Quyết liệt, hướng đến người dân
LSO-Hai năm liên tục, tỉnh Lạng Sơn xếp thứ áp chót trong kết quả chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI). Từ đây, việc cải thiện nâng cao chỉ số được quyết tâm thực hiện và tập trung hướng đến người dân.
Người dân làm thủ tục cấp lại giấy khai kinh tại UBND xã Tú Mịch,
huyện Lộc Bình
Nâng cao chỉ số PAPI một cách thường xuyên, lâu dài
Năm 2016, chỉ số PAPI của Lạng Sơn xếp thứ 51/63 tỉnh, thành phố; năm 2017 xếp thứ 52/63 tỉnh, thành. Nguyên nhân là nhận thức, hiểu biết của người dân về các vấn đề xã hội, các quy định của pháp luật còn thấp và chưa đầy đủ. Việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở còn hạn chế khiến người dân thiếu thông tin để biết và bàn bạc, giám sát. Các ban thanh tra nhân cấp xã hoạt động mang tính hình thức, hiệu quả thấp. Việc giải quyết thủ tục hành chính còn chậm, gây phiền hà cho dân. Chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục và hạ tầng cơ sở ở cấp xã chưa đảm bảo. Chính quyền địa phương còn để tồn đọng những phản ánh, kiến nghị của người dân…
Trước thực tế chỉ số PAPI xếp hạng thấp, ngày 10/5/2018, Chủ tịch UBND tỉnh có công văn chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung, kiến thức liên quan đến chỉ số PAPI đến cán bộ, công chức, viên chức và người dân; xây dựng bộ câu hỏi và đáp án trả lời các nội dung mà dự án PAPI phỏng vấn; quan tâm kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát cộng đồng…
Trên cơ sở chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã chọn 3 xã của 3 đơn vị cấp huyện làm điểm chỉ đạo cấp tỉnh về hoạt động của ban giám sát đầu tư cộng đồng để rút kinh nghiệm, nhân rộng. Đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo mỗi huyện, thành phố lựa chọn ít nhất 2 đơn vị cấp xã làm điểm chỉ đạo ở cấp huyện. Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, các sở, ngành, UBND cấp huyện cũng đang có những động thái tích cực cải thiện chỉ số PAPI. Ông Vũ Đức Thiện, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Sở đã họp bàn các giải pháp khắc phục chỉ số PAPI trong thời gian tới với các cấp, ngành liên quan. Để việc nâng cao chỉ số đem lại hiệu quả, sở xác định các giải pháp khắc phục, cải thiện cần thực hiện thường xuyên, liên tục, lâu dài, không chỉ trong năm nay mà còn ở cả những năm tiếp theo.
Người dân là trung tâm
Ông Phạm Tuấn Tú, Trưởng Phòng Cải cách hành chính, Sở Nội vụ cho biết: Trong bộ câu hỏi khảo sát của PAPI hoàn toàn là những câu hỏi liên quan đến người dân. Ví dụ như PAPI 2017 có câu hỏi về việc “Người dân có đóng thuế thu nhập cá nhân không?”, “Mức độ hài lòng của người dân với giá bồi thường đất?”, “Triển vọng kinh tế gia đình trong 5 năm tới?”… Từ năm 2011 đến nay, dự án PAPI đã phỏng vấn hàng nghìn lượt người dân tại thành phố Lạng Sơn, các huyện: Cao Lộc, Đình Lập. Dựa vào những câu trả lời từ người dân, cơ quan có thẩm quyền có thể đánh giá được hiệu quả quản trị và hành chính của tỉnh như thế nào. Chính yếu tố lắng nghe ý kiến người dân để đánh giá mức độ cải thiện của các cấp chính quyền mà chúng ta không thể lơ là việc nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề xã hội, việc tôn trọng quyền và lợi ích của người dân.
Hiện tại, các sở, ngành liên quan và 3 đơn vị cấp huyện trong dự án PAPI đang tích cực khởi động việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về các nội dung, vấn đề mà người dân có quyền được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát. Cùng với đó là công khai, minh bạch việc điều tra, rà soát hộ nghèo, danh sách hộ nghèo; thu chi ngân sách cấp xã; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đền bù giải phóng mặt bằng; kế hoạch đầu tư các dự án; nâng cao trách nhiệm giải trình với dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình…
Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc cho biết: Từ nay đến tháng 7/2018, huyện sẽ tập trung tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở, họp thôn, tuyên truyền miệng đến người dân trong vùng dự án PAPI và vùng lân cận về những kiến thức liên quan. Đồng thời với đó là yêu cầu các cơ quan, đơn vị hành chính ở huyện nâng cao trách nhiệm thực hiện tốt các chính sách liên quan đến người dân.
Chỉ số PAPI gồm 6 lĩnh vực (tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công) với 22 chỉ số nội dung và 92 chỉ tiêu thành phần về hiệu quả quản trị và hành chính công. |
Ý kiến ()