Quyết liệt kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi
Chăm sóc đàn lợn ở Hợp tác xã Chăn nuôi Cổ Đông, thị xã Sơn Tây (Hà Nội).
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ tháng 12-2017 đến giữa tháng 9-2018, 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo có bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF). Trong đó, Trung Quốc xuất hiện 20 ổ dịch, với hơn 50 nghìn con lợn buộc phải tiêu hủy chỉ trong hơn một tháng qua. Từ đây đặt ra yêu cầu cấp bách cần chủ động phòng bệnh hiệu quả, ngăn chặn ASF xâm nhiễm vào nước ta.
Nguy cơ lây lan nhanh
OIE cho biết, ASF là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút gây ra, tuy không lây sang người, nhưng đến nay chưa có vắc-xin, thuốc điều trị hiệu quả. Vi-rút gây bệnh tồn tại rất lâu trong sản phẩm thịt (kể cả đã qua chế biến chín) mà du khách mang theo khi đi du lịch. Chính vì vậy, việc kiểm soát ASF gặp rất nhiều khó khăn. Nguy hiểm hơn, tỷ lệ chết đối với lợn nhiễm bệnh dịch này là rất cao so với những bệnh khác như lở mồm long móng, dịch tả lợn thông thường.
Theo ông Ken I-nui, chuyên gia bệnh lợn của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực LHQ (FAO), theo dõi tình hình dịch ASF tại một số nước cho thấy, vi-rút gây bệnh có khả năng lây lan chậm trong các đàn lợn nhiễm bệnh. Lợn sẽ chết rải rác chứ không đồng loạt, gây thêm khó khăn cho người chăn nuôi, thú y cơ sở khi theo dõi, phát hiện bệnh. Chia sẻ về kinh nghiệm phòng, chống ASF, ông Ken I-nui cho biết, biện pháp quan trọng là bảo vệ các trang trại không cho vi-rút xâm nhập, tiêu độc khử trùng. Tiếp đó là phòng bệnh, thực hành chăn nuôi tốt, nâng cao an toàn sinh học; không cho lợn ăn thức ăn thừa chưa qua xử lý chín, bảo đảm thời gian và nhiệt độ tiêu diệt mầm bệnh. Việc giám sát phát hiện sớm đóng vai trò quan trọng; nếu không, nguy cơ lây lan sẽ rất nhanh khi có bệnh dịch. Đồng thời, ông cũng đề xuất, từ nay trở đi bất kỳ con lợn nào nghi bị bệnh là cần xét nghiệm ngay, nhất là với những con hơn 12 tuần tuổi vì bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tập trung ở giai đoạn này.
Mặc dù ASF chưa xuất hiện ở Việt Nam nhưng nguy cơ xâm nhiễm là rất cao. Đây là điều đáng lo ngại, bởi từ đầu năm đến nay, do giá lợn hơi tại Trung Quốc thấp hơn so với ở Việt Nam khá nhiều, cho nên lợn sống từ quốc gia này được vận chuyển rải rác vào nước ta qua đường tiểu ngạch, từ một số tỉnh phía bắc. Thêm vào đó, nguy cơ lây lan ASF chủ yếu do yếu tố con người tác động như việc vận chuyển lợn và các sản phẩm bệnh, nghi mắc bệnh từ nơi này sang nơi khác. Nếu không có những biện pháp ngăn chặn hiệu quả và kịp thời, bệnh dịch bùng phát sẽ gây thiệt hại rất lớn cho ngành chăn nuôi lợn nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung.
Theo Phó Cục trưởng Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN và PTNT) Đàm Xuân Thành, biện pháp duy nhất để đối phó ASF là phát hiện sớm ổ dịch, khoanh vùng và tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh. Kinh nghiệm xử lý ASF của Trung Quốc là đóng cửa các chợ buôn bán lợn sống, không cho phép vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn ra khỏi những tỉnh có bệnh; đồng thời thiết lập những vùng bị dịch đe dọa là 3 km và vùng bảo vệ là 10 km; tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh và các đàn có nguy cơ, kèm theo việc hỗ trợ tài chính.
Đồng bộ biện pháp ngăn chặn
Để chủ động ngăn chặn sự xâm nhập của ASF vào nước ta, ngày 11-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Công điện 1194/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn. Bộ NN và PTNT cũng đã ban hành Công điện 6741/CĐ-BNN-TY, đồng thời tổ chức cuộc họp trực tuyến cả nước về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật vụ thu đông và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào ngày 14-9. Tại cuộc họp, Bộ NN và PTNT đã kêu gọi phát huy tinh thần chủ động của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp chăn nuôi cần liên kết, phối hợp ngành chức năng, chính quyền địa phương và người dân tổ chức hiệu quả các biện pháp phòng bệnh, không để dịch ASF xâm nhiễm vào nước ta. Trước mắt, Bộ NN và PTNT chỉ đạo dừng nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn từ Hung-ga-ri và Ba Lan vào Việt Nam từ ngày 20-9 cho đến khi hai nước này công bố an toàn ASF theo quy định của OIE. Đồng thời, yêu cầu cơ quan thú y tổ chức kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn dịch bệnh, nhất là bệnh ASF đối với những lô hàng này.
