Quyết liệt triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP bằng những kế hoạch, hành động cụ thể
Sáng 15-3, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Chính phủ họp, nghe báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP (NQ11) về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.Tại cuộc họp, các thành viên Chính phủ đều nhận định: Sau một thời gian ngắn triển khai, các bộ, ngành, cơ quan và địa phương đã quán triệt NQ11, tập trung chỉ đạo, tích cực xây dựng chương trình hành động và thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra và đạt được những kết quả bước đầu tích cực: sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu kế hoạch đề ra; sản xuất nông nghiệp đã vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển ổn định; các hoạt động dịch vụ tiếp tục phát triển mạnh; đời sống nhân dân, nhất là những người nghèo, người già neo đơn, người tàn tật, gia đình người có công được quan tâm..., an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm, an...
Tại cuộc họp, các thành viên Chính phủ đều nhận định: Sau một thời gian ngắn triển khai, các bộ, ngành, cơ quan và địa phương đã quán triệt NQ11, tập trung chỉ đạo, tích cực xây dựng chương trình hành động và thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra và đạt được những kết quả bước đầu tích cực: sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu kế hoạch đề ra; sản xuất nông nghiệp đã vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển ổn định; các hoạt động dịch vụ tiếp tục phát triển mạnh; đời sống nhân dân, nhất là những người nghèo, người già neo đơn, người tàn tật, gia đình người có công được quan tâm…, an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm, an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững. Thị trường tiền tệ tương đối ổn định, trong đó dư nợ tín dụng tăng 3,41%, lãi suất huy động VND bình quân ở mức 13,04%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu quý I-2011 ước đạt 18,8 tỷ USD, tăng khoảng 29,7% so với cùng kỳ, gấp ba lần chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua. Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 21,8 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ. Trong quý I-2011, kinh tế của đất nước tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ giảm so với cùng kỳ và quý IV-2010. Tốc độ tăng trưởng GDP quý I-2011 ước đạt 5,4 đến 5,6%.
Theo ý kiến của nhiều thành viên Chính phủ, sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố những biện pháp về lãi suất, tỷ giá, kinh doanh vàng; trên thị trường, tỷ giá và giá vàng đã có xu hướng ổn định hơn, có thời điểm giảm so với trước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn trong quý I như tình hình kinh tế vĩ mô chưa ổn định, mặt bằng lãi suất tín dụng ở mức cao, giá cả tiếp tục biến động… làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Do đó, các thành viên Chính phủ đề nghị các bộ, ngành và địa phương cần nhanh chóng ban hành và triển khai có hiệu quả chương trình hành động cụ thể thực hiện NQ11; chủ động xử lý theo thẩm quyền những vấn đề phát sinh, hoặc kịp thời báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xử lý, nhằm tháo gỡ những vướng mắc.
Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao tinh thần triển khai NQ11 rất tích cực, khẩn trương, nghiêm túc của các bộ, ngành và địa phương, đồng thời hoan nghênh các cơ quan thông tấn báo chí đã chủ động vào cuộc, tuyên truyền, phân tích, phổ biến sâu rộng về NQ11, qua đó đã tạo được sự đồng thuận cao trong dư luận xã hội. Sau một thời gian ngắn triển khai NQ11, vấn đề tỷ giá ngoại tệ, giá vàng, thị trường vàng dần đi vào ổn định, là một tín hiệu rất tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện NQ11, vấn đề nổi lên là việc quản lý ngoại tệ, vàng cần phải đáp ứng được nhu cầu cần thiết của người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian tới tình hình thế giới vẫn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, do đó các bộ, ngành và địa phương phải hết sức nỗ lực khắc phục những khó khăn, thách thức, phát huy những lợi thế, tiếp tục quán triệt, triển khai NQ11 bằng những kế hoạch, hành động cụ thể. Theo đó, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; chống đô la hóa, vàng hóa. Quản lý chặt chẽ thị trường vàng, ngoại hối và thực hiện lộ trình xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do. Kiểm soát, xử lý nghiêm tình trạng kinh doanh ngoại tệ trái pháp luật. Đi liền với đó là bảo đảm đủ nguồn ngoại tệ để bán cho người dân, doanh nghiệp khi có nhu cầu hợp lý, nhất là bảo đảm đủ nguồn cung ngoại tệ đối với việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương phối hợp các bộ, ngành địa phương quyết liệt thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh xuất khẩu và giảm nhập siêu. Trong bối cảnh giá lương thực, thực phẩm thế giới đang tăng cao, phải tận dụng triệt để lợi thế của nước ta trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp, đem lại lợi ích cho nông dân. Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương cương quyết cắt giảm đầu tư công, dừng những khoản chi chưa cần thiết và thực hiện tiết kiệm điện như điện quảng cáo, điện chiếu sáng… Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt kiểm soát giá cả, nếu cần thiết lập tổ kiểm tra liên ngành để kiểm soát giá cả, kiểm soát việc mua bán ngoại tệ; thị trường vàng; không để xảy ra các tình trạng đầu cơ tăng giá, không để thiếu hàng nhất là những hàng hóa thiết yếu.
Thủ tướng yêu cầu, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phải chỉ đạo tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội. Các bộ, ngành và địa phương cần hết sức quan tâm tới công tác thông tin, tuyên truyền, trong đó tập trung vào tuyên truyền về chính sách tài chính, tiền tệ, tỷ giá, thị trường vàng… để người dân hiểu rõ, hiểu đúng tình hình.
Sáng 15-3, UBND tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
UBND tỉnh công bố danh mục bảy công trình phải đình hoãn với tổng vốn đầu tư hơn 600 tỷ đồng, hầu hết là các dự án xây dựng, cải tạo và nâng cấp trụ sở làm việc cơ quan nhà nước chưa thật sự cấp thiết. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các huyện và TP Nam Định không tổ chức đoàn đi học tập, công tác, tham quan hoặc giải quyết những việc khác ở các tỉnh trong cả nước nếu không thật cần thiết. Quản lý ngân sách chặt chẽ, tạm dừng mua ô-tô, thiết bị văn phòng; giảm chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng, dầu; tiết kiệm tối đa chi phí hội nghị, hội thảo, tổng kết, sơ kết, đón danh hiệu. Các trường hợp thực hiện theo chế độ, chính sách hoặc phòng, chống thiên tai, dịch bệnh do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định. UBND tỉnh Nam Định giao chỉ tiêu tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của chín tháng còn lại trong dự toán ngân sách năm 2011 cho các sở, ban , ngành, các huyện, thành phố với tổng số tiền là 45,2 tỷ đồng.
Trong thời gian này, tỉnh Nam Định chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, tập trung phát triển những sản phẩm có ưu thế cạnh tranh, có chất lượng và giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, dự án có vốn đầu tư nước ngoài; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và quản lý giá các mặt hàng thiết yếu, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng thu lợi bất chính.
UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành văn bản yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện chính sách thắt chặt tài khóa, cắt giảm đầu tư công, để thực hiện những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.
Theo đó, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức sử dụng ngân sách Nhà nước chịu trách nhiệm trong việc tiết giảm tối đa chi phí hội nghị, hội thảo, tổng kết, sơ kết, đi công tác trong và ngoài nước. Rà soát, cắt giảm, sắp xếp lại các dự án để điều chuyển vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án quan trọng, cấp bách. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã ban hành quyết định giao chỉ tiêu phấn đấu thu ngân sách năm 2011 tăng tối thiểu 7% so với dự toán HĐND tỉnh thông qua, giao chỉ tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên trong chín tháng cuối năm của các sở, ngành, địa phương với số tiền hơn 19 tỷ đồng. Từ quý III, UBND tỉnh sẽ xem xét, bố trí cho các nhiệm vụ chi cấp bách phát sinh ngoài dự toán theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()