Quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh
Người dân và đại diện doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh.
Kết quả bước đầu
Bộ Công thương ban hành phương án cắt giảm, sửa đổi 675 ĐKKD thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ này trong giai đoạn 2017 – 2018 và hoàn thành đúng thời hạn trước ngày 31-10 như mục tiêu Nghị quyết số 19 đề ra. Trong đó, có những ĐKKD “bám rễ” rất lâu nhưng vẫn được bãi bỏ, đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp (DN), như bãi bỏ quy hoạch kinh doanh xăng dầu. Điểm sáng khác thuộc về Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT). Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho biết: “Lĩnh vực TTTT có bốn nghị định (NĐ) liên quan ĐKKD được ban hành, trong đó có một NĐ sửa nhiều NĐ. Tôi rất chú ý vì đã đọc dự thảo một NĐ sửa nhiều NĐ do Bộ TTTT soạn thảo gửi Bộ Tư pháp và trình Chính phủ. Nhưng cuối cùng, NĐ được Chính phủ ban hành có nội dung khác hẳn so với dự thảo. Điều này cho thấy Bộ TTTT tiếp thu rất tích cực các ý kiến góp ý”.
Cả hai đầu mối có chức năng tập hợp, đánh giá tiến độ cắt giảm ĐKKD là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và CIEM đều cho rằng, đợt rà soát ĐKKD năm 2018 đã thể hiện được tinh thần cải cách, hướng đến môi trường kinh doanh thuận lợi. Nhưng đáng tiếc là chưa đồng đều, chưa thực chất ở tất cả các bộ, ngành. CIEM cho biết, hạn cuối là ngày 31-10-2018 nhưng đến thời điểm đó chỉ có 524 ĐKKD được sửa đổi, 771 ĐKKD được bãi bỏ, 111 ĐKKD được thay thế và 29 ĐKKD được ban hành thêm. “Như vậy, tính về số lượng, việc cắt giảm ĐKKD không đạt yêu cầu Chính phủ đề ra. Đáng lưu ý, chất lượng cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD còn thấp, chưa thực chất vì nhiều văn bản được sửa đổi mang tính hình thức, đối phó”, Phó Viện trưởng CIEM ông Phan Đức Hiếu cho biết.
Đi sâu rà soát “ma trận” ĐKKD, CIEM phát hiện có những ĐKKD được cắt giảm nhưng không mang lại tác dụng gì cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thí dụ trong lĩnh vực xây dựng, bãi bỏ điều kiện yêu cầu tổ chức, cá nhân phải “có năng lực, hành vi dân sự”. Thậm chí, có những ĐKKD được cắt bỏ nhưng lại thay bằng quy định còn gây khó khăn nhiều hơn cho DN. Thí dụ, nhiều bộ, ngành bãi bỏ ĐKKD liên quan đến yêu cầu về trình độ nhân sự, chứng chỉ hành nghề thì ngành giáo dục và đào tạo lại đưa vào quy định mới. Cụ thể, NĐ 49/2018/NĐ-CP về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp yêu cầu đơn vị kinh doanh phải có trụ sở ổn định trong ít nhất hai năm; có đủ phòng làm việc cho kiểm định viên (KĐV) với diện tích tối thiểu là 8 m2/người; có ít nhất 10 KĐV làm việc toàn thời gian theo hợp đồng,… Đáng chú ý, vẫn còn nhiều ĐKKD được lồng ghép vào tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành, khiến hồ sơ đăng ký của DN dày thêm. Nhìn chung, các bộ, ngành vẫn tư duy quản lý bằng mọi giá, không cân nhắc giữa lợi ích và chi phí.
Không thể bỏ cuộc
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM trăn trở: “Cuộc chiến” cắt bỏ giấy phép con, nay là cắt bỏ ĐKKD được bắt đầu từ năm 2000 khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực. 18 năm qua, đã có những đợt cải cách rất lớn, đạt được kết quả nhất định nhưng rốt cuộc vẫn chỉ là nửa vời vì ĐKKD này được cắt bỏ, ĐKKD khác lại mọc lên. “Bằng kinh nghiệm của mình, tôi biết đây là cuộc chiến rất khó khăn, bao nhiêu đợt cải cách rồi đến nay vẫn chưa thành công. Với bối cảnh nguồn lực hiện nay, đưa ra các giải pháp khả thi là rất khó, phần lớn kiến nghị giải pháp không thực hiện được. Nhưng kỳ vọng và mong muốn của xã hội, của cộng đồng DN vào cải cách là chính đáng và chúng ta phải tiếp tục làm để duy trì động lực cải cách trong năm sau, nếu bỏ cuộc tức là trở về con số 0”, ông Cung chia sẻ.
Theo VCCI, quá trình cắt giảm ĐKKD và thủ tục kiểm tra chuyên ngành đang nảy sinh vấn đề chưa thống nhất về tiêu chí xác định quy định nào cắt bỏ hay giữ lại. Thí dụ, có NĐ bỏ các ĐKKD yêu cầu kinh nghiệm hoặc bằng cấp của nhân lực, nhưng NĐ khác vẫn duy trì. Hoặc có nơi sử dụng tiêu chí về lịch sử tuân thủ của một loại hàng hóa để giữ lại/loại bỏ trong danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, nhưng nơi khác lại không sử dụng biện pháp này. Do đó, cần sớm thống nhất về tiêu chuẩn đưa ra các quy định gia nhập ngành để bảo đảm sự nhất quán và thuận tiện trong quá trình rà soát.
Có thể nói, môi trường kinh doanh của nước ta trong những năm qua đang có nhiều chuyển biến tích cực rõ nét. Việc cắt giảm ĐKKD, cải cách thủ tục hành chính đã góp phần không nhỏ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, kết quả đánh giá vừa qua cho thấy, các bộ, ngành và địa phương có mức độ thực hiện chưa đồng đều. Nhiều bộ, ngành rất tiên phong, quyết liệt, nhưng một số bộ, ngành ít chuyển biến, thực hiện còn đối phó. Vì vậy, thời gian tới để đẩy mạnh việc cắt giảm ĐKKD, cần tăng cường sự tham vấn cộng đồng DN trong hoạt động rà soát pháp luật, cơ chế kiểm soát, thống nhất quan điểm rà soát và mở rộng các đề xuất trong các phương án điều chỉnh pháp luật kinh doanh do các bộ, ngành đề ra. Muốn vậy, cơ quan xây dựng chính sách phải tách khỏi cơ quan cấp phép để hạn chế tình trạng cài cắm chính sách. Đặc biệt, công tác xây dựng pháp luật thời gian tới, cần có cơ chế giám sát, “gác cổng” cho quá trình ban hành văn bản mới liên quan ĐKKD và thủ tục hành chính, từ đó hỗ trợ, tạo động lực cho DN phát triển.
Theo báo cáo mới nhất của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, tính đến cuối tháng 11-2018, các bộ đã trình và ban hành 21 văn bản quy phạm pháp luật; cắt giảm, đơn giản hóa 6.776 trong tổng số 9.926 dòng hàng kiểm tra chuyên ngành, vượt 36,5% chỉ tiêu giao. Về cắt giảm ĐKKD, đã có hơn 3.300 trong tổng số 6.200 ĐKKD được cắt giảm, đơn giản hóa. Ước tính, việc cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD, thủ tục hành chính giúp DN và người dân tiết kiệm tổng cộng gần 18 triệu ngày công và hơn 6.000 tỷ đồng mỗi năm. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()