Quyết định của FED tác động đến thị trường thế giới như thế nào ?
Ngày 27-4, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục từ 0-0.25% và cho biết chương trình mua 600 tỷ USD trái phiếu (QE2) sẽ kết thúc đúng như dự kiến vào ngày 30-6-2011.Biện giải cho quyết định này, FED cho rằng lạm phát đã bắt đầu gia tăng, đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ diễn ra với “tốc độ vừa phải”. Tuy nhiên, FED vẫn cho rằng đà gia tăng của lạm phát chỉ là tạm thời và thị trường việc làm vẫn là một lĩnh vực đáng lo ngại hơn cả. Với quyết định trên của FED đã không chỉ kết thúc sự trông chờ của thị trường tài chính quốc tế, mà còn tạo ra một cơn “sốc” gây lo ngại cho dư luận quốc tế.Giá vàng tăng vọtViệc FED quyết định giữ nguyên tỷ lệ lãi suất chủ chốt ngắn hạn ở mức siêu thấp (0,25%) đã mặc nhiên nhường chỗ cho loại hàng hoá đặc biệt là vàng. Các nhà đầu cơ vàng thế giới đã đủ lý do để đưa ra các quyết...
Ngày 27-4, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục từ 0-0.25% và cho biết chương trình mua 600 tỷ USD trái phiếu (QE2) sẽ kết thúc đúng như dự kiến vào ngày 30-6-2011.
Biện giải cho quyết định này, FED cho rằng lạm phát đã bắt đầu gia tăng, đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ diễn ra với “tốc độ vừa phải”. Tuy nhiên, FED vẫn cho rằng đà gia tăng của lạm phát chỉ là tạm thời và thị trường việc làm vẫn là một lĩnh vực đáng lo ngại hơn cả. Với quyết định trên của FED đã không chỉ kết thúc sự trông chờ của thị trường tài chính quốc tế, mà còn tạo ra một cơn “sốc” gây lo ngại cho dư luận quốc tế.
Giá vàng tăng vọt
Việc FED quyết định giữ nguyên tỷ lệ lãi suất chủ chốt ngắn hạn ở mức siêu thấp (0,25%) đã mặc nhiên nhường chỗ cho loại hàng hoá đặc biệt là vàng. Các nhà đầu cơ vàng thế giới đã đủ lý do để đưa ra các quyết định của mình, trong bối cảnh bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi vẫn chưa đến hồi kết, lạm phát trên toàn thế giới tiếp tục là những động lực thúc đẩy giá vàng tiếp tục tăng lên tới mức khó khiểm soát.
Khi đóng cửa giao dịch, giá vàng giao tháng 7 trên sàn Comex của Sở giao dịch New York đã tăng thêm 14,1 USD, tương đương 0,93%, lên 1.531,2 USD/ounce. Trong giá vàng giao ngay vào đầu giờ sáng 27-4 đã ở mức 1.535,8 USD/ounce.
Vàng liên tiếp tạo những đỉnh cao mới về giá trong thời gian vừa qua khi chúng hội tụ gần như tất cả các nguyên nhân: từ lo ngại lạm phát; giá dầu tăng cao do khủng hoảng chính trị – dầu mỏ ở khu vực Trung Đông – Bắc Phi; hậu quả động đất sóng thần ở Nhật Bản; nợ công của châu Âu vẫn chưa đến hồi kết; Mỹ đã bơm hơn 2.000 tỷ USD vào thị trường tài chính; nay FED lại tiếp tục duy trì lãi suất thấp… Cho nên vàng đã trở thành nơi trú ẩn để bảo toàn giá trị đồng vốn của giới đầu tư quốc tế. Nhiều chuyên gia dự báo, còn cho rằng giá vàng có thể sẽ tiếp cận 1.750 USD/oz ngay trong năm 2011.
Giá dầu tiếp tục leo thang
Dầu tiếp tục leo thang tại thị trường New York khi kỳ vọng rằng nhu cầu nhiên liệu sẽ tăng sau khi FED quyết định giữ nguyên giải pháp kích thích kinh tế và các kho dự trữ xăng của Mỹ tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8-2009.
Dầu thô giao tháng 6 tăng 94 cent, tương đương 0,8%, lên 113,70 USD/thùng trên sàn giao dịch điện tử New York, mức cao nhất kể từ 22/09/2008. Hợp đồng ở mức 113,54 USD lúc 9:29 a.m. theo giờ Singapore. Hôm 27/04/2011, dầu thô Mỹ tăng 55 cent, tương đương 0,5%, lên 112,76 USD. So với cách đây một năm giá dầu thế giới đã tăng 37%.
Dầu Brent giao tháng 6 thiết lập tăng 66 cent, tương đương 0,5%, lên 125,79 USD/thùng trên sàn giao dịch ICE tại Luân Đôn. Ngày 27/04/2011 , giá dầu Brent tăng 99 cent, tương đương 0,8%, lên 125,13 USD, mức chốt phiên cao nhất kể từ 08/04/2011.
Ngày 27-4, dầu thô châu Âu giao dịch ở mức 12,37 USD/thùng. Chênh lệch giá giữa các hợp đồng đang giao dịch trên cả 2 sàn Luân Đôn và New York tăng lên mức cao kỷ lục 19,54 USD hôm 21/02/2011. (Năm 2010, mức chênh lệch chỉ là 76 cent).
