Ngày 23-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh, Nguyễn Thiện Nhân tiếp tục chủ trì Hội nghị của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị.Trong ngày làm việc thứ hai, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện NSNN năm 2012. Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, năm 2012, ngành công thương tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu; tăng việc sử dụng máy móc, thiết bị và hàng hóa trong nước sản xuất; tăng cường quản lý thị trường, công tác bình ổn giá, thực hiện tốt Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", góp phần kiểm soát nhập siêu. Bộ Công thương đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp làm tốt công tác giải phóng mặt bằng...
Ngày 23-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh, Nguyễn Thiện Nhân tiếp tục chủ trì Hội nghị của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị.
Trong ngày làm việc thứ hai, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện NSNN năm 2012. Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, năm 2012, ngành công thương tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu; tăng việc sử dụng máy móc, thiết bị và hàng hóa trong nước sản xuất; tăng cường quản lý thị trường, công tác bình ổn giá, thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần kiểm soát nhập siêu. Bộ Công thương đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp làm tốt công tác giải phóng mặt bằng các dự án nguồn điện, lưới truyền tải điện, tăng cường vận động sử dụng tiết kiệm điện. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng khẳng định, trên cơ sở các cân đối của năm nay, năm 2012, ngành điện sẽ bảo đảm cung ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Giải đáp về mức tăng trưởng tín dụng, lãi suất cho vay…, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Văn Bình nêu rõ: Mục tiêu của Nghị quyết 11/NQ-CP, tăng trưởng tín dụng (TTTD) không quá 20%. Trong khi đó, 10 năm qua, TTTD trung bình 29%/năm, có năm lên tới hơn 33%. Năm nay, mức này giảm xuống còn 12% thì ít nhất khoảng 10% doanh nghiệp (DN) không thể tiếp cận vốn ngân hàng cũng là điều dễ hiểu. Theo tính toán, nếu NHNN thực hiện đúng mức TTTD 20% theo Nghị quyết 11 thì CPI lên tới 23-25%. Chính sách này có mặt tích cực nhưng có hệ lụy làm các DN khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Các DN cần hiểu và phải chia sẻ với đất nước trong giai đoạn này. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ hỗ trợ DN thông qua các công cụ khác. Đầu năm 2012, NHNN dự kiến ban hành chính sách như giãn, hoãn, khoanh nợ cho một số đối tượng DN để giảm bớt khó khăn, áp lực vay nợ của DN, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Đề cập vấn đề lãi suất cho vay cao, Thống đốc Nguyễn Văn Bình bày tỏ, là công dân, ai cũng mong gửi tiền lãi suất cao, đi vay lãi suất thấp. Nhưng ngân hàng có huy động được tiền thì mới cho vay. Nếu ngân hàng duy trì lãi suất huy động ở mức cao thì thu hút được nguồn vốn tín dụng nhiều nhưng cho vay sẽ rất khó khăn. Đầu năm, chúng ta có trần lãi suất nhưng làm không nghiêm, các ngân hàng thương mại thực tế đã tăng lãi suất huy động lên 16-18%, lãi suất cho vay lên đến 20-25% khiến DN gặp khó khăn. Cuối năm, NHNN kiên quyết lập lại trần lãi suất huy động 14%, cho nên lãi suất cho vay giảm xuống ở mức 17-19%, một số đối tượng được vay thấp hơn, một số đối tượng phi sản xuất phải vay ở mức cao hơn. Đối với vấn đề tín dụng đen thời gian qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng: Do khó tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng nên một số người đi vay phải tiếp cận tín dụng đen. Vừa qua, NHNN kết hợp ngành công an phát hiện một số trường hợp cán bộ ngân hàng thương mại câu kết với đối tượng xấu bên ngoài làm tín dụng đen. Điều đó cho thấy, NHNN cần phối hợp chặt chẽ với ngành công an, các địa phương tăng cường quản lý, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, góp phần giảm tình trạng này.
Tham luận tại hội nghị, lãnh đạo UBND các tỉnh: Hà Nam, Điện Biên, Kon Tum, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang, TP Cần Thơ nêu kinh nghiệm của địa phương trong việc hỗ trợ DN, hỗ trợ người nghèo xây nhà, vận động nhân dân hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội; xử lý các điểm nóng, nguy cơ gây tai nạn giao thông, các biện pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, công tác dân tộc, tôn giáo trên địa bàn. Đồng thời kiến nghị Chính phủ quan tâm, giúp đỡ các DN vừa và nhỏ phát triển sản xuất kinh doanh bằng các biện pháp giảm lãi suất cho vay, miễn, giảm, giãn, hoãn thuế; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu biên giới, nâng cấp, bê-tông hóa hệ thống đường giao thông miền núi để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo. Lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ kiến nghị Nhà nước cần quan tâm đặc biệt, đầu tư thích đáng cho nông nghiệp, nông thôn; khai thác thế mạnh nông nghiệp, bởi đây là hậu cứ quan trọng cho nền kinh tế quốc gia.
