Thứ 7, 23/11/2024 09:19 [(GMT +7)]
Quyết liệt phòng, chống tội phạm mua bán người
Chủ nhật, 02/01/2011 | 09:22:00 [(GMT +7)] A A
Nước ta có biên giới đường bộ dài hơn bốn nghìn km với 156 cửa khẩu quốc tế, quốc gia và địa phương, có hàng nghìn đường mòn, đường tiểu ngạch; dân cư vùng giáp biên thưa thớt, trình độ dân trí, xã hội hạn chế.
Công tác quản lý về an ninh trật tự có nơi, có lúc còn bất cập, bị động, tạo kẽ hở để bọn tội phạm và một số đối tượng nước ngoài dụ dỗ những cô gái Việt Nam lấy chồng người nước ngoài.
Tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp
Trong năm năm (2004 – 2009), cả nước xảy ra 1.586 vụ, với 2.888 đối tượng, lừa bán 4.008 nạn nhân, đa số phụ nữ, trẻ em (PNTE) bị mua bán sang Trung Quốc, Cam-pu-chia. Hoạt động tội phạm mua bán người (MBN) diễn biến phức tạp, xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, song tập trung nóng bỏng nhất là tuyến biên giới Việt – Trung, chiếm hơn 60% tổng số vụ MBN. Thậm chí, lực lượng biên phòng còn phát hiện các vụ vận chuyển đưa PNTE ra nước ngoài trên tuyến biển.
Bọn lưu manh chuyên nghiệp và có tiền án, tiền sự cấu kết với đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới tạo thành đường dây buôn người khép kín. Đáng chú ý, đối tượng là người nước ngoài, lợi dụng du lịch, thăm thân, liên doanh, liên kết làm ăn kinh tế để lừa đảo PNTE dưới dạng xuất khẩu lao động, cho nhận con nuôi, kết hôn rồi đưa ra nước ngoài bán ngày càng gia tăng; thậm chí, nhiều phụ nữ từng bị lừa bán lại trở thành thủ phạm buôn người. Đa số nạn nhân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc trắc trở trong cuộc sống, song cũng không ít phụ nữ là gái mại dâm, ăn chơi, đua đòi hoặc một số người do làm ăn thua lỗ, nợ nần nhiều, muốn kiếm việc làm có thu nhập cao nên dễ dàng bị lừa bán. Tại Hà Giang, lợi dụng địa bàn miền núi vắng vẻ, một số đối tượng trong nước cấu kết với người nước ngoài tổ chức thành từng toán đột nhập vào nhà dân, giết người thân, chiếm đoạt, bắt cóc trẻ em. Bọn tội phạm còn sử dụng 'vệ tinh' lân la tới các vùng quê để phát hiện phụ nữ trẻ lỡ có thai, hoặc gia đình trục trặc, khó khăn về kinh tế, sinh con ngoài ý muốn để gạ gẫm mua bán lừa gạt, thu gom bán ra nước ngoài. Tinh vi hơn, chúng còn lợi dụng sơ hở pháp luật về cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài để mua trẻ sơ sinh, rồi móc nối với các trung tâm núp dưới sự trợ giúp pháp lý nhân đạo, lập hồ sơ trẻ em bị bỏ rơi rồi hợp pháp hóa và chuyển ra nước ngoài bán. Không chỉ mua bán phụ nữ, trẻ em, các cơ quan chức năng đã phát hiện một số vụ mua bán đàn ông, xảy ra ở Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn; xuất hiện một số đường dây đưa người ra nước ngoài bán nội tạng cho các bệnh viện tư nhân. Nhiều học sinh, sinh viên cũng sập bẫy bọn tội phạm lừa đảo, dụ dỗ bằng 'chat' qua in-tơ-nét.
Quyết liệt phòng, chống
Ngày 14-7-2004, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 130/TTg phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán PNTE giai đoạn 2004 – 2010 (nay là mua bán người). Để chỉ đạo tập trung và chuyên sâu, Chính phủ phê duyệt bốn đề án, gồm: Đẩy mạnh công tác truyền thông; đấu tranh trấn áp tội phạm; tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Trong từng năm, Bộ Công an, Ban chỉ đạo 130/CP tham mưu cho Chính phủ ban hành các chương trình, kế hoạch cụ thể chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống MBN. Tất cả địa phương đều xây dựng chương trình, kế hoạch, lập tiểu Ban chỉ đạo các cấp và mở hội nghị triển khai, lồng ghép thực hiện Chương trình 130/CP với nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực nên đã mang lại hiệu quả.
Với phương châm 'phòng ngừa là cơ bản, hướng về cơ sở, phát huy vai trò cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã hội ở phường, xã, thôn, bản', công tác tuyên truyền đã được triển khai bằng nhiều hình thức; tổ chức các khóa tập huấn liên ngành bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kiến thức cho cán bộ làm công tác phòng, chống tội phạm MBN. Năm năm qua, các lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá 1.292 vụ, bắt 2.257 đối tượng, giải cứu 1.238 nạn nhân từ các vụ mua bán phụ nữ, trẻ em, tổ chức tiếp nhận 2.936 nạn nhân bị mua bán trở về. Trong số các nạn nhân trở về có 80% được tiếp cận các dịch vụ tư vấn tâm lý và cung cấp thông tin, chính sách hỗ trợ, 30% nhận được kinh phí hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ học nghề từ ngân sách Nhà nước. Công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống MBN không ngừng được đẩy mạnh, điển hình là việc xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người trình Quốc hội thông qua; ban hành một số văn bản dưới luật tập trung các lĩnh vực mà bọn tội phạm thường lợi dụng để lừa PNTE ra nước ngoài bán. Ban chỉ đạo 130/CP tăng cường phối hợp với các nước, các tổ chức quốc tế, triển khai nhiều hoạt động liên quan đến phòng, chống MBN.
Tuy nhiên, tình hình hoạt động của tội phạm MBN ở nước ta vẫn diễn biến phức tạp, xu hướng tăng và quốc tế hóa. Một số đường dây MBN hoạt động 'ngầm' và lực lượng chức năng chưa có điều kiện đi sâu khám phá (số vụ bóc gỡ mới chỉ chiếm khoảng 10 đến 15% số vụ việc xảy ra thực tế). Một số cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể ở một số bộ, ngành và địa phương chưa thật sự quan tâm chỉ đạo công tác phòng, chống MBN; công tác tuyên truyền còn lúng túng và chưa lồng ghép các chương trình kinh tế, xã hội ở địa phương nên chưa nâng cao được nhận thức để mọi người dân, mọi gia đình, tổ chức đoàn thể chủ động phòng ngừa và tích cực đấu tranh. Công tác tiếp đón nạn nhân, hỗ trợ giáo dục, tạo việc làm tái hòa nhập cộng đồng cho PNTE bị mua bán trở về còn bị động, lúng túng. Hơn nữa, thiếu các hiệp định tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm, các nghị định thư, các kế hoạch hợp tác cụ thể trong phòng, chống tội phạm MBN; nhiều văn bản pháp luật về phòng, chống tội phạm MBN còn phân tán nên trong quá trình vận dụng thực hiện gặp khó khăn và thiếu thống nhất.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()