Quyết liệt xử lý các tồn tại, yếu kém tại 12 dự án thua lỗ
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương (Ban Chỉ đạo) ngày 26-2 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: Trong năm 2017, việc xử lý các yếu kém tại 12 dự án thua lỗ đã đạt được những kết quả quan trọng, có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình hình thực tế vẫn rất khó khăn và kết quả nêu trên chỉ là bước đầu. Vì thế, năm 2018, các bộ, ngành, đơn vị liên quan phải quyết liệt hơn để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, giúp các dự án sớm trở lại hoạt động hiệu quả.
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết: Kết thúc năm 2017, việc triển khai thực hiện Ðề án xử lý các tồn tại, yếu kém tại 12 dự án kém hiệu quả ngành công thương đã cơ bản đạt mục tiêu đề ra là hoàn thành phê duyệt phương án xử lý đối với từng dự án, xây dựng kế hoạch chi tiết, đồng thời bước đầu tổ chức thực hiện có hiệu quả. Ðến nay, đã có năm dự án, nhà máy đi vào sản xuất, khắc phục dần thua lỗ. Cụ thể, Nhà máy thép Việt – Trung (VTM) trong năm 2017 đã tiêu thụ được gần 463 nghìn tấn phôi thép và gần 2,6 triệu tấn quặng, đạt lợi nhuận 405 tỷ đồng. Ðáng chú ý, chỉ trong hai tháng đầu năm nay, VTM đã đạt doanh thu 1.069 tỷ đồng, lợi nhuận 198 tỷ đồng. Bốn dự án sản xuất phân bón thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng có kết quả sản xuất, kinh doanh cải thiện đáng kể trong năm 2017. Trong đó, dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 – Hải Phòng sau thời gian dài thua lỗ nay đã có lãi hơn 15 tỷ đồng (cao hơn 450,5% so kế hoạch); Nhà máy đạm Hà Bắc tiêu thụ hơn 317 nghìn tấn u-rê, đạt doanh thu 2.443 tỷ đồng và giảm lỗ 449 tỷ đồng so năm 2016; Nhà máy DAP số 2 – Lào Cai giảm lỗ 222 tỷ đồng; Nhà máy đạm Ninh Bình tuy chỉ sản xuất 138 ngày trong năm 2017, nhưng cũng giảm lỗ được gần 199 tỷ đồng. Theo đại diện Vinachem, hướng hồi phục của dự án DAP số 1 – Hải Phòng có nhiều điểm sáng, dự kiến năm 2018 sẽ sản xuất khoảng 270 nghìn tấn DAP, đạt lợi nhuận khoảng 18,5 tỷ đồng. Từ thực tế này, Vinachem mạnh dạn kiến nghị Ban Chỉ đạo đưa dự án DAP số 1 – Hải Phòng ra khỏi danh sách 12 dự án kém hiệu quả, hoạt động như doanh nghiệp bình thường để được tăng hạn mức tín dụng. Bên cạnh đó, với các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học, từ nay đã có thị trường, là điều kiện thuận lợi cho việc khởi động và vận hành lại các nhà máy này. Hiện nay, nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi đã hoàn thành đàm phán cấp cao với đối tác Công ty Tocontap, đang hoàn thiện hợp đồng hợp tác kinh doanh để khởi động lại, vận hành lại nhà máy trong tháng 4 tới.
Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ đánh giá: Kết thúc năm 2017, bức tranh của 12 dự án thua lỗ ngành công thương đã trở nên sáng sủa hơn. Nhiều đơn vị có sự chuyển biến toàn diện về kinh doanh, tài chính, phần lớn do có sự thay đổi cơ bản về phương thức quản trị doanh nghiệp và tiết kiệm chi phí. Một số doanh nghiệp giảm được lỗ lũy kế, lỗ phát sinh. Ðiều đáng mừng là một số doanh nghiệp lỗ sâu, từ cuối năm 2017 và sang năm nay đã có lãi. Nhiều doanh nghiệp cũng xác định được hướng ra nhờ tín hiệu tích cực từ thị trường; không ít nhà máy đang “trùm mền, đắp chiếu”, nay đã được khởi động lại;… Ðến thời điểm này, việc giải quyết các vướng mắc, khó khăn của từng dự án đã cơ bản xác định được lộ trình rõ ràng, cụ thể.
