Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước tháng 3 tiếp tục tăng ở mức khá cao 2,17% so với tháng trước. Với mức tăng này, có thể thấy CPI tháng 3 năm nay biến động trái với xu hướng của quy luật tiêu dùng nhiều năm trước là CPI tháng 3 thường giảm hoặc tăng nhẹ. Năm 2010, CPI tháng 3 chỉ tăng 0,76%, năm 2009, CPI tháng 3 giảm 0,17%...Tháng 3 năm nay, CPI tăng cao trước hết do tác động của việc điều chỉnh giá một số loại chi phí đầu vào của sản xuất, như việc tăng tỷ giá USD/VND hồi cuối tháng 2 đã làm giá hàng nhập khẩu tăng cao; giá bán điện cho sản xuất và sinh hoạt cũng điều chỉnh, tăng hơn 15% kể từ ngày 1-3 vừa qua; rồi việc tăng giá xăng, dầu trước đó... Sự tác động có độ trễ này đã thể hiện rõ nét trong tháng 3 khi so với tháng trước, CPI của nhóm giao thông tăng đột biến, với mức tăng cao nhất 6,69%, trong khi tháng 2 vừa qua, nhóm này chỉ tăng...
Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước tháng 3 tiếp tục tăng ở mức khá cao 2,17% so với tháng trước. Với mức tăng này, có thể thấy CPI tháng 3 năm nay biến động trái với xu hướng của quy luật tiêu dùng nhiều năm trước là CPI tháng 3 thường giảm hoặc tăng nhẹ. Năm 2010, CPI tháng 3 chỉ tăng 0,76%, năm 2009, CPI tháng 3 giảm 0,17%…
Tháng 3 năm nay, CPI tăng cao trước hết do tác động của việc điều chỉnh giá một số loại chi phí đầu vào của sản xuất, như việc tăng tỷ giá USD/VND hồi cuối tháng 2 đã làm giá hàng nhập khẩu tăng cao; giá bán điện cho sản xuất và sinh hoạt cũng điều chỉnh, tăng hơn 15% kể từ ngày 1-3 vừa qua; rồi việc tăng giá xăng, dầu trước đó… Sự tác động có độ trễ này đã thể hiện rõ nét trong tháng 3 khi so với tháng trước, CPI của nhóm giao thông tăng đột biến, với mức tăng cao nhất 6,69%, trong khi tháng 2 vừa qua, nhóm này chỉ tăng 1,01%. Với mức tăng 6,69%, nhóm hàng này đã góp phần tăng CPI tháng 3 chung của cả nước thêm 0,6%. Hay nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng trong tháng trước chỉ tăng 0,83% nhưng sang tháng 3 đã tăng tới 3,67%, đóng góp vào mức tăng CPI chung của cả nước thêm 0,37%. Tương tự, nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ khác cũng đều tăng giá với mức tăng cao so với tháng 3 các năm trước. Đáng chú ý, nhóm bưu chính – viễn thông sau nhiều tháng giảm liên tiếp, đến tháng 3 này, bất ngờ tăng giá trở lại với mức tăng nhẹ 0,02%. Chưa kể, giá cả lương thực trên thế giới tăng cao đã làm tăng giá lương thực trong nước, CPI của nhóm này tăng tới 2,18%…
Sự biến động của CPI tháng 3 trái với quy luật thông thường của nhiều năm trước đã khiến CPI ba tháng đầu năm 2011 tăng tới 6,12%. Đây là mức tăng khá cao so với cùng kỳ các năm trước. Tình hình này khiến nhiệm vụ kiềm chế lạm phát càng trở nên cấp bách, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương phải khẩn trương, quyết liệt thực hiện, đồng bộ và có hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Hơn lúc nào hết, cả nước đồng sức, đồng lòng thi đua lao động sản xuất với chất lượng và hiệu quả cao, hạ giá thành sản phẩm; chống đầu cơ buôn lậu và tự ý nâng giá hàng hóa, dịch vụ; triệt để tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng… Bên cạnh đó, để giải quyết tốt vấn đề lạm phát, cần có những giải pháp lâu dài, căn bản để xử lý những nguyên nhân sâu xa của lạm phát. Nếu không việc kiềm chế lạm phát sẽ chỉ có hiệu quả mang tính nhất thời và nguy cơ bùng nổ lạm phát luôn thường trực. Trong dài hạn, cần nhanh chóng tái cấu trúc toàn diện nền kinh tế, nâng cao hiệu quả đầu tư và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đây chính là giải pháp cơ bản và toàn diện nhất để giải quyết vấn đề lạm phát.
Theo Nhandan
Ý kiến ()