tle=”www.heroinaids.com”>www.heroinaids.com, Nhật trở thành tuyên truyền viên tích cực, lấy chính bài học bản thân khuyên các bạn trẻ không nên vì sĩ diện mà thử, chỉ một lần sa ngã thôi là mất hết cuộc đời. Nhật đã động viên những người còn đang lệ thuộc vào ma túy sớm từ bỏ. Anh còn cùng một số thành viên khác trong nhóm “Niềm tin” giúp đỡ cai nghiện cho những người chưa bỏ được ma túy; tặng quà các trẻ em là con những người bị nhiễm HIV/AIDS, vận động quyên góp xây nhà cho gia đình các em bé có mẹ bị nhiễm HIV ở Bến Tre và Ninh Bình… Nhật cho biết, vì đua đòi bạn bè đã bỏ phí quãng thời gian dài trong cuộc đời mình. Hiện nay, anh tránh xa bạn xấu, cố gắng học tập, bù đắp kiến thức bị hổng để có thêm kiến thức tư vấn, giúp đỡ nhiều người lánh xa ma túy và căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.
Đại đức Thích Thanh Dũng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Hải Dương, Hiệu trưởng Trường trung cấp phật học Hải Dương là ân nhân của những người một thời lầm lỗi, trót lao vào vòng xoáy ma túy. Đại đức cho rằng, phòng, chống, ngăn chặn tệ nạn xã hội, nhất là ma túy là trách nhiệm của toàn xã hội. Đại đức kể: Thực hiện lời dạy của Phật “Từ bi hỉ xả” cho nên chúng tôi thấy mình phải có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội; thường xuyên phối hợp các ban, ngành, đoàn thể; nhất là lực lượng công an tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về tác hại của ma túy cho các tăng ni, phật tử; từ đó để các tăng ni, phật tử trở thành những nhà truyền thông, thuyết giáo về PCMT, HIV/AIDS. Có nhiều gia đình đến với chùa giãi bày nỗi khổ có con nghiện, bị nhiễm HIV/AIDS, chúng tôi dùng lời của Phật để lựa lời khuyên nhủ gia đình và người nghiện giúp họ hiểu ra và từ bỏ ma túy. Đại đức cho rằng, quan trọng nhất là phải dùng tình thương, trách nhiệm, lòng nhân ái để gần gũi, không phân biệt, đối xử kỳ thị với người nghiện. Một trong những người nghiện thầy Dũng dày công giúp đỡ là anh Phương, nhà ở gần ga Hải Dương. Sau khi cai nghiện tại trung tâm cai nghiện Hải Dương, bị mọi người coi thường, xa lánh, quá buồn chán anh tới chùa. Bằng tình thương, trách nhiệm của mình, Đại đức lựa lời động viên, khuyên can… Qua những lần tiếp xúc thân tình, mọi người nhìn thấy, thấu hiểu và dần xóa bỏ mặc cảm giúp anh Phương chiến thắng những cơn vật vã thèm thuốc, dũng cảm đứng dậy làm lại cuộc đời.
Một trong những người có nhiều đóng góp xây dựng xứ đạo Thượng Phúc thuộc xã Thụy Sơn, Thái Thụy (Thái Bình) không ma túy từ năm 2003 là ông Trần Văn Giang, Trùm trưởng họ đạo Thượng Phúc Đông. Bằng uy tín, sự gương mẫu, năng nổ nhiệt tình, ông Giang cùng linh mục Luca Nguyễn Văn Định phát động bà con giáo dân sống “tốt đời, đẹp đạo”, tích cực hưởng ứng xây dựng xứ đạo an toàn không ma túy. Ông thường xuyên nhắc nhở thanh thiếu niên và các phụ huynh quan tâm giám sát chặt chẽ để các em có đủ sức đề kháng, lánh xa ma túy. Ông Giang cho biết, nhiều hoạt động phòng, chống ma túy, HIV/AIDS tại họ đạo Thượng Phúc Đông đã được triển khai hiệu quả như tổ chức các lớp giáo lý, giáo dục điều thiện từ thủa nhỏ, ký cam kết không sử dụng ma túy; tổ chức các lớp học lồng ghép từng lứa tuổi tuyên truyền về tác hại của ma túy; thành lập bốn tổ tự quản để quản lý giáo họ, nhắc nhở các thanh, thiếu niên đi làm ăn xa chăm chỉ làm ăn, không sa đà tệ nạn xã hội. Mỗi người dân ai cũng một lòng “kính Chúa yêu nước”, hướng thiện; luôn tự giác thực hiện các điều răn, quy định của giáo hội, tôn trọng pháp luật, nhờ đó đến nay toàn xứ đạo Thượng Phúc không có ai mắc nghiện.
