Quyết liệt đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Năm 2015 được xác định là năm đầy thách thức để các doanh nghiệp trực thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương hoàn thiện đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011- 2015. Đến nay, ngay cả ở các đơn vị đã thực hiện xong cổ phần hóa cũng như các đơn vị đang tiến hành cũng còn bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ.
|
Ảnh minh hoạ – ảnh: HH |
Những kết quả bước đầu
Theo kế hoạch, có 28/33 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương phải xây dựng đề án tái cơ cấu trong giai đoạn 2011-2015. Năm 2014, Đảng ủy Khối và các cấp ủy trong Khối đã quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh công tác tái cơ cấu các doanh nghiệp, nhờ đó đã tạo ra bước chuyển biến mạnh về nhận thức cũng như kết quả tái cơ cấu.
Tính lũy kế đến ngày 31/12/2014, đã thực hiện cổ phần hóa được 42/94 doanh nghiệp trực thuộc các tập đoàn, tổng công ty cần cổ phần hóa theo đề án được phê duyệt. Một số đơn vị đã thực hiện xong hoặc đang triển khai tốt tiến độ cổ phần hóa như Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hoàn thành 100% theo đề án được phê duyệt và đang đề xuất được thực hiện cổ phần hóa thêm một số doanh nghiệp trực thuộc. Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam đã cổ phần hóa xong 3/8 đơn vị. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã cổ phần hóa xong 5/9 đơn vị cần cổ phần hóa theo đề án được phê duyệt.
Về cổ phần hóa các công ty mẹ, năm 2014 có thêm Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã thực hiện. Như vậy, lũy kế đến nay có 5 công ty mẹ đã cổ phần hóa (Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn Xăng dầu, Tổng công ty Thép Việt Nam – Công ty cổ phần, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam).
Về thoái vốn ngoài ngành nghề kinh doanh chính và các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối, tính lũy kế đến 31/12/2014, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối đã thoái toàn bộ 100% vốn tại 235/784 doanh nghiệp và thoái một phần vốn tại 13/55 doanh nghiệp.
Điểm đáng chú ý là công tác tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã thu được nhiều kết quả tích cực: tháng 10/2013 Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) được thành lập với mô hình công ty mẹ – Tổng công ty, có 8 đơn vị thành viên là 8 nhà máy đóng tàu nòng cốt của Vinashin. Đến nay, SBIC đã hoàn thành việc tái cơ cấu giảm đầu mối được 108 doanh nghiệp trên tổng số 236 doanh nghiệp không giữ lại trong mô hình Tổng công ty; đã cơ bản cơ cấu xong các khoản nợ nước ngoài, nợ trong nước giai đoạn một; hoàn thành rút vốn thương hiệu Vinashin tại các doanh nghiệp có đủ điều kiện rút vốn. Hoạt động của Tổng công ty đang từng bước lấy lại sự ổn định.
Năm 2014 các đơn vị trong Khối đã vừa đẩy mạnh triển khai đề án tái cơ cấu, thực hiện đổi mới nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, vừa hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh, có tới 90% (30/33) tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối hoạt động hiệu quả, có lãi, với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trung bình toàn Khối đạt 8,4%; Nộp ngân sách Nhà nước đạt trên 276 nghìn tỷ đồng, đóng góp tới 32,4% tổng thu ngân sách quốc gia; đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 1 triệu lao động; tiếp tục đi đầu trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về tái cấu trúc nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tăng trưởng bền vững; đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội và giữ gìn biển đảo, biên giới của Tổ quốc cũng như đảm bảo quốc phòng an ninh.
Về cơ bản, các doanh nghiệp sau khi sắp xếp, đổi mới đều làm ăn hiệu quả, như: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tập đoàn Dệt May;… Các ngân hàng thương mại lớn như: Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Công Thương Việt Nam (VietinBank), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sau khi cổ phần hóa đều đã quản lý tốt hơn, lợi nhuận thu về và các khoản nộp ngân sách Nhà nước lớn hơn so với trước khi cổ phần hóa.
Còn nhiều khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ
Tuy đạt những kết quả ban đầu rất quan trọng, nhưng đại diện các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Trung ương cũng đều khẳng định còn vô vàn khó khăn đối với cả những đơn vị đã thực hiện cổ phần hóa cũng như các đơn vị đang trong quá trình cổ phần hóa.
