Quyền giám sát của đại biểu Quốc hội có nên hạn chế ở địa phương?
Đây là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu tại Tọa đàm với báo chí về Dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) tổ chức, sáng 9/10, tại Hà Nội.
Giới thiệu tổng quan về Dự thảo Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến cho biết: Việc xây dựng, ban hành đạo luật chung về hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND với những sửa đổi, bổ sung cần thiết nhằm khắc phục sự tản mạn các quy định về giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) trong các văn bản pháp luật khác nhau, khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện giám sát; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp.
Về hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, Dự thảo Luật đã quy định rõ hơn hoạt động xem xét, trả lời chất vấn của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, bổ sung thêm đối tượng phải trả lời chất vấn là Tổng Kiểm toán Nhà nước, qua đó khẳng định rõ vai trò của đại biểu Quốc hội trong chất vấn và trách nhiệm của người trả lời chất vấn.
Về hoạt động giám sát của HĐND, Dự thảo Luật bổ sung thêm hoạt động xem xét việc trả lời chất vấn Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cùng cấp và giám sát chuyên đề.
Để bảo đảm hoạt động giám sát, Dự thảo Luật quy định các chủ thể giám sát có quyền tổ chức lấy ý kiến, trưng cầu giám định khi cần thiết theo quy định của pháp luật. Mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu cho các chủ thể giám sát và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu cung cấp.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm. (Ảnh: TH). |
Làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát
Góp ý vào Dự thảo Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng đánh giá: So với Luật trước đây, hoạt động giám sát đã bổ sung quy định chủ thể giám sát có quyền kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát nếu có vi phạm. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Mạnh Hùng, nhiều khi pháp luật quy định không rõ thẩm quyền, nên khó xử lý, ví dụ: Liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, thời gian qua, báo chí phản ánh một thực phẩm có đến 5 Bộ quản lý, vì vậy, cần rà soát, xem xét lại các Luật có quy định liên quan đến thẩm quyền, để làm rõ hơn.
Dự thảo cũng quy định, nguyên tắc hoạt động giám sát phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Mạnh Hùng, trong nhiều nội dung giám sát không dễ. Thực tế cho thấy, pháp luật hiện nay tồn tại luật khung, luật ống, sửa đổi, bổ sung nhiều, chung chung, không rõ.
Dẫn chứng báo cáo của Ủy ban về các vấn đề xã hội vừa giám sát về người cao tuổi, liên quan đến quy định hộ tịch, hộ khẩu, trong trường hợp không có thông tin về ngày tháng sinh, được tính từ ngày 1/1. Do đó, một số UBND tỉnh ban hành quy định tính từ ngày 1/1 của năm sau liền kề, ông Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, chính vì quy định chung chung, không rõ đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. “Để tổ chức thực hiện phải rà soát lại cho đồng bộ” – ông Đỗ Mạnh Hùng nói.
Đoàn ĐBQH và ĐBQH có quyền giám sát ở địa phương khác nơi mình ứng cử không?
Thực tế cho thấy, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đóng vai trò quan trọng trong phối hợp, đưa thông tin, giúp cử tri thực hiện quyền được thông tin và tham gia các vấn đề trong giám sát của Quốc hội. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng đặt câu hỏi: Đoàn ĐBQH và ĐBQH có giám sát ở địa phương khác nơi mình ứng cử không?.
Ông chỉ ra, Dự thảo chỉ ghi ở địa phương chứ không nói rõ ở địa phương nào? “Nếu không quy định rõ sợ hiểu là “lấn sân, vượt rào”..
Đồng quan điểm, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: Thời gian qua, thẩm quyền giám sát ở địa phương thì Đoàn ĐBQH nào làm tại địa phương đó luôn. Dẫn chứng là một số tỉnh có sai phạm nghiêm trọng, nhưng chờ mãi không thấy Đoàn ĐBQH tỉnh có ý kiến gì?. ĐB TrươngTrọng Nghĩa đề xuất, ĐBQH có quyền chất vấn bất kỳ lãnh đạo chính quyền địa phương trong toàn quốc, nhằm bảo đảm tính khách quan. Tuy nhiên, để tránh chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ, nên quy định cơ chế tham vấn ĐBQH địa phương đó trước khi tiến hành chất vấn.
Về tham gia giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân, ĐB Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh, cần quy định quyền của báo chí, nhân dân, cử tri được quyền tham gia giám sát, không bị cản trở, trù dập.
ĐBQH Bùi Thị An (Hà Nội) kiến nghị: Nên chăng bổ sung quy định về “hậu giám sát”. Ví dụ: Sau 7 tháng, UBND tỉnh phải thực hiện kết luận, thì sau 7 tháng, ai giám sát?.
Tại Tọa đàm, nhiều ý kiến báo chí cho rằng, để giám sát đạt hiệu quả cao, việc quy định cụ thể trách nhiệm của chủ thể giám sát và chịu sự giám sát, với chế tài chặt chẽ có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, việc giám sát hiện nay vẫn còn có khoảng cách với yêu cầu cử tri và phát triển của đất nước./.
Dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân gồm 5 chương, 92 điều quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám sát. |
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()