Đã hơn 80 tuổi nhưng ông Nguyễn Phúc Cương, Công ty TNHH Bảo Phúc (Hà Nội) vẫn miệt mài nghiên cứu bài thuốc cai nghiện và chữa trị HIV/AIDS. Để có được kết quả nghiên cứu khả quan như ngày nay, ông Cương đã bán nhà, trải qua rất nhiều lần thí nghiệm để chiết xuất được axitamin, một thành phần quan trọng để chữa bệnh. Ông Cương tâm sự: Sau khi xuất ngũ trở về, đến thăm các trung tâm nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh và trung tâm cai nghiện, chứng kiến những cảnh họ đau khổ, vật vã trong lòng rất thương cảm và từ đó tôi quyết tâm nghiên cứu, chế tác bột dinh dưỡng D40 Bảo Phúc giúp người nghiện ma túy, mắc căn bệnh nan y HIV/AIDS. Theo ông, ưu việt của bột dinh dưỡng này so với các bài thuốc cai nghiện khác là người nghiện cắt cơn mà không mệt mỏi, giá thành rẻ và không tái nghiện sau điều trị. Các học viên tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Hải Phòng và Nhóm Hoa phượng đỏ (Hải Phòng) sau khi sử dụng bột dinh dưỡng đã có nhiều chuyển biến khả quan, khỏe mạnh hơn, tăng cân, ăn ngủ được, tỉnh táo, tinh thần thoải mái, tích cực lao động. Mặc dù có đối tác nước ngoài muốn mua bản quyền sáng chế bột dinh dưỡng cai nghiện, chữa HIV/AIDS do ông sản xuất, những ông không bán bởi theo ông, đó là bài thuốc đem lại giá trị cuộc sống cho nhiều người. Ông mong muốn, hiện nay còn sức khỏe, còn nghiên cứu được sẽ cống hiến hết mình nhằm tạo điều kiện tốt nhất giúp người nghiện phục hồi nhanh chóng, không tái nghiện và chữa lành cho những người nhiễm HIV/AIDS.
Cô giáo Phùng Thị Hà, Trường tiểu học Việt – Mông (Ba Vì, Hà Nội) hai năm nay đã tình nguyện vào dạy các em bé mồ côi bị bỏ rơi đang mang trong mình vi-rút HIV ở Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 2 Hà Nội. Bằng tình thương và vượt qua những rào cản của sự kỳ thị, cô giáo Hà phải vất vả dạy lớp ghép, truyền đạt để các em nhanh chóng tiếp thu. Không chỉ dạy chữ, cô Hà còn như bảo mẫu, chăm sóc các em những lúc ốm mệt và tận tình chỉ bảo tiếp thu bài cho tốt. Nhiều em trong lớp học giỏi, đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi của huyện. Một trong những băn khoăn của cô và Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 2 là, học sinh ngày một lớn, trong khi biên chế giáo viên nhà trường Việt – Mông có hạn, nếu không được ra học hòa nhập thì lên cấp THCS, nguy cơ các em không được đi học sẽ trở thành hiện thực. Cô tâm sự, dù bản thân cô và trung tâm có cố gắng đến đâu nhưng nếu không có sự giúp đỡ, vào cuộc hỗ trợ của chính quyền địa phương, các cấp có thẩm quyền thì không thể giải quyết triệt để sự kỳ thị của các bậc phụ huynh ngăn cản quyết liệt không cho các em học sinh ở trung tâm học chung với con em họ.
