Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, năm 2012, tình hình dịch, bệnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Nguy cơ xảy ra dịch cúm A(H5N1) là rất lớn, nhất là các tỉnh, thành phố xảy ra dịch cúm gia cầm, khả năng lây nhiễm sang người là rất cao. Bệnh tay, chân, miệng đang bùng phát ở nhiều địa phương khi trong gần hai tháng đầu năm đã có hơn 6.300 trường hợp mắc (tăng gấp 7,1 lần so cùng kỳ năm ngoái) và có khả năng phát triển ra các khu vực phía bắc.Bệnh sốt xuất huyết vẫn lưu hành ở mức cao và tập trung tại khu vực các tỉnh phía nam, dự báo tỷ lệ mắc và tử vong tương đương với năm 2011. Ngoài ra, một số dịch, bệnh khác như: Cúm A(H1N1), sốt rét, dại, bệnh Rubella được dự báo sẽ bùng phát trở lại trong thời gian tới.Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch, bệnh, thời gian qua, ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp từ thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống cúm A(H5N1), bệnh tay, chân,...
Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, năm 2012, tình hình dịch, bệnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Nguy cơ xảy ra dịch cúm A(H5N1) là rất lớn, nhất là các tỉnh, thành phố xảy ra dịch cúm gia cầm, khả năng lây nhiễm sang người là rất cao. Bệnh tay, chân, miệng đang bùng phát ở nhiều địa phương khi trong gần hai tháng đầu năm đã có hơn 6.300 trường hợp mắc (tăng gấp 7,1 lần so cùng kỳ năm ngoái) và có khả năng phát triển ra các khu vực phía bắc.
Bệnh sốt xuất huyết vẫn lưu hành ở mức cao và tập trung tại khu vực các tỉnh phía nam, dự báo tỷ lệ mắc và tử vong tương đương với năm 2011. Ngoài ra, một số dịch, bệnh khác như: Cúm A(H1N1), sốt rét, dại, bệnh Rubella được dự báo sẽ bùng phát trở lại trong thời gian tới.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch, bệnh, thời gian qua, ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp từ thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống cúm A(H5N1), bệnh tay, chân, miệng tại các tỉnh, thành phố trọng điểm. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để có biện pháp cách ly, thu dung, điều trị kịp thời, cũng như giám sát trọng điểm một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Cúm A(H5N1), bệnh tay, chân, miệng, sốt xuất huyết, sốt rét…
Tuy nhiên, qua theo dõi, tại một số địa phương, công tác phòng, chống chưa quyết liệt, thiếu sự chỉ đạo thường xuyên của các cấp chính quyền, bên cạnh đó nhiều địa phương các ban, ngành đoàn thể vẫn còn có tư tưởng giao phó công tác phòng, chống dịch cho ngành y tế. Nguồn nhân lực, trình độ cán bộ làm công tác phòng, chống dịch vừa thiếu, vừa yếu về chuyên môn dẫn đến việc triển khai còn chậm, nên hiệu quả đạt được chưa cao. Nhận thức của người dân còn hạn chế, nhiều thói quen sinh hoạt, ăn uống không có lợi cho sức khỏe vẫn tồn tại, người dân chưa tự giác tham gia, hoặc thờ ơ đối với các hoạt động phòng, chống dịch triển khai tại địa phương mình sinh sống.
Nhằm chủ động ngăn ngừa, ứng phó, xử lý kịp thời trong công tác phòng, chống các dịch, bệnh, trong thời gian tới, các cấp, các ngành có liên quan cần tập trung vào việc tăng cường hơn nữa hoạt động của các Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm ở người, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch nguy hiểm và mới nổi các cấp. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần coi công tác phòng, chống dịch, bệnh là một nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên của địa phương mình và huy động tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia tích cực vào công tác này. Ngành y tế chủ động và tăng cường công tác giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh đầu tiên để có những biện pháp cách ly, thu dung, điều trị và xử lý kịp thời khi có người mắc. Cần xây dựng các thông điệp truyền thông giáo dục sức khỏe phù hợp cho từng đối tượng cụ thể, nội dung ngắn gọn, dễ hiểu. Tăng cường sự phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng, nhằm thông tin đến người dân về tình hình dịch, bệnh, kiến thức về các biện pháp phòng, chống dịch, bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()