Quyết liệt chặn đà tăng số người mắc Covid-19
Trước sự bùng phát trở lại số ca dương tính với vi-rút SARS-CoV-2, các tỉnh, thành phố đã nhanh chóng triển khai phương án nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch, thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 để thực hiện phục hồi kinh tế.
Trong những ngày qua, tình hình dịch Covid-19 tại một số tỉnh, thành phố ở phía bắc có những diễn biến mới, phức tạp khi số ca mắc liên tục tăng, tỷ lệ ca mắc trong cộng đồng cao.
Nhiều ca mắc trong cộng đồng
Sau nhiều ngày có số ca mắc Covid-19 ở mức một con số, những ngày qua, số ca mắc tại Hà Nội lại tăng lên, trong đó có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng. Ngày 28/10 có 33 ca, trong đó có 11 ca cộng đồng; ngày 29/10 có 47 ca (trong đó 6 ca cộng đồng), ngày 30/10 có 42 ca trong đó có bốn ca cộng đồng… Đáng lo ngại là các chùm ca bệnh, ổ dịch phân bố ở nhiều địa bàn quận, huyện khác nhau, liên quan đến đám hiếu, đám cưới đông người, hầu hết không rõ nguồn lây và tăng nhanh trong thời gian ngắn. Như ổ dịch liên quan đến xã Sài Sơn và thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai) từ ngày 24 đến sáng 30/10 ghi nhận 82 ca dương tính với vi-rút SARS-CoV-2. Ổ dịch ở thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh chỉ trong bốn ngày đã ghi nhận 31 ca dương tính. Ổ dịch ở phố Trần Quang Diệu từ ngày 23 đến 29/10 ghi nhận 21 ca dương tính…
Ngay tại một số tỉnh “vùng xanh” cũng xuất hiện nhiều ổ dịch mới. Ngày 26/10, TP Hà Giang (tỉnh Hà Giang) ghi nhận một ca mắc Covid-19 tại phường Ngọc Hà. Ngay trong ngày đó, TP Hà Giang đã phong tỏa toàn bộ phường Ngọc Hà, ngành y tế đã huy động 240 bác sĩ, nhân viên y tế từ các huyện, đơn vị lấy gần 12 nghìn mẫu xét nghiệm nhanh cho người dân năm phường nội thị. Mặc dù đã quyết liệt triển khai các giải pháp, nhưng đến sáng 30/10, số ca nhiễm trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã tăng lên 143 người. Tỉnh Nam Định từ ngày 18/10 đến nay đã phát hiện hai ổ dịch lớn với hàng trăm ca mắc. Tại huyện Ý Yên, ổ dịch không rõ nguồn lây phát sinh từ thôn Đằng Động, xã Yên Hồng, đã lan sang một số địa phương khác trong huyện. Tại TP Nam Định, từ ca mắc trong cộng đồng được phát hiện vào tối 25/10 ở phường Lộc Hạ, đến sáng 30/10 đã ghi nhận gần 60 ca bệnh có liên quan tại 11 phường, xã.
Tình trạng lao động từ vùng dịch ở phía nam trở về quê, không tự giác khai báo y tế và được cách ly y tế là nguyên nhân chính làm lây lan dịch bệnh tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ. Trong số hơn 26 nghìn người từ các tỉnh, thành phố phía nam về quê tại Nghệ An từ đầu tháng 10 đến nay, cơ quan chuyên môn phát hiện 350 người mắc Covid-19. Tại tỉnh Thanh Hóa, từ giữa tháng 10 đến nay đã phát sinh bảy ổ dịch mới. Các ổ dịch đã được khoanh vùng, khống chế, nhưng những ngày qua vẫn phát sinh các ca mắc Covid-19 trong khu vực cách ly, hiện có 460 người mắc. Tại Phú Thọ, từ khi phát hiện ra hai ca bệnh là người chăm nuôi bệnh nhi tại Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao đêm 14/10, đến nay đã phát hiện thêm 487 ca mắc Covid-19 tại tám huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, 230 trường hợp mắc mới tại cộng đồng, 257 trường hợp tại các khu vực cách ly, phong tỏa.
Điều chỉnh nhiều hoạt động xã hội
Chính quyền các địa phương điều chỉnh nhiều hoạt động xã hội để bảo đảm phòng, chống dịch. Trong số F0 đã phát hiện trong cộng đồng ở TP Hà Giang có nhiều học sinh đang học tại các cơ sở giáo dục. Do đó, từ ngày 27/10, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang và UBND thành phố Hà Giang cho học sinh các cấp học trên địa bàn thành phố nghỉ học trực tiếp; dừng hoạt động các dịch vụ karaoke, internet, hoạt động thể thao đông người… Riêng hoạt động kinh doanh dịch vụ thiết yếu như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng ăn uống được phép hoạt động, nhưng hạn chế số người và bảo đảm các biện pháp phòng dịch.