Câu chuyện về nghị lực của cô giáo Cao Thị Tươi, giáo viên Trường tiểu học Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) khiến nhiều đại biểu dự gặp mặt cảm động, thán phục. Bị lây nhiễm HIV từ người chồng nghiện ngập, cuộc đời của vợ chồng cô giáo tưởng chừng đã chấm hết, việc dạy học nhiều lần ngưng trệ. Tuy nhiên, sự cảm thông, giúp đỡ của đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm, người thân đã tiếp thêm nghị lực giúp cô vượt lên tất cả; vừa giảng dạy tốt, vừa quyết tâm cai nghiện thành công cho chồng. Nhiều học trò gọi cô với cái tên trìu mến “mẹ Tươi”. Hiện nay, cả hai vợ chồng cô giáo Tươi vẫn mạnh khỏe. Chồng cô đã từ bỏ hẳn ma túy và phụ trách việc kinh doanh điện của xã Xuân Phú. Cô giáo Tươi liên tục từ năm 2007 đến nay đều là Giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở của huyện Quan Hóa. Cô Tươi tâm sự: Trong hoàn cảnh đó, nếu bi quan, không vượt lên chính mình thì cuộc sống của gia đình cô không được như hôm nay. Cô Tươi cũng kêu gọi mọi người hãy dang rộng vòng tay, giúp đỡ những người không may mắc căn bệnh thế kỷ, trong đó có các em nhỏ để các em có cơ hội được đến trường, sống trong tình yêu thương của thầy giáo, cô giáo, các phụ huynh và toàn xã hội.
Cũng từ nghiện ma túy mà anh Hà Minh Thảo, thành viên Nhóm Hoa phượng đỏ (Hải Phòng) đã truyền căn bệnh AIDS sang cho vợ là Phạm Thị Huệ, người được bình chọn danh hiệu Anh hùng châu Á và nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu năm 2007. Với khát khao là mọi người đồng cảm, không kỳ thị, chia sẻ, bao dung, thân thiện hơn với những người nhiễm HIV/AIDS, nhất là với những phụ nữ và em bé vô tội không may mắc căn bệnh thế kỷ, vợ chồng Thảo không ngừng nỗ lực cố gắng trong công tác PCMT, HIV/AIDS, tổ chức nhiều hoạt động, như: thăm hỏi, giới thiệu địa chỉ khám chữa bệnh; chăm sóc vệ sinh thân thể, hỗ trợ dinh dưỡng… thành lập nhóm may quần áo, rửa xe, giao nước, nuôi cấy tu hài tại đảo Cát Bà. Nhóm Hoa phượng đỏ do Huệ sáng lập còn dành kinh phí để chăm sóc và hỗ trợ gạo, sữa, tiền học phí cho hàng trăm con em những người đã chết vì HIV/AIDS, lập nhà trẻ chăm sóc các em nhỏ bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Huệ đang dồn hết tâm huyết vào dự án: “Phòng, tránh lây truyền HIV/AIDS cho thanh, thiếu niên ngoài trường học, tăng cường sự tham gia của những người “sống chung” với AIDS”. Anh Hà Minh Thảo tâm sự, chính từ tấm gương của vợ mình mà anh không ngừng phấn đấu vươn lên, trở thành tuyên truyền viên tích cực ngăn chặn hiểm họa ma túy, HIV/AIDS. Anh bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới các cấp, các ngành ở Hải Phòng tạo điều kiện để cho những người nhiễm HIV/AIDS như vợ chồng anh vượt qua mặc cảm, tự tin cống hiến cho xã hội.
Theo Thượng tá Nguyễn Quang Toàn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Hải Phòng, công việc giúp đỡ người nghiện cai nghiện rất khó khăn. Tuy nhiên, nếu có tâm huyết và một chút hy sinh bản thân cho công việc sẽ cảm hóa được người nghiện. Những năm qua, trung tâm không ngừng phát triển khang trang lớn mạnh, trở thành mái ấm tình thương của các học viên chuộc lại lầm lỡ, làm lại đời mình. Trung tâm đẩy mạnh phát triển sản xuất, đa dạng hóa môi trường lao động, kết hợp hài hòa giữa lao động sản xuất với lao động trị liệu. Để nâng cao năng suất lao động, trung tâm phân công chuyên môn hóa các mảng lao động sản xuất theo tính chất đặc thù cho các đội. Các sản phẩm tại trung tâm được bạn hàng đánh giá cao, không những đáp ứng “tự cung tự cấp” mà còn đem lại nguồn lợi đáng kể. Bằng tất cả tấm lòng của những người phục thiện, lãnh đạo trung tâm tạo điều kiện để học viên phát huy tài năng, có được môi trường tốt nhất phục hồi nhân cách, học cách làm người thực thụ. Giám đốc Nguyễn Quang Toàn cho biết, lãnh đạo trung tâm vừa tổ chức đối thoại thẳng thắn với các học viên có biểu hiện trốn trại để tìm ra tiếng nói chung, qua đó học viên tự giác hơn, trở thành tuyên truyền viên tích cực trong công tác cai nghiện. Với tinh thần tất cả vì học viên, ngoài các bài thuốc truyền thống, trung tâm còn tìm tòi những phương thuốc dân gian hữu hiệu giúp học viên cai nghiện nhanh và hiệu quả hơn, sớm trở về hòa nhập cộng đồng.
