Quyết liệt bình ổn giá hàng hóa
Hà Nội tạm ứng vốn ưu đãi để dự trữ hàng thiết yếu Khoảng hai tuần nay, giá nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống tại các chợ trên địa bàn Hà Nội đã tăng mạnh. Tại chợ Thành Công, giá gạo bán lẻ đã tăng từ 10 - 20%, gạo Bắc Hương được bán với giá 15 nghìn đồng/kg, gạo Tám Thái là 18 nghìn đồng/kg, gạo Tám Điện Biên 16 nghìn đồng/kg, gạo Xi 12 nghìn đồng/kg, loại gạo rẻ nhất là Tạp Giao có giá 11 nghìn đồng/kg. Trong số các mặt hàng thực phẩm, tăng giá nhiều nhất là thịt lợn.Cho đến ngày 9-11, giá các loại thịt lợn phổ biến tại các chợ ở Hà Nội như sau: thịt thăn giá 80 nghìn đồng/kg, sườn thăn 77 nghìn đồng/kg, thịt mông sấn và nạc vai có giá 75 nghìn đồng/kg, thịt rọi, thịt chân giò là 65 nghìn đồng/kg... tăng trung bình từ 10 nghìn đến 15 nghìn đồng/kg. Theo chị Hiền, chủ quầy kinh doanh bán buôn thịt lợn tại chợ Thái Hà thì giá thịt lợn tăng nhiều do dịch bệnh, nguồn cung ít, nên giá lợn hơi bị đẩy lên...
Cho đến ngày 9-11, giá các loại thịt lợn phổ biến tại các chợ ở Hà Nội như sau: thịt thăn giá 80 nghìn đồng/kg, sườn thăn 77 nghìn đồng/kg, thịt mông sấn và nạc vai có giá 75 nghìn đồng/kg, thịt rọi, thịt chân giò là 65 nghìn đồng/kg… tăng trung bình từ 10 nghìn đến 15 nghìn đồng/kg. Theo chị Hiền, chủ quầy kinh doanh bán buôn thịt lợn tại chợ Thái Hà thì giá thịt lợn tăng nhiều do dịch bệnh, nguồn cung ít, nên giá lợn hơi bị đẩy lên cao. Các loại thực phẩm khác cũng theo đà tăng giá. Giá gà ta sống tăng khoảng 10.000 đồng, từ 78 nghìn đến 85 nghìn đồng/ kg. Giá thịt gà ta làm sẵn phổ biến ở mức 85 nghìn đồng đến 115 nghìn đồng/kg. Giá nhiều loại thủy sản như cá chép, cá trắm, tôm, cua, ngao cũng tăng thêm khoảng 10-15% so với đầu tháng 10. Chỉ còn thịt bò vẫn giữ giá ổn định.
Giá các loại rau cũng tăng đáng kể. Tại các chợ rau đầu mối, giá rau xanh tăng từ 25% đến 30% so với giá cách đây hai tuần. Các loại rau muống, rau cần… đều tăng từ một đến hai nghìn đồng/mớ, cà chua, khoai tây, bí xanh, cà rốt, cải ngọt… tăng từ ba nghìn đến năm nghìn đồng/kg. Su hào đầu mùa giá 6 nghìn đồng/củ, bắp cải 11 nghìn đồng/kg, cải thảo 14 nghìn đồng/kg, khoai tây 14 nghìn đồng/kg, cà chua 15 nghìn đồng/kg… Các mặt hàng thực phẩm công nghệ như đường, sữa bột, bánh, kẹo, dầu ăn… tại các cửa hàng, đại lý nhỏ trong các khu dân cư cũng bắt đầu tăng giá, mức tăng từ 5 đến 10%. Giá chất đốt tăng đến hơn 10%, trung bình tăng khoảng 30 nghìn đồng/bình ga. Tại một số siêu thị lớn, giá các mặt hàng trong diện bình ổn như dầu ăn, đường, nước mắm… vẫn được bán theo cam kết từ tháng 7 đến nay. Thực phẩm đông lạnh, thực phẩm khô vẫn giữ giá, còn rau xanh và thực phẩm tươi sống đều tăng nhẹ khoảng từ 5 – 10%.
Lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội xác nhận: Thị trường Hà Nội những ngày gần đây có sự tăng giá đột biến. Chỉ số giá tiêu dùng của Hà Nội tháng 10 tăng 1,22%, cao hơn so với bình quân chung trên cả nước. Về bản chất, sự biến động giá cả trên thị trường lương thực, thực phẩm ở Hà Nội không phải vì nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến, mà do yếu tố giá nguồn cung tăng cao. Nguyên nhân của tình trạng này, một phần là do giá lương thực, thực phẩm các tỉnh phía nam tăng; cùng với đợt lũ lụt kéo dài ở miền trung đã gây thiệt hại lớn, việc tập trung hàng hóa đưa vào cứu trợ miền trung dẫn tới phân tán nguồn hàng tại Hà Nội. Mặt khác, suốt một thời gian dài dịch tai xanh ở lợn xảy ra khiến nguồn thực phẩm này giảm mạnh. Ngoài ra, các mặt hàng chính như ga, vật liệu xây dựng… tăng giá đã góp phần làm biến động giá trên thị trường lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, ngoài những nguyên nhân nêu trên, có một số mặt hàng bị các tư thương vin cớ tùy tiện 'đẩy giá' lên, tạo nên một mặt bằng giá mới trên thị trường.
Để bình ổn giá hàng hóa thị trường thành phố những tháng cuối năm, chiều 8-11, Sở Công thương Hà Nội đã họp với lãnh đạo 13 doanh nghiệp được tạm ứng vốn ưu đãi của thành phố để dự trữ hàng thiết yếu, phục vụ mục tiêu bình ổn giá. Sở đề nghị các doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc dự trữ chín mặt hàng bình ổn giá, chủ động đăng ký điểm bán hàng, các mặt hàng và đăng ký giá hàng bình ổn theo đúng quy định. Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ thanh tra, kiểm tra việc bán hàng bình ổn giá tại 385 điểm đã được doanh nghiệp đăng ký. Mọi sai phạm sẽ được xử lý theo đúng quy định, góp phần thực hiện nghiêm mục tiêu giữ ổn định giá thị trường. Ngoài ra, thành phố tổ chức Tháng khuyến mại trong suốt tháng 11 nhằm góp phần ổn định tâm lý cho người tiêu dùng Thủ đô. Trong tháng 11, Tổng công ty Thương mại Hà Nội tổ chức chín phiên chợ Việt tại các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Trì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thạch Thất, Hoài Đức và thị xã Sơn Tây. Trong tháng 12, đơn vị sẽ tổ chức tiếp bốn phiên tại các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Mê Linh, thị xã Sơn Tây, góp phần bình ổn thị trường và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố. Để góp phần bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão, UBND thành phố tiếp tục tạm ứng 400 tỷ đồng cho các doanh nghiệp dự trữ, bình ổn giá chín nhóm mặt hàng thiết yếu…
Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn lo ngại những biện pháp nêu trên không đủ mạnh để ghìm đà tăng giá trên thị trường. Từ trước đến nay, người tiêu dùng vẫn lựa chọn mua thực phẩm tươi sống tại các chợ. Theo thống kê của Sở Công thương, chợ là nơi cung cấp 70% lượng lương thực, thực phẩm cho người tiêu dùng, mà đây chính là nơi các tư thương hay tuỳ tiện tăng giá hàng hóa. 30% lượng hàng còn lại do các siêu thị, trung tâm thương mại và các kênh phân phối khác cung cấp. Trong khi đó, thành phố chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp vốn để dự trữ chín mặt hàng thiết yếu tại các siêu thị, so với tổng lượng hàng hóa trên thị trường thì đây là số lượng khá khiêm tốn.
