Quyền lao động được bảo hiểm, bảo hộ an toàn
Trong những năm qua, công tác an toàn vệ sinh lao động đã được các cơ quan chức năng, người sử dụng lao động ngày một quan tâm hơn, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đoàn viên, người lao động trong việc thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh lao động.
Kiểm tra an toàn vệ sinh lao động tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. |
Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2022, cả nước đã xảy ra 7.718 vụ tai nạn lao động, tăng 1.214 vụ (tương ứng với 18,66% so năm 2021), làm 7.923 người bị nạn, tăng 1.265 người (tương ứng 18,99% so năm 2021), bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Tuy nhiên, số người chết và số vụ tai nạn lao động chết người giảm đi so với năm 2021.
Đáng chú ý, tai nạn lao động trong khu vực không có quan hệ lao động có chiều hướng giảm cả về số vụ và số người chết và bị thương; trong đó số vụ có người chết giảm 13,14% (152 vụ, giảm 23 vụ), số người chết giảm 13,58% (159 người, giảm 25 người), số người bị thương nặng giảm 30,11% (181 người, giảm 78 người). Đây cũng là năm thứ tư liên tiếp tai nạn lao động chết người trong khu vực không có quan hệ lao động.
Giải quyết chế độ nhanh chóng, thuận lợi
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2022, cơ quan bảo hiểm xã hội đã giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đối với 2.652 người; giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần đối với 5.512 người. Số người giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng và một lần trong năm 2022 có xu hướng tăng so với năm 2021.
Như vậy, trong năm 2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải quyết mới cho 8.164 trường hợp người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, với tổng chi trả từ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong năm là gần 882 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự chênh lệch nêu trên là do tình hình dịch Covid-19 từ giữa năm 2022 đã được kiểm soát tốt trên toàn quốc, các doanh nghiệp đang dần phục hồi hoạt động trở lại và thích ứng với trạng thái bình thường mới. Đồng thời, tổng số tiền chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro, chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là hơn 1,4 tỷ đồng tăng 30% so với năm 2021 (tương ứng tăng khoảng 340 triệu đồng).
Theo Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Bùi Thị Kim Loan, với việc ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ của ngành, đã tạo thuận lợi rất lớn trong việc giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bảo đảm nhanh chóng, thuận lợi, chính xác.
Công tác chi trả các chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được thực hiện kịp thời, theo đúng quy định của pháp luật. Đa dạng hóa các hình thức chi trả, đẩy mạnh việc chi trả qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Công tác triển khai đã nhận được sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan báo chí, các bộ, ngành có liên quan, thực hiện lồng ghép linh hoạt với công tác tuyên truyền.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 vừa qua, việc chi trả qua tài khoản thẻ ATM đã giúp người hưởng hạn chế đi lại, tiếp xúc, bảo đảm được an toàn và giãn cách xã hội theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, cơ quan bảo hiểm xã hội tại các địa phương cũng luôn chủ động biên soạn tài liệu tuyên truyền, đồng thời triển khai thực hiện phổ biến thông tin phù hợp đến các doanh nghiệp có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống kinh tế-xã hội ở nước ta thời gian qua, ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP với 12 chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động.
Trong đó, có chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Việc triển khai chính sách này đến thời điểm ngày 30/6/2022 đã ghi nhận một số kết quả tích cực. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã điều chỉnh giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 389.800 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng khoảng 11,6 triệu người lao động, với số tiền là 4.164 tỷ đồng…
Nâng cao ý thức của chủ sử dụng, người lao động
Có thể thấy, mặc dù điều kiện làm việc của người lao động và tình hình sức khỏe công nhân ngày càng được nâng cao và cải thiện, nhưng nhận thức của một số người sử dụng lao động và người lao động về công tác an toàn vệ sinh lao động vẫn còn hạn chế.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, một trong những khó khăn, hạn chế của công tác triển khai thực hiện chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hiện nay là không có quy định ràng buộc trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc thanh tra, kiểm tra công tác điều tra, kết luận các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Hầu hết các trường hợp bất hợp lý được xem xét lại đều trên cơ sở ý kiến phản hồi từ cơ quan bảo hiểm xã hội, người lao động, hoặc cá nhân liên quan; đoàn điều tra tai nạn lao động không phải chịu bất kỳ một trách nhiệm pháp lý gì khi kết luận điều tra không đúng.
Phó Trưởng ban Bùi Thị Kim Loan cho rằng, “cần thiết phải xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ kèm theo các chế tài nghiêm khắc (như trách nhiệm bồi thường cho đơn vị, quỹ Bảo hiểm xã hội trong trường hợp kết luận không đúng…) để bảo đảm việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực này”.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động trong thực hiện chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tránh các hành vi vi phạm, lạm dụng nhằm trục lợi Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phối hợp và chia sẻ dữ liệu có liên quan về chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp giữa các cơ quan có thẩm quyền, đơn vị sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội, từ đó, tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết và kiểm tra, giám sát việc giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Nguồn: https://nhandan.vn/quyen-lao-dong-duoc-bao-hiem-bao-ho-an-toan-post749384.html
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()