Tỉnh cho phép các địa phương thí điểm quản lý F0 và F1 tại nhà tùy theo điều kiện từng trường hợp, từng địa bàn. Các địa phương thiết lập các tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng. Đến nay, TP Hà Giang đã thành lập tám Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng ở tám xã, phường; thiết lập, công khai số điện thoại đường dây nóng phục vụ công tác phòng, chống dịch.
TP Nam Định đã khẩn trương thiết lập vùng cách ly y tế tại các phường, xã có dịch; áp dụng biện pháp chống dịch cao hơn mức 2 (vùng vàng, nguy cơ trung bình) với toàn bộ thành phố và mức 3 (vùng da cam, nguy cơ cao) với các phường Lộc Hạ và Nguyễn Du; thần tốc truy vết và kích hoạt bốn khu cách ly tập trung để cách ly các F1. Đồng thời, triển khai xét nghiệm diện rộng cho 250 nghìn người dân; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin cho người từ 18 tuổi; khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà từ 22 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau (trừ các trường hợp cần thiết) và các cơ sở kinh doanh, cửa hàng, nhà hàng không hoạt động quá 21 giờ hằng ngày (trừ các cơ sở kinh doanh mặt hàng thiết yếu).
TP Hà Nội đang triển khai giám sát chặt chẽ người về từ các địa phương có dịch. Qua quản lý và giám sát sức khỏe 8.153 người từ các tỉnh, thành phố phía nam, các đơn vị chức năng đã phát hiện 48 trường hợp dương tính với vi-rút SARS-CoV-2. Tại các địa phương có dịch, chính quyền các cấp và ngành y tế phối hợp triển khai tốt các phương án dập dịch. Lực lượng chức năng của huyện Quốc Oai đã điều tra truy vết và đưa đi cách ly y tế 539 trường hợp F1, cách ly tại nhà 3.250 trường hợp F2, hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe tại nhà gần 7.000 trường hợp F3. UBND huyện Mê Linh đã tổ chức phong tỏa tạm thời thôn Bạch Trữ với khoảng 1.700 hộ dân, kiểm soát chặt khu vực các gia đình có người nhiễm…
Tại Phú Thọ, sau khi phát hiện các ca mắc Covid-19, lực lượng y tế đã khoanh vùng, phong tỏa tạm thời 37 khu vực với 6.301 hộ gia đình, 14.116 nhân khẩu; lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho 100% người dân tại khu vực phong tỏa. Đồng thời, tạm dừng hoạt động một phần các phân xưởng, một phần các doanh nghiệp để rà soát, truy vết các trường hợp tiếp xúc gần ca bệnh, xử lý môi trường theo quy định.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ Nguyễn Huy Ngọc cho biết, để chủ động trong công tác thu dung, điều trị người bệnh, nhằm giảm quá tải cho các cơ sở y tế khi các ca F0 tăng nhanh, Sở đã xây dựng và triển khai mô hình tháp ba tầng điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngoài ra, tỉnh thí điểm triển khai mô hình trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 để sẵn sàng phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại nhà. Tính đến nay, Phú Thọ đã có 58 người bệnh Covid-19 được theo dõi, quản lý và điều trị tại nhà; tám trạm y tế lưu động đã được kích hoạt với 15 Tổ chăm sóc người nhiễm. Cùng với đó, tỉnh đồng loạt triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân.
Trước số ca mắc Covid-19 tăng nhanh trên địa bàn tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa quyết định, từ ngày 29/10, các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Lặc, Bệnh viện đa khoa khu vực Nghi Sơn tiếp nhận, thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ, quy mô 40% đến 60% số giường bệnh của bệnh viện. Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Ung bướu dừng tiếp nhận các bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng, mức độ nhẹ, để thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ vừa, nặng, nguy kịch; thu dung, điều trị bệnh nhân nhi tại tầng 2 và tầng 3 Bệnh viện Ung bướu.
Tỉnh Nghệ An ngoài việc xây dựng kịch bản và phương án bảo đảm công tác y tế phục vụ phòng, chống Covid-19 theo từng cấp độ dịch, đã trưng dụng một loạt khách sạn để thành lập tám bệnh viện dã chiến có quy mô hàng nghìn giường bệnh. Các bệnh viện trong tỉnh đã cử đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm để phụ trách công tác điều trị tại bệnh viện dã chiến để chủ động trong công tác điều trị, hạn chế số bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong.
Ý kiến ()