm gia cầm khác. Đồng thời tổ chức cho bà con ký cam kết không tiếp tay, vận chuyển thuê gia cầm nhập lậu qua biên giới.
Thực hiện 5 giải pháp
Lãnh đạo UBND tỉnh chỉ rõ: Vào thời điểm này, để ngăn chặn các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu hiệu quả, các lực lượng chống buôn lậu của tỉnh phải xác định những địa bàn trọng điểm, tổ chức tuần tra, chốt chặn 24/24 giờ nhằm “ngăn chặn” từ xa, quyết không để các đối tượng lợi dụng thời gian, địa bàn phức tạp vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu vào sâu trong nội địa.
Đặc biệt, tỉnh sẽ thực hiện triệt để 5 giải pháp, đó là: triệt phá các đường dây buôn bán, vận chuyển gia cầm qua biên giới; tăng cường lấy mẫu giám sát gia cầm; thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng để phòng chống dịch bệnh ngay từ khu vực biên giới; đẩy mạnh tuyên truyền cho cư dân biên giới cũng như bà con chăn nuôi gia cầm; tăng cường năng lực hệ thống thú y, đặc biệt là thú y cơ sở.
Ông Lý Việt Hưng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Để ngăn ngừa dịch cúm gia cầm, sở đã có văn bản chỉ đạo lực lượng thú y tại các huyện, thành phố theo dõi sát tình hình chăn nuôi gia cầm cũng như tình hình buôn bán gia cầm tại các chợ, không để gia cầm nhập lậu xuất hiện tại các chợ và vào các điểm chăn nuôi của bà con.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()