Quyết định 54/QĐ-TTg: Điểm tựa thoát nghèo
LSO- Hộ dân tộc thiểu số (DTTS) vùng đặc biệt khó khăn vay vốn không cần tài sản thế chấp, lãi suất thấp, thủ tục đơn giản… là những ưu việt của Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn. Nhờ vậy Quyết định 54 trở thành điểm tựa vững chắc giúp nhân dân từng bước thoát nghèo.
Nông dân Hữu Lũng ươm giống cây lâm nghiệp
Được sự chỉ dẫn của cán bộ xã, chúng tôi đến thăm gia đình chị Dương Thị Thiệp, dân tộc Nùng, thôn Pác Khuông, xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia. Nhìn vào cơ ngơi khang trang của gia đình, ít ai biết trước đây vợ chồng chị Thiệp có cuộc sống rất vất vả. Nghề thợ mộc của chồng vốn thu nhập thấp, lại bấp bênh khiến gia đình chị thuộc diện hộ nghèo nhiều năm liền. Từ số vốn ban đầu vay theo Quyết định 54 thông qua Ngân hàng Chính sách – Xã hội huyện là 2 triệu đồng, chị Thiệp mạnh dạn đầu tư cửa hàng ăn uống, đồng thời mở rộng chuồng trại chăn nuôi, phát triển mô hình nuôi lợn nái. Nhờ cần cù, chăm chỉ, đến nay, gia đình chị Thiệp đã có nguồn thu ổn định, xây dựng được nhà hàng 2 tầng, góp phần giải quyết việc làm cho 3-4 lao động trong thôn. Mỗi năm thu nhập từ 80 – 90 triệu đồng (đã trừ chi phí) giúp chị Thiệp trở thành một trong những gương làm kinh tế giỏi của địa phương.
Cùng chung niềm vui với chị Thiệp, trong 5 năm qua, toàn tỉnh có 2.253 lượt hộ DTTS được vay vốn với tổng kinh phí trên 12,6 tỷ đồng, bình quân từ 5-6 triệu đồng/hộ. Theo thống kê, trên 85% số hộ được vay đầu tư vào chăn nuôi và trồng rừng. Nhờ được vận động, tuyên truyền, các hộ vay đã sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, trung bình các hộ DTTS tăng từ 20-25% thu nhập mỗi năm.
Người dân xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng phát triển chăn nuôi lợn từ nguồn vốn vay ưu đãi
Ông Triệu Sành Lẩy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: điểm mới của Quyết định 54 so với các chính sách hỗ trợ vay vốn trước đây là mức vay tối đa được nâng lên 8 triệu đồng/ hộ, thời gian cho vay là 60 tháng, lãi suất 0,1%/ tháng (1,2%/ năm). Quyết định này đã tạo điều kiện cho các hộ DTTS có thêm nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, việc tăng lãi suất góp phần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào trợ cấp từ Nhà nước của một bộ phận người dân.
Là tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn đã nhiều năm nay, bà Hoàng Thị Đại, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc chia sẻ: từ năm 2010 đến nay, tổ đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách – Xã hội huyện tạo điều kiện cho gần 30 lượt hộ vay vốn. Bên cạnh đó, tổ cũng thường xuyên động viên các hộ vay trả lãi đúng kỳ hạn, tạo điều kiện cho kỳ sau vay tiếp. Hiệu quả vay vốn được chứng minh qua việc thu nhập hằng năm của các hộ gia đình đều cao hơn so với năm trước, ước tính đã có 15 hộ vay vốn thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng.
Hỗ trợ đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi là động lực thúc đẩy người dân có ý thức tự chủ về kinh tế, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Nhờ có vốn, có kinh nghiệm sản xuất, phần lớn số hộ DTTS đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa. Nếu như trước đây, bà con DTTS chủ yếu độc canh cây lúa, cây ngô, chăn nuôi theo lối truyền thống thì đến nay đã phát triển nhiều mô hình như trồng rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa. Trong đó, có nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao đang được nhân rộng tại các vùng đặc biệt khó khăn như: trồng quế tại xã Vĩnh Yên, huyện Bình Gia và xã Vạn Thủy, huyện Bắc Sơn; trồng thông, thạch đen ở xã Bính Xá, huyện Đình Lập và xã Đội Cấn, huyện Tràng Định; trồng rừng ở khu bực biên giới huyện Lộc Bình… Từ đó góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong sản xuất, giúp người dân cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập.
Bài, ảnh: KHÁNH TRANG
Ý kiến ()