Quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch trong chăn nuôi
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 2.275 xã của 57 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy gần 231.000 con lợn, chiếm 0,8% tổng đàn lợn (hơn 28 triệu con). Hiện cả nước còn 899 ổ dịch tại 228 huyện của 43 địa phương chưa qua 21 ngày; đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi.
Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp là do chưa có thuốc, vaccine phòng bệnh. Chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, con giống mua về không có nguồn gốc rõ ràng, không có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển của cơ quan thú y. Nhận thức của phần lớn người chăn nuôi còn hạn chế, nên khi có lợn ốm, chết không báo ngay cho chính quyền địa phương hay cơ quan thú y, không chủ động tiêu hủy gia súc mắc bệnh hoặc chờ lợn chết mới cho tiêu hủy, dẫn tới dịch bệnh lây lan nhanh trên diện rộng.
Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên việc quản lý, đăng ký kê khai tái đàn từ cấp xã thực hiện chưa tốt, một bộ phận người chăn nuôi còn chậm báo cáo dịch. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến phức tạp, cũng làm giảm sức đề kháng của vật nuôi… Theo nhận định của các chuyên gia, tới đây dịch bệnh có nguy cơ lan ra trên diện rộng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, người chăn nuôi và cung-cầu thực phẩm.
Để công tác phòng, chống, kiểm soát dịch tả lợn châu Phi kịp thời, hiệu quả, các địa phương, bộ, ngành liên quan cần tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi theo Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 7/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2020- 2025; Chỉ thị 32/CT-TTg ngày 25/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ… Chủ động triển khai giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện lợn mắc bệnh. Xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường.
Các địa phương tăng cường kiểm soát chặt việc vận chuyển lợn, nhất là vận chuyển, buôn bán lợn để nuôi thương phẩm và lợn đến cơ sở giết mổ; tổ chức giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm lợn bất hợp pháp. Tuyên truyền, vận động người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, nhập lậu lợn, sản phẩm lợn qua biên giới. Triển khai tổng vệ sinh, sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh ở môi trường, nhất là ở những nơi có mật độ chăn nuôi cao, các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật, địa phương thường xuyên xảy ra dịch tả lợn châu Phi.
Ý kiến ()