Tổng cục Hải quan cũng có văn bản gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh dịch ASF nhập cảnh vào Việt Nam. Theo đó, hàng hóa phải được quản lý tại cửa khẩu nhập đầu tiên, không giải quyết thủ tục chuyển cửa khẩu, đưa hàng về bảo quản, chỉ thông quan khi có giấy chứng nhận kiểm dịch đạt yêu cầu của cơ quan kiểm dịch… Tổng cục Hải quan cũng nêu rõ danh sách quốc gia có dịch tả lợn châu Phi gồm: Trung Quốc, Nga, Ba Lan, Séc, Hung-ga-ri, Lát-vi-a, Môn-đô-va, Phần Lan, Ru-ma-ni, Nam Phi, U-crai-na, Dăm-bi-a…
Ghi nhận của chúng tôi tại một số tỉnh có đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc như: Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh…, các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát cả người và phương tiện vận chuyển hàng hóa qua đường mòn, lối mở, cửa khẩu, phòng tình trạng giấu sản phẩm động vật trong hàng hóa; tổ chức chốt chặn 24 giờ hằng ngày tại các địa bàn trọng điểm trên tuyến biên giới.
Sở NN và PTNT tỉnh Lạng Sơn cho biết, đã có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố, nhất là năm huyện biên giới và các cơ quan chuyên môn của Sở. Trong đó, nhiệm vụ cấp bách trước mắt là chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường chống buôn lậu lợn và sản phẩm của lợn từ bên kia biên giới vào nội địa. Tuyệt đối không cho buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới. Kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý tình trạng buôn lậu lợn, sản phẩm của lợn theo đúng quy định của pháp luật.
Tại Hà Nội, địa phương có đàn lợn lớn nhất cả nước, Chi cục Thú y thành phố cho biết, đã có văn bản đề nghị các huyện, xã trên địa bàn tăng cường giám sát dịch tễ để phát hiện nhanh chóng trường hợp mắc dịch bệnh. Hiện, các doanh nghiệp chăn nuôi, hợp tác xã tại thành phố đang gấp rút thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn lợn như: rà soát, tiêm bổ sung các loại vắc-xin phòng bệnh để tăng cường đề kháng cho đàn lợn, dự trù đủ vật tư, hóa chất xử lý tại chỗ khi có dịch bệnh xảy ra. Tăng cường theo dõi, giám sát lâm sàng đối với các đàn lợn, kịp thời phát hiện, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với lợn bị bệnh, nghi bị bệnh. Tuân thủ các quy định về quản lý vận chuyển, kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn.
Đối với các cơ sở chăn nuôi lớn, để chủ động phòng, chống ASF, mỗi đơn vị lại có cách làm riêng. Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam đã mời chuyên gia hàng đầu thế giới hiểu biết sâu về căn bệnh ASF đến tổ chức hội thảo, tuyên truyền cho cán bộ, nhân viên trong công ty hiểu biết về mức độ nguy hiểm của bệnh dịch này, tăng cường kiểm soát an toàn sinh học, công tác sát trùng trong khu vực chuồng trại. Đồng thời, cho in tờ rơi phát cho nông dân và tập huấn hướng dẫn cho các chủ trại về cách phòng ASF ở lợn.
Góp phần hỗ trợ công tác giám sát, phát hiện dịch bệnh, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết, công ty sẽ tặng Cục Thú y, Bộ NN và PTNT hóa chất chẩn đoán bệnh ASF bằng phương pháp Real-time PCR, bộ kiểm tra nhanh phát hiện kháng nguyên ASF Ingezim ASFV Crom Antigen, trị giá khoảng 100 nghìn USD.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến địa phương, các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi, hy vọng chúng ta sẽ ngăn chặn hiệu quả, không để bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Cục Thú y phối hợp FAO tổ chức tập huấn và cung cấp nguyên vật liệu chẩn đoán xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đến nay, tất cả tám phòng thí nghiệm của Cục Thú y (gồm Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương và bảy Chi cục Thú y vùng) đã thực hiện tốt việc xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi bằng kỹ thuật Real-time PCR (là kỹ thuật hiện đại và nhanh nhất hiện nay); kết quả có được trong vòng ba giờ kể từ khi nhận được mẫu. Hiện tại, các phòng thí nghiệm thuộc Cục Thú y đã có đủ nguyên liệu xét nghiệm hơn 2.000 mẫu. Phòng Thí nghiệm thú y quốc gia của Ô-xtrây-li-a (AAHL) cũng đã cung cấp bổ sung nguyên liệu xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi cho Việt Nam để đủ xét nghiệm 1.000 mẫu. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()