Quyết định 25: Người dân được tiếp cận khoa học
Anh Lý Văn Dũng, thôn Tằm Lịp, huyện Lộc Bình đang có 450 gốc chuối tiêu hồng cho quả trung bình 8 nải/buồng. Hiện nay chuối đã sắp thu hoạch. Anh Dũng cho biết: trước năm 2014, khi chưa trồng chuối, gia đình dùng 5 sào đất này trồng 1 vụ ngô, 1 vụ lúa cho tổng sản lượng 1,8 tấn, giá trị thành tiền khoảng 10 triệu đồng/năm. Tuy nhiên trồng chuối chỉ cần bán với giá 10.000 đồng/kg là vụ chuối năm nay ước gia đình thu nhập khoảng 108 triệu đồng, trừ chi phí thì ước cho lãi trên 80 triệu đồng, gấp gần 10 lần so với trồng ngô, lúa.
Mô hình trồng chuối tiêu hồng của gia đình anh Lý Văn Dũng, thôn Tằm Lịp, xã Xuân Mãn (Lộc Bình) được hỗ trợ theo Quyết định 25
Anh Lý Văn Dũng và 19 hộ gia đình khác tại huyện Lộc Bình tham gia dự án thâm canh chuối tiêu hồng được triển khai từ năm 2014. Theo đó, mỗi hộ trồng 5 sào. Để có sự tham gia rộng rãi của các hộ trên là do nhà nước hỗ trợ 30% kinh phí (trên 20 triệu đồng/hộ) về giống, vật tư, phân bón, 70% kinh phí là các hộ dân đầu tư. Đến nay, dự án triển khai được hơn 1 năm. Qua theo dõi cho thấy trên 90% cây cho quả từ 7 – 10 nải/buồng, năng suất dự kiến sẽ đạt 10,3 tấn quả/sào, tổng sản lượng ước đạt 206 tấn chuối thương phẩm, trị giá trên 2 tỷ đồng.
Chị Mùi Thị Hằng, chuyên viên Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Lộc Bình cho biết: dự án được thực hiện theo phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tổng kinh phí thực hiện trên 770 triệu đồng, trong đó 30% kinh phí hỗ trợ được thực hiện theo Quyết định 25/QĐ-UBND ngày 11/1/2012 của UBND tỉnh Lạng Sơn (gọi tắt là QĐ 25), 70% là vốn đối ứng từ dân. Phương thức này tạo điều kiện cho nông dân được tiếp cận gần hơn và nhiều hơn với KH&CN. Họ được sử dụng giống mới và biết áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến.
Đây chỉ là 1 trong nhiều đề tài, dự án KH&CN trên toàn tỉnh được thực hiện theo phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Sau hơn 3 năm triển khai, toàn tỉnh có 7 đề tài, dự án KH&CN với 105 mô hình được hỗ trợ với tổng kinh phí khoảng 2 tỷ đồng. Trong đó, 1 đề tài thuộc lĩnh vực chăn nuôi (gà lai PCN – G15 hướng trứng) hỗ trợ 15 hộ thực hiện 15 mô hình; 6 đề tài, dự án lĩnh vực trồng trọt (thanh long ruột đỏ, đỗ tương, chế phẩm vi sinh đối kháng bệnh hại cho cây khoai tây, vật liệu siêu thấm AMS-1, cây khoai mon và chuối tiêu hồng) cho 90 hộ gia đình thực hiện 90 mô hình.
Từ khi triển khai đến nay, nhiều mô hình được thực hiện thành công trong thực tiễn, đem lại năng suất, sản lượng cao như: hộ anh Lý Văn Dũng, thôn Tằm Lịp, Xuân Mãn; chị Vi Thị Ựu, thôn Lăng Xè, xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình…
Ông Chu Xuân Tiến, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN tỉnh cho biết: khi chưa có QĐ 25, trên địa bàn tỉnh có nhiều đề tài nghiên cứu KH&CN không được áp dụng, chuyển giao vào thực tiễn do nguồn kinh phí không có hỗ trợ dân. Quyết định này giúp bà con nông dân có thêm nguồn lực về vốn và khuyến khích họ phát triển sản xuất theo phương pháp khoa học, tiên tiến hơn.
Ý kiến ()