Từ nay đến cuối năm âm lịch, diễn biến thị trường khá phức tạp. Đề nghị Sở Công thương Hà Nội có biện pháp khai thác, tổ chức nguồn hàng tốt, bảo đảm nguồn cung dồi dào, không để xảy ra thiếu hụt cục bộ, gây sốt giá. Lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi tăng giá vô lý, hoặc những hành vi khuyến mại 'ảo' để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, thiết thực bình ổn giá cả trên thị trường.
TP Hồ Chí Minh tăng lượng hàng hóa tham gia bình ổn thị trường
UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa quyết định điều chỉnh lượng hàng hóa giữa các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong dịp cuối năm 2010 và Tết Tân Mão. Cụ thể, lượng hàng thịt gà công nghiệp tại Công ty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ giảm từ 200 tấn xuống còn 120 tấn. Tại Liên hiệp HTX Thương mại thành phố (Saigon Co.op) lượng hàng thịt gà công nghiệp tăng từ 250 tấn lên 330 tấn, thịt gà thả vườn tại Saigon Co.op tăng từ 110 tấn lên 140 tấn trong năm 2010 và tăng từ 250 tấn lên 340 tấn dịp Tết Tân Mão. Hàng thịt lợn của Saigon Co.op tăng từ 1.220 tấn lên 1.300 tấn trong năm 2010 và tăng từ 970 tấn lên 1.050 tấn dịp Tết Tân Mão; Mặt hàng thịt lợn của Công ty Vissan tăng từ 1.700 tấn lên 1.950 tấn trong năm 2010 và tăng từ 1.800 tấn lên 2.050 tấn dịp Tết Tân Mão.
Đà Nẵng, Cần Thơ: Giá các mặt hàng thiết yếu đều tăng
Trong mấy ngày qua, giá cả các mặt hàng thiết yếu tại Đà Nẵng đều tăng. Theo nhiều tiểu thương buôn bán tại các chợ Đà Nẵng, do ảnh hưởng của thời tiết không thuận lợi cùng với thị trường vàng, USD biến động liên tục nên hầu như các mặt hàng đều bị ảnh hưởng. Trong những ngày qua, các mặt hàng như gạo, rau, thịt lợn, thịt bò, cá… đều tăng giá. Chị Lê Thị Xuân, tiểu thương bán thịt tại chợ Đống Đa (Đà Nẵng) cho biết: Ngày 9-11, giá thịt lợn nhập tại lò mổ Đà Sơn tăng 10.000 đồng/kg, giá bán thịt tại chợ cũng tăng lên, từ 4.000 – 6.000 đồng/kg.
Chị Phan Thị Nga, bán hàng gạo tại chợ Cồn cho biết: Ngay từ đầu tháng 10, nhiều đại lý bán gạo ở Đà Nẵng đồng loạt tăng giá, do vậy, chúng tôi cũng phải tăng theo, giá gạo của các thương hiệu lớn như Lúa Thơm, Nàng Thơm… tăng từ 12.000 đến 16.000 đồng/kg. Chính vì vậy, nhiều bà nội trợ đã chọn các loại gạo quê giá rẻ hơn để mua.
Hiện tại, mức giá các loại thịt tại các chợ Đà Nẵng như sau: giá thịt lợn thăn 75.000 – 78.000 đồng/kg, thịt mông 65.000 đồng/kg; thịt bò bắp 140.000 – 150.000 đồng/kg; thịt gà ta 80.000 – 90.000 đồng/kg, gà công nghiệp 55.000 – 65.000 đồng/kg; tôm sú 250.000 đồng/kg. Thời tiết xấu, mưa kéo dài nhiều ngày nên các tàu thuyền đánh bắt ở Đà Nẵng gặp khó khăn, lượng cá về cảng cá Đà Nẵng ít, đó cũng là nguyên nhân giá cá tăng. Các loại rau xanh, cũng tăng từ 1.000 – 3.000 đồng/kg, rau mồng tơi, rau cải, đều tăng lên 2.000 đồng/bó; tăng cao nhất là rau xà lách từ 27.000 đồng/kg lên 35.000 đồng/kg.
