Quyết liệt ngăn chặn xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc
LSO-Những năm gần đây, tình trạng người lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động, làm thuê có chiều hướng gia tăng. Do nhận thức hạn chế, một số người đã không làm thủ tục xuất cảnh hợp pháp mà đi chui qua các đường mòn biên giới. Chính hành vi vi phạm quy chế xuất nhập cảnh đó đã đem lại những hậu quả khó lường.
Anh Đinh Văn Tấn (sinh năm 1971 ở thôn A Dinh 2, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc) cuối năm 2014, cũng đã từng đi lao động trái phép và bị lực lượng chức năng Trung Quốc bắt giữ khi đang lao động chui tại một xưởng gỗ, nhưng may mắn anh đã được trở về nước bình an. Trải qua sự cố hãi hùng đó, anh cho biết: “Lúc đó khoảng 12 giờ, chúng tôi đang làm ở xưởng thì lực lượng chức năng Trung Quốc ập vào kiểm tra và bắt giữ. Tổng cộng bị giam giữ hơn 50 ngày, tài sản, quần áo đương nhiên bị mất hết vì mình đi bất hợp pháp. Ở nhà làm ruộng thu nhập thấp, nghe mọi người rủ sang bên ấy thu nhập cao nên cũng đi, bây giờ thì không đi nữa …”
Tiếp nhận công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép do Trung Quốc bắt và trao trả tại cửa khẩu |
Lạng Sơn có đường biên giới dài, với nhiều đường mòn, đường tắt dễ dàng qua lại nên công tác kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Từ đầu năm 2015 đến nay, có gần 25 nghìn lượt công dân xuất cảnh trái phép qua địa bàn, tăng khoảng 8.500 người so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, có nhiều trường hợp là người các tỉnh khác, gây ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh trật tự. Công an tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động xuất cảnh trái phép, phát hiện, bắt giữ đối tượng chuyên tổ chức đường dây đưa dẫn người trái phép ra nước ngoài. Qua đó đã phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm. Trong đó vào hồi 19 giờ ngày 17/3, Phòng an ninh điều tra Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ đã phát hiện tại một nhà nghỉ trên địa bàn phường Vĩnh Trại có đông người ngoại tỉnh tụ tập chờ người đưa dẫn trái phép qua đường mòn biên giới sang Trung Quốc làm thuê. Những người này không có việc làm, thường trú trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Do nhận thức hạn chế, thiếu hiểu biết và nhẹ dạ, đã bị một số đối tượng cò mồi dụ dỗ nên đã ảo tưởng về mức thu nhập cao, ổn định tại nước ngoài.
Anh Nguyễn Văn Bình, (sinh năm 1994 trú tại Diễn Châu, Nghệ An) ngậm ngùi: “ở quê không có việc làm, nghe mọi người rủ bảo sang Trung Quốc làm ở các xưởng làm gỗ, ví da, lắp điện tử… mỗi tháng kiếm được 10 đến 20 triệu đồng nên mỗi người nộp vài triệu để được đưa đi. Ra đến Lạng Sơn 2 ngày rồi hết cả tiền ăn mà vẫn chưa thấy người dẫn đi. Không biết sự thể như thế nào”. Đa số họ là những người nghèo, hoàn cảnh gia đình khó khăn, thậm chí một số người không biết chữ. Trong một vụ việc liên quan đến hành vi đưa dẫn người xuất cảnh trái phép, Công an thành phố Lạng Sơn đã phát hiện, kịp thời ngăn chặn 48 người ngoại tỉnh chuẩn bị được đưa dẫn sang Trung Quốc qua đường mòn biên giới khu vực cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình. Đối tượng đưa dẫn người xuất nhập cảnh trái phép Lương Văn Va (sinh năm 1980 trú tại Nga My, Tương Dương, Nghệ An) đã khai nhận: “Cháu bị bắt vì đưa dẫn người trái phép. Cháu rủ mọi người đi làm được mọi người tán thành, bất cứ việc gì làm ra tiền cháu đều làm. Cháu biết là phạm tội rồi, nhưng vì nghèo quá, nay nghe các chú công an tuyên truyền cháu đã hiểu được việc làm sai trái, nếu được làm lại cháu về quê làm nương, phát rẫy nghèo cũng không đi như thế nữa…” Xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động tự do tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, đe dọa trực tiếp đến quyền lợi, sức khỏe và tính mạng của người lao động, có nhiều trường hợp phải gánh chịu hậu quả đau lòng. Thậm chí một số trường hợp nữ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, bị bán làm vợ, hoặc vào các động mại dâm, gây nên những hệ lụy xấu.
Ông Đặng Văn Huấn – Chủ tịch UBND xã Tân Liên, huyện Cao Lộc cho biết: Tại xã Tân Liên, có hàng chục trường hợp do xuất cảnh trái phép đã bị lừa bán sang Trung Quốc lấy chồng. Một số bị bắt và không được tiền công mang về, một số xuất cảnh trái phép bị bán đi biệt tích không thấy trở về, chúng tôi cũng đã cảnh báo, tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân để nâng cao nhận thức…” Trước tình trạng vi phạm pháp luật của hàng nghìn trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, với vai trò nòng cốt, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, công an các huyện, thành phố đã chủ động rà soát, lập danh sách quản lý đối tượng chuyên tổ chức đưa dẫn người Việt xuất cảnh trái phép. Triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng công dân xuất cảnh trái phép. Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành quy định của pháp luật. Trung tá Mông Minh Tiến – Phó đội trưởng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh và người nước ngoài Công an tỉnh Lạng Sơn nói: “Trong quý 1/2015, chúng tôi đã phối hợp tiếp nhận 500 trường hợp xuất cảnh trái phép do phía Trung Quốc trao trả, qua điều tra cho thấy các trường hợp trên bị Trung Quốc giam giữ từ 1 đến 3 tháng, bắt phải lao động công ích… Để hạn chế những rủi ro do xuất cảnh trái phép, đề nghị nhân dân khi đi ra nước ngoài đến Phòng XNC hoặc đến UBND xã làm thủ tục hợp pháp…”
Thực tế nhu cầu tìm việc làm là hết sức chính đáng, nhất là với đồng bào vùng nông thôn còn gặp khó khăn, nhưng đi lao động bằng cách vượt biên trái phép là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự và quy chế bảo vệ biên giới. Giữa hai Chính phủ Việt Nam – Trung Quốc chưa có hiệp định song phương về vấn đề xuất, nhập khẩu lao động, vì vậy các trường hợp nhập cảnh vào Trung Quốc để lao động là sai mục đích, là vi phạm pháp luật trong xuất nhập cảnh và quản lý Nhà nước về an ninh trật tự đều được chính phủ hai nước quy định kèm theo các chế tài xử lý nghiêm minh. Vì vậy nhân dân cần thực hiện tốt các quy định về xuất nhập cảnh khi ra nước ngoài.
NGUYỄN THÁI - VIỆT DŨNG
Ý kiến ()