Vẫn đối mặt nhiều thách thức
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, hiện việc định giá khoảng 1.800 tỷ đồng đối với dây chuyền sản xuất đang đắp chiếu là quá cao, rất khó tìm được nhà đầu tư đồng ý mua với giá này. Do đó, cần mạnh dạn định giá đúng thực trạng để tìm đối tác chấp thuận việc mua lại nhà máy, tìm hướng giải quyết nhanh chóng. Ðược biết, Bộ Công thương đang đề xuất giảm 10% giá rao bán dây chuyền sản xuất Nhà máy bột giấy Phương Nam theo quy định. Sau hai lần giảm 10%, nếu vẫn chưa tìm được nhà đầu tư, sẽ phải tính đến phương án khác. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam kiến nghị: Nên có sự đánh giá, sắp xếp và rà soát lại các dự án, dự án nào chuyển biến tốt, hoàn thành các yêu cầu và nhiệm vụ đã đề ra, có thể đưa ra khỏi danh sách để tập trung nguồn lực giải quyết các dự án còn lại. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến nay, đã có 17 ngân hàng và một công ty tài chính cấp tín dụng cho 12 dự án với dư nợ khoảng 20 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ vay dài hạn là 83%. Hiện, nợ xấu của các dự án xác định khoảng 8.000 tỷ đồng và mới trích lập được 5.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án, bao gồm việc kéo, giãn nợ; duy trì hạn mức cho vay vốn lưu động cho các dự án với tỷ lệ giữa vốn thu hồi và cho vay từ 10/8 đến 10/9.
Mặc dù đánh giá cao sự vào cuộc của các ngân hàng, tuy nhiên Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ cũng cho rằng, nhiều dự án vẫn gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Thí dụ, dự án Nhà máy đạm Ninh Bình, nếu duy trì tỷ lệ giữa vốn thu hồi và cho vay là 10/9 thì chắc chắn khó có thể duy trì hoạt động hiệu quả. Chính phủ đã khẳng định dứt khoát sẽ không dùng ngân sách để cứu các dự án này, do đó cần phải có tinh thần chủ động chia sẻ rủi ro từ các nhà đầu tư và các bên liên quan. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng nên xem xét lại việc hỗ trợ vốn vay nhằm giúp các dự án, nhà máy có nguồn lực duy trì và thúc đẩy hoạt động. Trong trường hợp nếu dự án “chết” thì chắc chắn các ngân hàng cũng sẽ phải chịu phần thiệt thòi. Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ cũng đặc biệt nhấn mạnh, trong thời gian tới, quá trình triển khai xử lý các yếu kém tại các dự án, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt rất nhiều thách thức, chông gai. Trong đó, khó khăn nhất chính là giải quyết các vướng mắc, tranh chấp tại các hợp đồng EPC. Thực tế, hiện tất cả các dự án, doanh nghiệp có vướng mắc, tranh chấp chung quanh hợp đồng EPC đều đang bế tắc và chưa có hướng giải quyết triệt để, dứt điểm theo tiến độ đề ra. Một số trường hợp không dàn xếp được đã phải đưa ra trọng tài quốc tế phán quyết như trường hợp dự án Nhà máy Xơ sợi Ðình Vũ. Với ba nhà máy sản xuất phân bón đạm Hà Bắc, đạm Ninh Bình và DAP số 2 – Lào Cai, việc đàm phán hầu như “dẫm chân tại chỗ”, không có nhiều tiến triển, thiếu sự đồng thuận, hợp tác và chưa thống nhất với nhà thầu EPC. Thậm chí, các đơn vị liên quan không thể liên lạc được với nhà thầu EPC của dự án đạm Ninh Bình để xúc tiến công tác đàm phán.
Phó Thủ tướng chỉ đạo, trong năm nay, phải tạo ra bước chuyển biến căn bản, tạo tiền đề để đến năm 2020 giải quyết dứt điểm, toàn diện đối với 12 dự án thua lỗ ngành công thương. Vướng mắc của các hợp đồng EPC, các bộ, ngành, đơn vị liên quan cần nghiên cứu, rà soát, sớm có phương án giải quyết để đạt được thỏa thuận có lợi nhất. Trong trường hợp không tìm được tiếng nói chung, cần tính đến việc mời bên thứ ba là tòa trọng tài quốc tế hoặc tòa án quốc tế tham gia. Tuy nhiên, nếu khởi kiện cũng phải có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Các bộ, ngành và nhất là Bộ Tư pháp cần chủ động, tích cực hỗ trợ các dự án, doanh nghiệp trong trường hợp phát sinh vấn đề pháp lý phức tạp. Thống nhất giải quyết dứt điểm vấn đề trên trong quý I-2018, chậm nhất là quý II-2018 để tạo điều kiện tiếp tục triển khai các nhiệm vụ khác như tái cơ cấu, thoái vốn, cổ phần hóa… các dự án.
Theo Nhandan
Ý kiến ()