Quyết định quan trọng của G20
Ngày 15/6 (theo giờ Argentina), hội nghị bộ trưởng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên của nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã kết thúc sau hai ngày họp tại Buenos Aires.
Hội nghị thừa nhận năng lượng là yếu tố quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. (Nguồn: G20.org) |
Tham dự hội nghị còn có nhiều chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế như Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Hội nghị thảo luận các cách thức nhằm tăng hiệu suất năng lượng, tính minh bạch và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực năng lượng, cũng như các nguồn năng lượng thay thế và đã đưa cam kết thúc đẩy tiếp cận năng lượng một cách rộng rãi, thông qua một hệ thống năng lượng linh hoạt, minh bạch và sạch hơn.
Ngoài ra, các nước tham dự cũng đã đề cập tới những giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu chính sách trợ giá đối với các loại nhiên liệu hóa thạch, sự minh bạch về thông tin năng lượng, cũng như việc số hóa thị trường năng lượng.
Cuộc họp cấp bộ trưởng lần này được đánh giá là cơ hội đầu tiên để các nền kinh tế G-20 tìm cách giảm bớt bất đồng trong các vấn đề liên quan, khi mà biến đổi khí hậu và sử dụng nhiên liệu hóa thạch là chủ đề gây tranh cãi chính dẫn tới việc G20 không thể đạt đồng thuận tại Hội nghị thượng đỉnh năm 2017.
Vì các nền kinh tế G-20, chiếm khoảng 85% GDP toàn cầu và tiêu thụ tới 77% nguồn năng lượng của thế giới, đang phải “chịu trách nhiệm” đối với 80% khí thải CO2 liên quan đến năng lượng.
Suốt 40 năm qua, tỉ lệ nhiên liệu hóa thạch trên thế giới vẫn duy trì ở mức khoảng 80% năng lượng mà con người sử dụng.
Trong khi đó, theo báo cáo của Viện phát triển hải ngoại London (ODI) cho hay, tổng số tiền trợ cấp nhiên liệu hóa thạch của nhóm G-20 lên tới trên 450 tỷ USD một năm.
Báo cáo trên cho biết, số tiền G-20 – trong đó có Australia, Brazil, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ – hỗ trợ khai thác nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ cao gấp 4 lần con số thế giới hỗ trợ để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió hay điện mặt trời.
Ở một phương diện khác, theo kết quả nghiên cứu của tổ chức Climate Transparency (CT) công bố cuối năm 2017, trong những năm gần đây việc đầu tư, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo cũng đang ngày càng trở nên phổ biến hơn tại 15 thành viên G-20. Nhờ đó mà lượng khí thải bình quân đầu người ở nhiều nền kinh tế thành viên G-20 như Australia, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Nam Phi và Mexico… đang có xu hướng giảm dần , tạo động lực để thu hút nhiều quốc gia khác trên thế giới gia tăng đầu tư năng lượng tái tạo.
Việc hội nghị đưa ra cam kết thúc đẩy tiếp cận năng lượng rộng rãi là một quyết định có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn tiếp tục phải đối mặt với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()