Khó khăn lớn nhất khi cổ phần hóa là việc sắp xếp lại lao động. Theo ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), quá trình cổ phần hóa, Tập đoàn đã tích cực giảm, bỏ nhiều công ty con, các đầu mối trung gian… Ngoài ra, việc tinh giản biên chế được thực hiện mạnh mẽ với 3.000 lao động (với tỷ trọng lớn là khối phòng, ban, khối gián tiếp) được tinh giản.
Với đặc thù là đơn vị đông lao động (hơn 13 vạn người), việc sắp xếp lao động dôi dư tại Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng không dễ dàng. Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn TKV cho biết, dù đã cố gắng nhưng việc tinh giản biên chế là vấn đề gặp nhiều khó khăn nhất do thiếu các chế độ, cơ chế khuyến khích người lao động nghỉ hưu sớm.
Tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), xác định bất cập về cơ cấu tổ chức; bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả, mang nặng tính bao cấp là những lý do khiến VNR hoạt động kém hiệu quả, dù được độc quyền khai thác hệ thống đường sắt quốc gia. VNR cũng là doanh nghiệp có bình quân thu nhập vào loại thấp nhất trong ngành giao thông cho nên việc cổ phần hóa là yêu cầu tất yếu, bức thiết của ngành. Nhưng sắp xếp như thế nào hiện cũng đang là bài toán còn rất nan giải mặc dù lộ trình đã được Bộ Giao thông vận tải và Thủ tướng phê duyệt. Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc VNR cho biết, một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của kế hoạch tái cơ cấu trên diện rộng này chính là việc VNR đặt mục tiêu hoàn thành cổ phần hóa Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn trước ngày 31/12/2015. Đây sẽ là bước khởi đầu quan trọng, tạo sức kéo cho các đơn vị tiếp theo trong ngành.
Nói về những khó khăn, vướng mắc trong mua bán cổ phần, ông Hoàng Nguyên Học, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, SCIC chỉ được xem xét mua lại các DNNN trong khoảng thời gian rất gấp, khi việc cổ phần hóa gặp khó khăn (không có nhà đầu tư chiến lược hoặc bán không hết…) hay do phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) không thành công.
Phần lớn các doanh nghiệp này hiệu quả kinh doanh thấp, không có sức hút với thị trường. Trong khi đó, theo quy định, SCIC không được hạch toán riêng các khoản này, trong khi vẫn phải đảm bảo kinh doanh hiệu quả nên rất khó thực hiện. Ông Học kiến nghị, trong bối cảnh thị trường trầm lắng, doanh nghiệp kém hấp dẫn, IPO thành công ít, thì cần linh hoạt hơn để có thể tạo cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, cần có chế tài đối với các bộ, ngành, địa phương thực hiện chậm việc chuyển giao vốn.
Ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp cũng khẳng định, việc cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN có nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn những lực cản khiến tiến độ hoàn thành chậm. Những nguyên nhân cũng đã được lãnh đạo các doanh nghiệp phân tích. Để hoàn thành việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước ở Trung ương trong năm 2015 cần phải triển khai quyết liệt hơn nữa. Trước mắt, Bộ Tài chính cần khẩn trương có hướng dẫn mang tính kỹ thuật để việc tái cơ cấu thực hiện hiệu quả. Yêu cầu của Chính phủ là đạt tiến độ là quan trọng nhưng phải gắn liền với hiệu quả thực chất của tái cơ cấu DNNN.
Theo kế hoạch, năm 2015, doanh nghiệp trong Khối cần hoàn thành cổ phần hóa 52 doanh nghiệp thành viên, đồng thời thực hiện cổ phần hoá 6 công ty mẹ là: Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty công nghiệp Tàu thủy, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và đô thị, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Nam. Đồng thời, hoàn thành thoái 100% vốn tại 549 doanh nghiệp và thoái một phần vốn tại 42 doanh nghiệp và thực hiện việc sáp nhập 45 doanh nghiệp thành viên.
Phấn đấu trong quý II/2015, triển khai xác định giá trị doanh nghiệp, trong quý III tới công bố giá trị doanh nghiệp và trong quý IV năm nay hoàn thành cổ phần hóa đối với tất cả các doanh nghiệp cần cổ phần hoá theo đề án đã được phê duyệt.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()