Quyết định 102 về hỗ trợ cho hộ nghèo: Sức bật để thoát nghèo bền vững
LSO- Quyết định 102/2009/QĐ-TTg ngày 7/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ (về hỗ trợ trực tiếp cây con giống, tiền mặt) cho hộ nghèo sinh sống ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa được Ban Dân tộc tỉnh triển khai hiệu quả; giúp bà con tiếp cận các loại giống có chất lượng, tăng thu nhập giúp thoát nghèo bền vững.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Triệu Văn Quý, thôn Bản Thẳm, xã Hoa Thám, huyện Bình Gia. Được biết gia đình ông thiếu vốn để phát triển sản xuất nên thuộc diện hộ nghèo của xã nhiều năm nay. Đầu năm 2011, ông Quý được hỗ trợ gần 100 cây giống lâm nghiệp. Sau một thời gian được chăm sóc đúng quy trình, đến nay, vườn cây nhà ông đã sinh trưởng tốt và mang lại thu nhập từ 60-70 triệu đồng mỗi năm.
Ông Triệu Sành Lẩy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Giai đoạn 2010-2015, toàn tỉnh có trên 808.200 nhân khẩu thuộc hộ nghèo (ở các xã khu vực II, III) được hỗ trợ với tổng nguồn vốn là 73,3 tỷ đồng. Nhờ được tuyên truyền giáo dục, đồng bào sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Bà con chọn mua các loại thuốc thú y, muối I-ốt, máy nông cụ, cây trồng, vật nuôi có giá trị…
Người dân xã Hòa Bình, huyện Chi Lăng nhận hỗ trợ giống cây trồng
Chi Lăng là một trong những huyện được đánh giá thực hiện Quyết định 102 khá hiệu quả, từ năm 2010 đến nay, huyện hỗ trợ các đối tượng được thụ hưởng trên 4,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, bà con đã mạnh dạn đầu tư nhiều mô hình trồng cây ăn quả như na, quýt, táo, trồng cây hồi…
Ông Lô Văn Thiện, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Chi Lăng cho biết: năm 2015, toàn huyện có 8.400 nhân khẩu được hỗ trợ, tổng kinh phí là 712 triệu đồng. Công tác phân bổ nguồn vốn đang được gấp rút hoàn thiện để bà con triển khai sản xuất đúng khung thời vụ.
Việc hỗ trợ trực tiếp vật tư, nguyên liệu sản xuất cho các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn đã giúp bà con đa dạng hóa mô hình sản xuất, chuyển đối cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa. Nếu như trước đây, hộ nghèo chủ yếu độc canh cây lúa, cây ngô, chăn nuôi truyền thống như lợn, gà thì đến nay đã phát triển nhiều mô hình như trồng rừng, trồng cây ăn quả, nuôi dê, ong, ngựa bạch… Trong đó, nhiều mô hình có giá trị kinh tế cao ở các xã khu vực III như: nuôi dê (xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn; xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng); trồng rừng (xã Bắc Xa, Bính Xá, huyện Đình Lập); nuôi ngựa bạch (xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng).
Chương trình hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo theo Quyết định 102 đã đạt được những kết quả tích cực. Riêng trong năm 2014, toàn tỉnh có gần 500 hộ nghèo dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững. Thu nhập của bà con từng bước nâng cao, đời sống được cải thiện, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống nhân dân các dân tộc.
Bài, ảnh: KHÁNH TRANG
Ý kiến ()