Quyền nhân thân trong Bộ luật Dân sự
Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2014 của TAND tối cao, năm 2014, TAND các cấp thụ lý 320.912 vụ việc, so với năm 2013 tăng 19.000 vụ việc. Xu hướng các vụ việc dân sự mà TAND các cấp thụ lý để giải quyết xét xử tăng hằng năm là phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong các năm vừa qua.
Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2014 của TAND tối cao, năm 2014, TAND các cấp thụ lý 320.912 vụ việc, so với năm 2013 tăng 19.000 vụ việc. Xu hướng các vụ việc dân sự mà TAND các cấp thụ lý để giải quyết xét xử tăng hằng năm là phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội của nước ta trong các năm vừa qua.
Bộ luật Dân sự (BLDS) hiện hành đã nêu khái niệm về quyền nhân thân: “Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” (Ðiều 24 BLDS năm 2005). Ðồng thời, BLDS năm 2005 đã quy định về quyền nhân thân tại các Ðiều luật, cụ thể là từ Ðiều 26 đến Ðiều 51, bao gồm các quyền nhân thân: quyền đối với họ, tên; quyền thay đổi họ, tên; quyền xác định dân tộc; quyền được khai sinh; quyền được khai tử; quyền của cá nhân đối với hình ảnh; quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể; quyền hiến bộ phận cơ thể; quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết; quyền nhận bộ phận cơ thể của người; quyền xác định lại giới tính; quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín; quyền bí mật đời tư; quyền kết hôn;… Các quy định này về quyền nhân thân của BLDS năm 2005 là cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 1992 về quyền con người, quyền công dân.
Sau khi nghiên cứu Dự thảo BLDS (sửa đổi), thấy rằng Dự thảo đã kế thừa toàn bộ các nội dung về quyền nhân thân của BLDS năm 2005 và bổ sung những quyền mới như quyền lập hội, quyền học tập, quyền tiếp cận thông tin, quyền sống, quyền được bảo đảm an sinh xã hội… mà Hiến pháp năm 2013 có quy định hoặc các điều ước quốc tế quy định mà Việt Nam là thành viên. Với quy định về quyền nhân thân trong Dự thảo BLDS (sửa đổi) là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước trong giai đoạn tới và phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế của nước ta. Bởi vì:
Một là, Hiến pháp năm 2013 đã thể chế hóa đường lối đổi mới của Ðảng ta trong giai đoạn cách mạng tiếp theo nhằm đưa đất nước tiếp tục phát triển trên tất cả các lĩnh vực, do đó BLDS (sửa đổi) cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền nhân thân là thể chế hóa các quan điểm của Ðảng về quyền con người, quyền công dân… Ðồng thời, Dự thảo BLDS (sửa đổi) quy định đầy đủ các quyền nhân thân mà Hiến pháp năm 2013 và các Ðiều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đã quy định là thể hiện đầy đủ bản chất Nhà nước CHXHCN Việt Nam, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; cũng phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước ta hiện tại và tương lai trên các lĩnh vực kinhtế, văn hóa, xã hội,…
Hai là, Hiến pháp là đạo luật gốc, các luật phải căn cứ vào Hiến pháp để cụ thể hóa, do vậy các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền nhân thân là nguyên tắc Hiến định, các quy định về quyền nhân thân trong BLDS không những phải cụ thể hóa đầy đủ các quy định đó, mà còn không được trái với Hiến pháp năm 2013. Ðồng thời, quy định đầy đủ các quyền nhân thân trong BLDS còn là căn cứ pháp lý cho các luật khác, hoặc văn bản dưới luật nhằm bảo vệ, hiện thực hóa các quyền nhân thân của cá nhân. Trong đó, đặc biệt quan trọng đối với Bộ luật Tố tụng Dân sự, cũng phải sửa đổi bổ sung, nhằm bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân, theo hướng trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của cá nhân thuộc về cơ quan nhà nước, trong đó có TAND; quy định rõ ràng, minh bạch quyền, nghĩa vụ của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền, nghĩa vụ của các đương sự và nhữ ng người tham gia tố tụng khác trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ, việc dân sự. Ðối với các luật hoặc văn bản dưới luật liên quan đến các giao dịch dân sự, cũng phải có những quy định nhằm bảo vệ quyền nhân thân hợp lý của cá nhân. Theo đó, phải quy định rõ ràng các quyền, nghĩa vụ của các chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch dân sự, thực hiện hợp đồng dân sự.
Ba là, việc quy định đầy đủ, chi tiết các quyền nhân thân trong BLDS sẽ là điều kiện thuận lợi cho các cơ quan nhà nước, trong đó có TAND các cấp áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ, việc dân sự. Thực tiễn giải quyết, xét xử các vụ, việc dân sự của TAND các cấp trong mấy năm vừa qua cho thấy số lượng các vụ việc dân sự mà Tòa án các cấp thụ lý các năm đều có xu hướng tăng. Bởi vì, kinh tế – xã hội phát triển tạo điều kiện cho các giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự phát triển kéo theo các tranh chấp cũng phát sinh theo. Do vậy, số lượng các vụ việc dân sự mà các đương sự yêu cầu Tòa án nhân dân các cấp giải quyết tăng hằng năm. Như vậy, quy định đầy đủ, chi tiết các quyền nhân thân trong BLDS, bao hàm ý nghĩa thực tiễn quan trọng, đó là nhằm bảo đảm TAND các cấp áp dụng pháp luật thống nhất, nâng cao chất lượng giải quyết xét xử các vụ việc dân sự.
Bốn là, quy định đầy đủ, chi tiết các quyền nhân thân như trong Dự thảo BLDS (sửa đổi) còn nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các cá nhân chủ động yêu cầu các cơ quan nhà nước, trong đó có TAND các cấp bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng hợp pháp của họ, khi mà quyền nhân thân bị xâm hại. Kiến thức, sự hiểu biết pháp luật của người dân chưa đồng đều, còn nhiều hạn chế cho nên các quy định của pháp luật nói chung, quy định về quyền nhân thân nói riêng còn nhiều hạn chế, do vậy các quy định này càng cụ thể, chi tiết, đầy đủ thì càng thuận lợi cho người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, tiếp cận công lý. Chính vì vậy, khi mà các quyền nhân thân được Nhà nước bảo đảm, với cách thể hiện đầy đủ các quyền đó còn có ý nghĩa nhằm củng cố niềm tin của nhân dân đối với pháp luật, đối với Ðảng, Nhà nước.
Năm là, các nội dung về quyền nhân thân của BLDS năm 1995 và BLDS năm 2005 đều ghi đầy đủ, chi tiết các quyền nhân thân do Hiến pháp năm 1992 quy định. Do vậy, Dự thảo BLDS (sửa đổi) nêu đầy đủ, cụ thể, chi tiết các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền nhân thân, là sự kế thừa truyền thống xây dựng Luật Dân sự của Việt Nam. Ðồng thời, thực tiễn giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự của TAND các cấp khi áp dụng pháp luật đối với các quy định về quyền nhân thân của BLDS năm 2005 cũ ng chưa thấy phát sinh những vướng mắc, bất cập đòi hỏi phải có những giải pháp tháo gỡ.
Với năm lý do nêu trên, thấy rằng Dự thảo BLDS (sửa đổi) đã cụ thể hóa đầy đủ, chi tiết các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền nhân thân, là hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của nước ta hiện nay và sắp tới; phù hợp với truyền thống xây dựng Luật Dân sự của Việt Nam và đáp ứng với yêu cầu thực tiễn giải quyết, xét xử các vụ, việc dân sự của TAND các cấp.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()