Trước tình hình giá cả biến động, đặc biệt các mặt hàng nhu yếu phẩm tăng cao, Sở Công thương Đà Nẵng đã tổ chức bán gạo tại sáu điểm trên địa bàn thành phố để bình ổn giá, đồng thời có kế hoạch tổ chức các hội chợ, phiên chợ hàng Việt, tổ chức Tháng khuyến mại tại các chợ trên địa bàn, các siêu thị, các đơn vị thương mại có kế hoạch dự trữ hàng hóa để phục vụ nhân dân dịp cuối năm. Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng Lê Viết Tươi, từ nay đến cuối năm, ngành công thương Đà Nẵng sẽ có nhiều biện pháp bình ổn giá, bảo đảm không để tình trạng giá cả tăng đột biến, gây khó khăn cho người tiêu dùng.
* Qua khảo sát tại thị trường thành phố Cần Thơ ngày 9-11, giá bán lẻ nhiều loại thịt heo tại các chợ và siêu thị đã tăng 2.000-4.000 đồng/kg so với tuần trước. Tại siêu thị, giá thịt nạc đùi ở mức 66.000 đồng/kg, ba rọi và đùi 55.000 – 57.000 đồng/kg, sườn bẹ 82.000 đồng/kg, sườn cốt lếch 62.000 đồng/kg. Tại nhiều chợ, giá thịt heo nạc 60.000 – 62.000 đồng/kg, thịt ba rọi và đùi 48.000 – 52.000 đồng/kg. Theo nhiều tiểu thương bán thịt heo, giá tăng do sức mua tăng mạnh và giá heo hơi gần đây cũng nhích lên do nguồn cung giảm và giá thức ăn chăn nuôi tăng. Hiện nay, nhiều loại thịt gia cầm như gà ta, gà công nghiệp, vịt ta… cũng tăng 3.000 – 5.000 đồng/kg so với cách đây hơn một tuần. Giá gà ta làm sẵn tại nhiều chợ nội thành ở mức 100.000 đồng/kg; vịt ta 50.000 – 55.000 đồng/kg; vịt xiêm 70.000 – 75.000 đồng/kg.
Giá đường cát, dầu ăn… cũng đã tăng 1.000-3.000 đồng/kg hoặc lít so với tháng trước. Hiện tại, giá đường cát bán lẻ trên thị trường ở mức khá cao, 22.000 đồng/kg. Giá các loại dầu ăn đang dao động từ 31.000 – 37.000 đồng/chai/1 lít. Theo giới kinh doanh, giá các mặt hàng này tăng do các nhà sản xuất điều chỉnh tăng giá các chi phí sản xuất đầu vào tăng. Giá phân u-rê dao động từ 8.500 – 9.000 đồng/kg, DAP từ 12.000 – 14.000 đồng/kg, ka-li 8.200 đồng/kg, tăng từ 20 – 30% trong hơn một tuần qua. Giá gạo cũng tăng từ 500 – 1.000 đồng/kg so với tuần trước. Hiện tại, gạo hạt dài có giá từ 13.000 – 18.000 đồng/kg tùy loại.
Kiềm chế và bình ổn giá đường trong nước
Trước tình hình nguồn đường trong nước đang khan hiếm và giá cả tăng cao, Hiệp hội Mía đường Việt Nam yêu cầu các nhà máy đường không bán cho các nhà thương mại, doanh nghiệp với số lượng lớn để góp phần kiềm chế và bình ổn giá đường trong nước. Về lâu dài, Hiệp hội sẽ thành lập một doanh nghiệp cùng Chính phủ thực hiện chức năng điều tiết sản lượng và giá đường. Hiện các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào vụ thu hoạch mía, nhưng do lũ không về, mía chín chậm, giá mía tăng cao, cho nên nông dân không thu hoạch, khiến tất cả các nhà máy đường đều thiếu mía nguyên liệu.
Theo Nhandan
Ý kiến ()