Quyết liệt thời điểm cuối năm
LSO-Những tháng cuối năm, nhu cầu về gia cầm giống tăng cao do người chăn nuôi tăng đàn, tái đàn. Nắm bắt tình hình đó, từ đầu tháng 10/2020 đến nay, các đối tượng buôn lậu đã gia tăng hoạt động nhập lậu gia cầm giống và tìm mọi cách vận chuyển vào nội địa để tiêu thụ.
Lực lượng QLTT phụ trách địa bàn huyện Lộc Bình
thu giữ gia cầm giống nhập lậu
Chiều tối ngày 14/10/2020, “mục sở thị” vụ ngăn chặn, bắt giữ hơn 40.000 con gia cầm giống nhập lậu (đây là vụ bắt giữ số lượng gia cầm lớn nhất từ đầu năm 2020 đến nay) mới thấy tình hình vận chuyển gia cầm, đặc biệt là gia cầm giống nhập lậu đang “nóng” vào những tháng cuối năm.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tỉnh, từ cuối tháng 9/2020 đến nay, hoạt động buôn lậu, vận chuyển gia cầm giống nhập lậu bắt đầu xuất hiện trở lại, càng gần thời điểm cuối năm, hoạt động này càng gia tăng. Các đối tượng buôn lậu gia cầm giống chủ yếu thực hiện vận chuyển trái phép qua các đường mòn khu vực biên giới thuộc địa bàn các xã: Tú Mịch, Yên Khoái, Mẫu Sơn thuộc huyện Lộc Bình.
Ông Đinh Văn Hùng, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3, Thường trực Ban Chỉ đạo 389 huyện Lộc Bình cho biết: Thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu là thuê người vận chuyển nhỏ lẻ qua biên giới, nếu trót lọt sẽ tập kết ở một khu vực nào đó thuộc địa bàn các xã: Tú Mịch và Yên Khoái. Sau đó dùng xe máy, ô tô tải loại nhỏ vận chuyển vào khu vực huyện Cao Lộc hoặc thành phố Lạng Sơn.
Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 huyện Lộc Bình, Đội QLTT số 3, cũng như các lực lượng chống buôn lậu trên địa bàn huyện (biên phòng, công an) đã tổ chức các biện pháp để ngăn chặn. Theo đó, từ đầu tháng 10/2020 đến trung tuần tháng 11/2020, các lực lượng chống buôn lậu trên địa bàn huyện Lộc Bình đã phát hiện, bắt giữ 12 vụ vận chuyển gia cầm giống nhập lậu, thu giữ hơn 35.000 con gà, vịt giống.
Không chỉ lực lượng chống buôn lậu của huyện Lộc Bình, thời gian qua, lực lượng chống buôn lậu trên địa bàn toàn tỉnh đã ngăn chặn, bắt giữ 25 vụ vận chuyển gia cầm giống nhập lậu, thu giữ gần 110.000 con gà, vịt giống. Đại tá Nông Quang Tám, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, sau một thời gian trầm lắng, từ đầu tháng 10/2020 đến nay, các đối tượng buôn lậu gia cầm giống đã hoạt động trở lại. Thủ đoạn của các đối tượng đầu nậu thường là thuê cư dân biên giới vận chuyển gia cầm giống nhập lậu về nơi tập kết, chờ thời cơ thuận lợi vận chuyển sâu vào nội địa.
“Nhiều năm qua, cứ đến tháng 9, tháng 10 hằng năm, hoạt động buôn lậu, vận chuyển gia cầm giống trái phép qua địa bàn tỉnh lại tái diễn. Để ngăn chặn triệt để tình trạng này, điều cốt lõi là công tác chăn nuôi trong nước cần phát triển hơn nữa, đặc biệt là quan tâm đến công tác cung ứng con giống. Nếu nguồn cung về con giống trong nước đủ thì hoạt động buôn lậu gia cầm giống chắc chắn sẽ không diễn ra…”. Ông Chu Nguyên Thạch, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn |
Nhằm ngăn chặn hoạt động này, lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt biên giới; chốt chặn 24/24 giờ tại các đường mòn, lối tắt dọc tuyến biên giới. Đặc biệt là chỉ đạo Đồn Biên phòng Chi Ma chủ động phối hợp với lực lượng khác trên địa bàn kiểm soát chặt biên giới, lập chốt ngăn chặn tại các tuyến đường qua địa bàn các xã: Tú Mịch, Yên Khoái, Mẫu Sơn (Lộc Bình).
Ông Đặng Văn Ngọc, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh – cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cho biết: Thời điểm này, các lực lượng đã lập hơn 120 lều, lán chốt tại các đường mòn nhằm ngăn chặn hành vi vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, trong đó có gia cầm giống nhập lậu. Đồng thời, các lực lượng cũng tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động cư dân biên giới không tiếp tay, vận chuyển thuê gia cầm cho các đối tượng buôn lậu.
Bên cạnh đó, trong khu vực nội địa, lực lượng công an, QLTT cũng đã thành lập tổ đội công tác cơ động, thực hiện tuần tra kiểm tra, kiểm soát trên khâu lưu thông; nắm bắt những địa điểm các đối tượng buôn lậu tập kết gia cầm giống, để từ đó thực hiện triệt phá, bắt giữ.
Ý kiến ()