Nhất trí chủ trương của Chính phủ cắt giảm đầu tư công (ĐTC), nhưng các địa phương cũng nêu ý kiến cùng với kiểm soát, thắt chặt ĐTC thì muốn phát triển vẫn phải có đầu tư, do đó phải nghiên cứu, đề ra các giải pháp thu hút đầu tư dưới các hình thức BT, BOT, BOO, PPP… tập trung vào đầu tư công trình giao thông lớn và quan trọng. Nếu chúng ta có cơ chế thông thoáng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư có nguồn thu thì sẽ thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương áp dụng. Có địa phương kiến nghị Nhà nước nên tái cơ cấu cả DN tư nhân…
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh hai vấn đề cần quan tâm là chất lượng nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN). Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương phê duyệt chiến lược phát triển nguồn nhân lực tại địa phương; các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch ứng dụng KHCN trong 10 năm tới để tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Trong đó cần phải có các “đề bài” – giao nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể, từ đó sẽ có giải pháp thực hiện; sắp xếp lại, phối hợp các hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học, hình thành các trung tâm nghiên cứu tầm cỡ quốc gia; đẩy mạnh thị trường KHCN, sở hữu trí tuệ; tăng đầu tư cho KHCN. Phó Thủ tướng lưu ý, trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, các địa phương thay vì quan tâm hàng đầu về vốn, đất đai thì hãy quan tâm hơn nữa đến nguồn nhân lực và KHCN.
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán NSNN năm 2012 để Nghị quyết sớm được ban hành, triển khai thực hiện ngay từ đầu năm, Văn phòng Chính phủ cần tiếp thu các kiến nghị, tổng hợp lại, giao theo chức năng từng bộ, ngành để lãnh đạo xử lý, vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Thủ tướng lưu ý, tuy năm 2011, chúng ta đã đạt được những thành tựu tích cực, rất đáng trân trọng nhưng không vì thế mà chủ quan, thỏa mãn bởi vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém như mức lạm phát cao, kinh tế vĩ mô chưa ổn định. Dự báo kinh tế thế giới năm 2012 tăng trưởng thấp hơn năm 2011, châu Âu tiếp tục khó khăn trong khi đây là một trong những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam… Cùng với đó là những nguy cơ đe dọa chủ quyền, an ninh quốc gia, thiên tai, dịch bệnh…, làm cho tình hình trong nước năm 2012 tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, đầu tư trong bối cảnh nhu cầu đầu tư lớn nhưng nguồn vốn lại hạn hẹp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ngay từ đầu năm 2012 phải quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ; theo dõi sát, kịp thời cập nhật tình hình để có phản ứng chính sách thích hợp trên tinh thần phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển, hạn chế đến mức thấp nhất khó khăn, thách thức. Thủ tướng nêu rõ bài học kinh nghiệm nhờ có ổn định chính trị xã hội mà nước ta thu hút được đầu tư trực tiếp nước ngoài, cộng đồng quốc tế tiếp tục tài trợ vốn ODA, thu hút nhiều khách du lịch quốc tế… Thủ tướng cũng cho rằng, chúng ta còn nhiều tiềm năng về thâm canh trong nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ vào khâu chế biến, nâng cao giá trị nông sản, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa. Chúng ta còn có thị trường gần 90 triệu dân. Vì vậy, trong khó khăn càng phải tận dụng những lợi thế này, đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với nâng cao chất lượng hàng hóa.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, năm 2012, tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, nỗ lực giảm bội chi NSNN xuống còn 4,8% GDP. Để làm tốt nhiệm vụ này, trước hết NHNN phải tập trung theo dõi chặt diễn biến tình hình, chỉ đạo thực hiện tốt chính sách tiền tệ thận trọng, chặt chẽ, linh hoạt cùng với việc giữ ổn định tỷ giá ngoại tệ. NHNN giảm dần lãi suất phù hợp mức lạm phát giảm dần, duy trì lãi suất thực dương để bảo đảm người gửi tiền có lợi. Đây là giải pháp tháo gỡ khó khăn hết sức cơ bản cho DN và người dân.
Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì cùng các bộ, ngành, địa phương nỗ lực kiểm soát tỷ lệ nhập siêu ở mức khoảng 10%, coi đây là một chỉ số ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu những mặt hàng xa xỉ không thật sự cần thiết. Tăng cường công tác quản lý giá, bảo đảm cung cầu các hàng hóa thiết yếu, tăng cường chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, gây “sốt” giá. Tăng cường sử dụng hàng hóa trong nước, tăng cường sản xuất, nâng cao chất lượng hàng trong nước. Tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để DN phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, chăn nuôi. Cần ưu tiên vốn cho lĩnh vực nông nghiệp có lợi thế.
Đề cập vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, Thủ tướng yêu cầu phải hành động quyết liệt, thiết thực, trọng tâm tái cơ cấu ĐTC với mục tiêu: giảm tỷ lệ ĐTC hợp lý trong tổng đầu tư toàn xã hội để ổn định kinh tế vĩ mô trước mắt cũng như lâu dài; nâng cao chất lượng hiệu quả ĐTC. Tập trung ưu tiên vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách về kinh tế-xã hội đã hoàn thành mà chưa giải ngân cho nhà đầu tư, hoặc các công trình sẽ hoàn thành trong năm 2012. Rà soát, kiểm soát, giám sát chất lượng các công trình, dự án. Chính phủ cũng đang tích cực chỉ đạo khẩn trương triển khai tái cơ cấu DNNN, hệ thống ngân hàng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương bảo đảm chăm lo công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, đặc biệt là giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng các lĩnh vực y tế, giáo dục; đẩy mạnh cải cách hành chính; đấu tranh phòng, chống tham nhũng; bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, quyết liệt giảm 5-10% số vụ tai nạn giao thông, giảm tỷ lệ tội phạm…; chăm lo cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Nhâm Thìn vui tươi, lành mạnh, an toàn; nhất là các đối tượng chính sách, người nghèo, bà con dân tộc vùng sâu, vùng xa.
Thủ tướng nhấn mạnh, nếu các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng DN quyết tâm cao, triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, phân công rõ ràng, nêu cao tinh thần trách nhiệm thì năm 2012, nhất định chúng ta sẽ vượt mọi khó khăn, khai thác mọi tiềm năng lợi thế, thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã đề ra.
Theo Nhandan
Ý kiến ()