Qua cuộc trò chuyện giao lưu với Trung tá Vũ Trọng Khải, người có thâm niên gắn bó với Công trường 06 Yên Sơn (Tuyên Quang) đã 13 năm, các đại biểu hiểu thêm về công việc gian nan, thầm lặng của cán bộ công trường. Những ngày đầu tiếp cận với công việc mới đầy khó khăn, phức tạp, anh cùng cán bộ công trường “ở cùng, ăn cùng và cùng lao động” với người cai nghiện. Ban đầu còn không ít người chống đối, lười lao động, tuy nhiên do làm tốt công tác tư tưởng, thường xuyên đi sâu nghiên cứu tâm tư, tình cảm và hoàn cảnh từng người nghiện, phân loại để giáo dục, cảm hóa; người nghiện đã xóa đi mặc cảm, yên tâm lao động, cai nghiện. Được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, công trường được vay vốn sản xuất với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm do công trường sản xuất, người nghiện phấn khởi lao động. Cho đến nay, mặc dù công trường không có hàng rào bảo vệ nhưng người nghiện vẫn chấp hành tốt nội quy, không bỏ trốn. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, xuất phát điểm từ một công trường đầy khốn khó, đến nay công trường đã có đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm, tâm huyết công việc, có cơ sở vật chất bảo đảm công tác cai nghiện. Anh Khải khẳng định, mô hình cai nghiện ma túy ba giai đoạn tại Tuyên Quang gồm cắt cơn và luyện tập tại cộng đồng; lao động tập trung tại công trường và quản lý tại cộng đồng đã đạt được hiệu quả khả quan, hạn chế phát sinh người nghiện mới và người tái nghiện. Đồng thời giảm được số người nghiện trên địa bàn tỉnh. Mô hình này phát huy hiệu quả kinh tế với chi phí thấp nhất, phù hợp điều kiện một tỉnh miền núi kinh phí còn hạn hẹp như Tuyên Quang.
Từ mảnh đất Tây Bắc hùng vĩ, anh Đào Văn Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Sơn La, Giám đốc Trung tâm Lao động Sơn La chia sẻ với các đại biểu về kinh nghiệm trong công tác cai nghiện tại một tỉnh trọng điểm về ma túy, có đông người nghiện. Công tác cai nghiện, giảm cầu ma túy luôn được Ban chỉ đạo 03 của Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo 50 của UBND tỉnh chú trọng. Đến nay, có hơn 6.000 lượt học viên được chữa trị cai nghiện tại trung tâm. Phần lớn học viên vào đây mắc nghiện nặng nhưng được cắt cơn nhanh chóng, hồi phục sức khỏe tốt. Các kế hoạch giáo dục, tuyên truyền được xây dựng chi tiết, tỉ mỉ với các hình thức phong phú, trật tự an toàn được giữ vững. Trung tâm còn mở lớp đào tạo nghề và cấp chứng chỉ cho hàng nghìn học viên nhằm tạo việc làm cho học viên sau khi tái hòa nhập cộng đồng, chống tái nghiện, tổ chức lao động sản xuất phù hợp khả năng của học viên như khâu bóng, sản xuất tiền vàng, mã xuất khẩu, tái chế vỏ bao xi-măng, sản xuất nhựa tái phẩm. Theo anh Hạnh, do nhiều học viên mù chữ, trình độ dân trí thấp cho nên trung tâm chú trọng phân loại theo đối tượng, trình độ để có phương pháp giáo dục phù hợp. Đối với những người không biết chữ tổ chức cho học xóa mù chữ, còn những người đã biết đọc, biết viết cho học nghề phù hợp khả năng, nhiều học viên trẻ có năng khiếu còn được học tiếng Anh. Chỉ sau bảy năm thành lập, Trung tâm Giáo dục Lao động tỉnh Sơn La vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba.