Báo cáo của Bộ năng lượng Mỹ cho thấy các kho dự trữ sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu nóng và dầu diesel, giảm 1,81 triệu thùng, xuống còn 146,5 triệu thùng trong tuần trước.
Giá dầu tăng lên trong thời gian vừa qua do tác động của tình hình rối loạn ở Trung Đông – Bắc Phi; thảm hoạ động đất, sóng thần, rò rỉ phóng xạ hạt nhân ở Nhật Bản, nay lại được tăng cường bởi quyết định của FED.
Thị trường chứng khoán dao động trái chiều
Việc FED tiếp tục duy trì lãi suất thấp khiến tâm lý lo ngại của giới đầu tư tăng cao, đồng USD tiếp tục mất giá và đang dần tiến về mức thấp kỷ lục của năm 2008. Tuy nhiên, phiên giao dịch ngày 27-4, các chỉ số chứng khoán Mỹ lại tăng mạnh. Đáng chú ý, chỉ số Nasdaq tăng vọt lên mức cao nhất trong 10 năm qua.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 95,59 điểm, tương ứng 0,76%, lên 12.690,96 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,42 điểm, tương ứng 0,62%, lên 1.355,66 điểm. Chỉ số Nasdaq nhảy 22,34 điểm, tương ứng 0,78%, lên 2.869,88 điểm.
Khối lượng giao dịch ở mức thấp, với khoảng 7,59 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả 3 sàn New York, American và Nasdaq, thấp hơn so với mức bình quân hàng ngày 7,73 tỷ cổ phiếu của năm nay. Trên sàn New York, cứ 2 mã cổ phiếu tăng thì có 1 mã giảm, còn ở sàn Nasdaq, tỷ lệ này là 8/5.
Nhóm cổ phiếu công nghệ sinh học đã giúp Nasdaq tăng mạnh trong phiên 27-4. Trong đó, đáng chú ý là cổ phiếu của hãng dược Regeneron tăng tới 28,6% lên 67,05 USD. Chỉ số NYSEArca công nghệ sinh học tăng 2,8%.
Trong khi đà tăng của Dow Jones là nhờ sự dẫn dắt của cổ phiếu hãng General Electric. Hôm qua, cổ phiếu của General Electric tăng 1,7% lên 20,65 USD. Cổ phiếu của Boeing tăng 0,8% lên 76,12 USD, cũng góp phần đẩy chỉ số Dow Jones đi lên.
Khu vực chứng khoán châu Âu cũng có kết quả đan xen trong phiên giao dịch ngày 27-4. Chỉ số FTSE 100 của Anh hạ nhẹ 0,02% xuống 6.068,16 điểm. Trong khi chỉ số CAC 40 của Pháp lại tăng 0,55% lên 4.067,72 điểm và DAX của Đức từ 0,66% lên 7.404,95 điểm.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng có ngày tăng điểm tốt nhất trong tuần, bất chấp việc nước này bị tổ chức định mức tín nhiệm (S&P) hạ bậc triển vọng nợ đồng nội tệ xuống mức tiêu cực. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản vẫn tăng 1,39% lên 9.691,84 điểm.
Tiếp sau là mức tăng điểm của thị trường Đài Loan. Chỉ số Taiex của thị trường này tăng 1,13% lên 9.049,25 điểm. Thị trường Hàn Quốc gần như đi ngang, chỉ số Kospi chỉ tăng 0,02%. Chỉ số Straits Times của Singapore cũng chỉ tăng 0,34%.
Các thị trường Trung Quốc và Hồng Kông lần lượt trượt giá 0,46% và 0,48%, do sự đi xuống của nhóm cổ phiếu địa ốc, sau khi có tin nói rằng chính phủ Trung Quốc sẽ sớm công bố các biện pháp thắt chặt mới đối với lĩnh vực bất động sản.
Cơ quan Thống kê Anh (ONS) thông báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng trưởng 0.5% trong 3 tháng đầu năm nay, thấp hơn so với dự báo 0.6% nhưng vẫn ghi nhận sự chuyển biến đáng kể so với mức giảm 0.5% trong quý 4-2010.
Vai trò đồng USD tiếp tục suy giảm
Các nhà nghiên cứu kinh tế cho rằng: Nhìn chung, kinh tế Mỹ vẫn đang phục hồi, tình hình việc làm của người dân Mỹ đang có xu hướng tốt lên. Việc FED tiếp tục duy trì lãi suất thấp là hành động cố ý làm giảm giá trị đồng USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu đồng USD suy yếu kéo dài có thể dẫn tới sự mất cân bằng cho nền kinh tế thế giới, gây ra hệ quả lạm phát ở nhiều nước, nhất là các nước mới nổi và các nước sử dụng đồng USD làm phương tiện thanh toán chủ yếu.
Các nhà kinh tế hy vọng rằng cuối Quý II năm nay chương trình QE2 của FED sẽ kết thúc và FED sẽ phải thu hồi khối lượng tiền dư thừa khỏi lưu thông bằng các biện pháp như: tăng lãi suất ngân hàng, bán các tài sản thu hồi, cầm cố… để lấy lại vị thế cho đồng USD trên thị trường tài chính quốc tế.
Như vậy, tuy đã bị suy yếu nhưng đồng USD của Mỹ vẫn có sự tác động lớn đến thị trường thế giới. Vì thế, việc xây dựng một cơ chế tài chính toàn cầu mới, việc tìm ra những đồng tiền mạnh có thể thay thế vai trò độc tôn của đồng USD vẫn còn đang ở phía trước.
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()