Quyền tiếp cận thông tin được luật hóa
Chiều 11-11, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật tiếp cận thông tin, nhằm cụ thể hóa quyền tiếp cận thông tin của công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013
Tờ trình về dự án Luật tiếp cận thông tin do Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày cho thấy, quyền tiếp cận thông tin là một trong các quyền cơ bản của con người, của công dân thuộc nhóm quyền dân sự – chính trị đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên.
Ở nước ta, Hiến pháp năm 1992 lần đầu tiên xác định quyền được thông tin là quyền cơ bản của công dân. Cụ thể hóa Hiến pháp, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thực hiện và bảo đảm thực hiện quyền được thông tin của công dân trong một số lĩnh vực.
Hiến pháp năm 2013 kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1992 về quyền được thông tin của công dân và sửa đổi thành quyền tiếp cận thông tin của công dân (Điều 25).
Đồng thời, Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên quy định các nguyên tắc thực hiện quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tiếp cận thông tin; khẳng định trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân (Điều 3), quy định nguyên tắc quyền con người, quyền công dân “chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Điều 14).
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa xác định rõ quyền tiếp cận thông tin và nội hàm của quyền tiếp cận thông tin; quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tiếp cận thông tin; chưa thể hiện rõ tinh thần của Hiến pháp về trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân, cũng như các nguyên tắc, điều kiện hạn chế thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Thậm chí, một số văn bản dưới luật quy định hạn chế quyền tiếp cận thông tin không thuộc một trong các trường hợp được hạn chế theo quy định của Hiến pháp năm 2013.
Bộ trưởng Tư pháp cho biết, trên thế giới, đến nay đã có khoảng 100 nước ban hành đạo luật riêng quy định về quyền tiếp cận thông tin của công dân. Nước đầu tiên ban hành luật là Thụy Điển (năm 1766), đa số các nước còn lại ban hành luật vào những năm 90 trở lại đây. Ở châu Á, một số nước đã ban hành luật về tiếp cận thông tin như Thái Lan (năm 1997), Hàn Quốc (năm 1996 và sửa đổi năm 2004, năm 2008), Nhật Bản (năm 2001), Ấn Độ (năm 2005), Trung Quốc (năm 2007), Indonesia (2008)…
Đồng thời, Bộ trưởng khẳng định, việc xây dựng và ban hành Luật tiếp cận thông tin là rất cần thiết. Luật tiếp cận thông tin được Ủy ban thường vụ Quốc hội xác định là một trong những dự án luật được ưu tiên ban hành trong nhóm các dự án luật liên quan đến bảo đảm quyền con người, quyền công dân nhằm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.
Trong báo cáo thẩm tra dự án Luật tiếp cận thông tin, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cũng tán thành với sự cần thiết ban hành Luật tiếp cận thông tin nhằm cụ thể hóa và bảo đảm thực hiện quy định của Hiến pháp về quyền tiếp cận thông tin của công dân, tương thích với Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà nước ta là thành viên.
Dự thảo Luật tiếp cận thông tin có sáu chương, 34 điều, dự kiến lần đầu tiên được Quốc hội thảo luận ở tổ vào ngày 14-11 và thảo luận ở hội trường ngày 27-11 tới.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()