Tuy đã ngoài 60 tuổi, nhưng Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Công ty TNHH điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa (TP Hồ Chí Minh) vẫn hăng say lao vào mặt trận mới không kém phần cam go: cai nghiện ma túy. Bác sĩ Duy cho biết, sau khi về hưu được nhiều bệnh viện mời về cộng tác, nhưng qua thời gian làm việc, tiếp xúc nhiều người nghiện, thấy họ đáng thương cho nên đã tập hợp anh em, bè bạn thành lập trung tâm chữa trị cho người nghiện, giúp họ sớm được trở lại với gia đình, xã hội. Mô hình cai nghiện tại Trung tâm Thanh Đa gồm ba cơ sở hướng nghiệp – dạy nghề – lao động sản xuất, khu văn hóa thể dục – thể thao. Mười năm qua, Trung tâm Thanh Đa đã xây dựng được môi trường trị liệu an toàn, không có ma túy thẩm lậu, lần lượt cai nghiện cho hơn 8.000 học viên (phần lớn ở độ tuổi thanh, thiếu niên); miễn giảm học phí hàng trăm trường hợp là con em gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn. Hiện tại, trung tâm có khoảng 500 người đang cai nghiện. Theo Bác sĩ Khánh Duy, việc giúp con nghiện cai nghiện được ma túy dù chỉ một ngày cũng thành công bởi nếu họ sử dụng ma túy, lượng lớn tiền của xã hội bị tiêu tốn. Năm 2009, Công ty TNHH điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa nhận được nhiều bằng khen, cá nhân Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy được trao tặng nhiều giải thưởng lớn như Doanh nhân vì cộng đồng, Doanh nhân tâm tài, Trái tim vì sức khỏe người Việt, v.v.
Trong công tác sau cai nghiện, còn có sự ủng hộ, giúp đỡ của nhiều doanh nghiệp trong cả nước. Trong khi nhiều doanh nghiệp còn e dè, ngần ngại không dám nhận người nghiện ma túy, người nhiễm HIV/AIDS và những người mãn hạn tù vào làm việc thì anh Từ Văn Lâm, dân tộc Sán Dìu, Giám đốc Xí nghiệp khai thác đá Phú Cường, ở tổ 31 A, phường Cẩm Thạch, thị xã Cẩm Phả (Quảng Ninh) vẫn nhận họ vào làm việc. Việc làm này đã được duy trì từ khi cụ Từ Khải Thoong, thân sinh ra anh lập doanh nghiệp năm 1987. Anh thường xuyên gặp gỡ, trao đổi ý kiến, động viên anh em cố gắng, chịu khó làm việc. Với tinh thần tương thân tương ái, dang rộng vòng tay với những người lầm lỗi để họ có việc làm, tránh “nhàn cư vi bất thiện”, nhiều công nhân trước đây nghiện ma túy đã tình nguyện gắn bó với doanh nghiệp. Anh Lâm cho biết, tại công ty anh mọi công nhân đều bình đẳng, không có sự kỳ thị và nhiều người nghiện, những người mãn hạn tù, tuy có quá khứ lỗi lầm nhưng đã cống hiến trí tuệ, sức lực cho hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Anh tâm sự: Bản thân anh từ nghèo khó đi lên, và làm điều thiện xuất phát từ cái tâm, cái đức là truyền thống của mọi người trong gia đình.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại cuộc gặp mặt, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân biểu dương sáng kiến của Báo Nhân Dân và Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức cuộc gặp mặt điển hình “Chung tay giảm cầu ma túy – HIV/AIDS trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên” để mọi người thấy được tác hại của ma túy, cách phòng, chống; đồng thời đánh giá cao thành tích các điển hình, tinh thần trách nhiệm của các lực lượng công an, giáo viên, cán bộ trung tâm và những bác sĩ, nhà hảo tâm dành tâm huyết chữa trị cho người nghiện để họ sớm trở về với xã hội. Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay tính bình quân trên cả nước, cứ 540 người dân có một người nghiện ma túy. Do đó Đảng, Nhà nước và toàn dân cùng nỗ lực giảm tối đa sự gia tăng người nghiện, người nhiễm HIV/AIDS. Để triển khai hiệu quả công tác PCMT trong nhà trường, Phó Thủ tướng chỉ rõ, ngành giáo dục và đào tạo cần thực hiện “bốn biết”. Đó là phổ biến cho HSSV biết nguyên nhân dẫn đến nghiện hút, biết hoàn cảnh của từng học sinh mắc nghiện để có các biện pháp giúp đỡ kịp thời, biết hy sinh thầm lặng của những người đang hoạt động trên mặt trận PCMT như các chiến sĩ công an, cán bộ cai nghiện… và biết tình hình ma túy ở địa phương để chủ động tham gia phòng, chống. Mỗi cá nhân, nhất là mỗi thanh thiếu niên, HSSV cần quyết tâm thực hiện “bốn không”: Không thử, không sử dụng; không kiếm lời làm giàu bằng buôn bán ma túy; không làm ngơ để tệ nạn ma túy xảy ra trên địa bàn và không bỏ rơi, kỳ thị đối với người nghiện. Báo chí cần coi tuyên truyền về PCMT như một sứ mạng gìn giữ thế hệ tương lai. Ngành y tế cần không ngừng hoàn thiện quá trình cai nghiện, nghiên cứu các loại thuốc cai nghiện mới, đồng thời đánh giá hiệu quả của các loại thuốc cai nghiện đang được sử dụng. Phó Thủ tướng cũng đề nghị nên sớm có trang web về chủ đề này để các em HSSV có thể tìm hiểu tác hại của ma túy qua in-tơ-nét, trong đó cung cấp đầy đủ các thông tin về ma túy, ảnh hưởng nguy hại đối với sức khỏe và gia đình, xã hội khi mắc nghiện, đối thoại trực tiếp với những người đã cai nghiện thành công. Để kiểm soát tốt hơn tình trạng mắc nghiện ma túy trong thanh, thiếu niên, Phó Thủ tướng chỉ đạo cần có sự phối hợp chặt chẽ của sáu bên là ngành thông tin truyền thông, ngành giáo dục, ngành công an, ngành y tế, các đoàn thể và các chính quyền địa phương.
Phát biểu ý kiến bế mạc cuộc gặp mặt, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Quý nhấn mạnh: Trong những năm qua, với việc xác định công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, HIV/AIDS trong cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên là công tác trọng tâm và thường xuyên; Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ Bộ Công an, các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo, các nhà trường triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết tâm kiềm chế, đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi trường học. Tệ nạn ma túy trong trường học cơ bản đã được kiềm chế, đẩy lùi. Tình trạng HSSV nghiện ma túy đã giảm rõ rệt. Phần lớn các nhà trường đã đạt được và giữ vững tiêu chí “Trường học không có ma túy” nhiều năm liền. Thứ trưởng khẳng định, rất xúc động và cảm phục trước việc làm của các điển hình tham dự cuộc gặp mặt. Họ là những con người bình thường với nghề nghiệp, hoàn cảnh xuất thân khác nhau như công an, giáo viên, doanh nghiệp, nhà sư, linh mục… trong đó có cả những người trước đây từng mắc nghiện ma túy hay đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Bằng tấm lòng nhân hậu, tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc; bằng nghị lực phi thường và quyết tâm vươn lên sau khi vấp ngã, các tấm gương điển hình đã có những hành động đáng khâm phục và trân trọng. Những việc làm của họ không chỉ đơn thuần là nhiệm vụ, công việc mà còn xuất phát từ cái tâm và tinh thần trách nhiệm cao với xã hội. Cuộc gặp mặt điển hình cũng cho thấy, công tác xây dựng, phát hiện và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến cần được quan tâm, chú trọng tuyên truyền sâu rộng hơn. Hy vọng, sau cuộc gặp mặt có ý nghĩa này, các điển hình sẽ có thêm nhiều thành tích xuất sắc và sẽ xuất hiện thêm nhiều nhân tố mới, tích cực góp phần đẩy lùi tệ nạn ma túy và HIV/AIDS.
Theo Nhandan
Ý kiến ()