Quỹ Vaccine và những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc
Xuyên suốt hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, tư tưởng trọng dân, coi dân là gốc được các bậc tiền nhân vận dụng nhuần nhuyễn để thống nhất ý chí và tập hợp sức mạnh toàn dân, đặc biệt là mỗi khi đất nước lâm nguy, gặp khó khăn.
Sử sách ghi rằng, Hội nghị Diên Hồng diễn ra vào tháng Chạp năm Giáp Thân (1284), do Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu họp các bậc phụ lão (đại diện cho nhân dân) trong cả nước để trưng cầu dân ý, hỏi về chủ trương hòa hay chiến khi quân Nguyên Mông lần thứ 2 dã tâm xâm lược nước ta.
Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Thượng hoàng triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến tiệc và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão đồng thanh nói “đánh”, muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng”.
Có được lòng dân thống nhất một ý chí thông qua Hội nghị Diên Hồng, nhà Trần đã tự tin vạch ra được những quyết sách chống xâm lăng, tập hợp được sức mạnh toàn dân tộc bảo vệ Tổ quốc. Thắng lợi vĩ đại của cuộc chiến tranh vệ quốc chống quân Nguyên Mông diễn ra vào năm 1285 gắn chặt với thành công của Hội nghị Diên Hồng, trở thành biểu tượng cho niềm tin vào sức mạnh và trí tuệ của toàn dân.
Kế thừa và phát huy các giá trị tinh thần, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu chủ nghĩa Marx-Lenin, Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời luôn nhận thức, đánh giá đúng đắn và đề cao vai trò, vị trí, sức mạnh của Nhân dân. Sinh ra từ Nhân dân, sống và hoạt động cách mạng trong lòng dân, Hồ Chí Minh luôn khẳng định “dân là gốc”.
Người thường nhắc lại câu nói của nhân dân Quảng Bình: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Nói về lòng dân, Hồ Chí Minh đúc kết: “Ta được lòng dân thì ta không sợ gì cả. Nếu không được lòng dân thì ta không thể làm tốt công tác”, “được lòng dân, thì việc gì cũng làm được. Trái ý dân, thì chạy ngược chạy xuôi”.
Năm 1945, trước những khó khăn chồng chất của tình thế cách mạng ngàn cân treo sợi tóc, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào ta trên mọi miền đất nước đã nhiệt tình ủng hộ “Tuần lễ Vàng”, với tinh thần “Người có ít góp ít, người có nhiều góp nhiều”, tạo nên “Quỹ Độc Lập”, góp phần thiết thực đưa công cuộc kháng chiến, kiến quốc đến thành công.
Quá trình vận động nhân dân cả nước tham gia “Tuần lễ Vàng” và xây dựng “Quỹ Độc Lập” ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một bài học thực tiễn sinh động về việc huy động sức dân, khơi dậy lòng yêu nước và phát huy trách nhiệm của mọi công dân trước sự tồn vong của đất nước, của dân tộc.
Điều này càng khẳng định tính đúng đắn của tư tưởng “dân là gốc”, đồng thời cũng một lần nữa chứng minh truyền thống đoàn kết, đồng lòng vượt mọi khó khăn đã hun đúc trong mỗi người con đất Việt, được gìn giữ, kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác, dù ở bất cứ đâu.
Sự kết hợp chủ nghĩa Marx-Lenin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước dẫn tới sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930. Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã mang trong mình yếu tố dân tộc, bám rễ sâu trong lòng dân tộc. Trong suốt quá trình cách mạng, từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định vai trò là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, luôn phấn đấu vì mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Chính vì vậy, khi nói “ý Đảng” chính là đề cập tới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta, và sự lãnh đạo đó xuất phát từ chính lợi ích của Nhân dân và lợi ích của quốc gia, dân tộc. Sự lãnh đạo đó xuất phát từ chính “lòng dân”.
Thực tiễn cũng đã chứng minh, khi phát huy được ý chí và sức mạnh của toàn dân tộc cũng chính là khi “ý Đảng” và “lòng dân” thống nhất, hòa quyện với nhau thành một. Khi đó, “ý Đảng” và “lòng dân” sẽ cùng nhau làm nên những kỳ tích, viết lên những trang sử vẻ vang trong lịch sử nước nhà.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng trên toàn cầu, tác động sâu sắc toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội của các quốc gia. Ngày 30-3-2020, với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của nhân dân là trên hết, lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh, người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta đã ra Lời kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.
Hưởng ứng lời kêu gọi đó, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; cả hệ thống chính trị tham gia tích cực, quyết liệt, đồng bộ, được nhân dân đồng lòng ủng hộ, mỗi người dân đã thật sự trở thành một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh; đất nước ta đã từng bước kiểm soát có hiệu quả đại dịch Covid-19. Trải qua ba đợt dịch, Việt Nam trở thành điểm sáng về phòng, chống dịch trên bản đồ thế giới, là quốc gia hiếm hoi duy trì được mức tăng trưởng dương. Trong bối cảnh dịch bệnh, điều này càng thể hiện rõ “ý Đảng” chính là sự cụ thể hóa đường lối lãnh đạo từ “lòng dân”.
Thành quả đó là một trong những minh chứng rõ nét nhất thể hiện “ý Đảng, lòng dân” không chỉ đơn thuần là những cụm từ “xuất hiện” trong nghị quyết, và không hề là những câu khẩu hiệu được hô hào sáo rỗng. Thành quả đó chính là một trong những minh chứng thể hiện sự thống nhất “ý Đảng, lòng dân” là khi cả dân tộc ta quyết tâm, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, cùng nhau lập nên những kỳ tích đáng tự hào.
“Là lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, chúng tôi thật sự cảm động và trân trọng sự sẻ chia, đồng hành của toàn dân và toàn xã hội; đây là động lực tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.
Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sức mạnh đoàn kết, đồng lòng, chung sức của toàn thể nhân dân, nước ta vừa cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, vừa thực hiện được các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, được nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh có diễn biến mới, kế thừa và phát huy kết quả của những đợt phòng, chống dịch Covid-19 trước đó, ngay khi xuất hiện nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ tư, người đứng đầu Chính phủ đã xác định rõ, vấn đề cấp bách nhất hiện nay là ngăn chặn, đẩy lùi và giải quyết cơ bản đại dịch Covid-19. Đặc biệt, với những biến chủng virus mới có tốc độ lây lan nhanh, đòi hỏi phải có những giải pháp chống dịch theo phương châm mới “5K Vaccine” và ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi, nghiêm ngặt để tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”.
Để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, Đảng và Nhà nước xác định phải sớm phổ cập tiêm vaccine miễn phí cho nhân dân nhằm đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng và việc này cần duy trì hằng năm. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII đó là: “Tập trung kiểm soát đại dịch Covid-19, tiêm chủng đại trà vaccine Covid-19 cho cộng đồng…”, xác định vaccine chính là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định và có tính chiến lược để ngăn chặn, đẩy lùi và giải quyết cơ bản đại dịch Covid-19, từ đó sớm đưa nền kinh tế phục hồi, trở lại tăng trưởng.
Để chủ động thực hiện chiến lược vaccine một cách hiệu quả, bên cạnh việc huy động mọi nguồn lực, mọi khả năng, tiếp cận dưới mọi hình thức, bằng mọi cách để mua được vaccine nhiều nhất, nhanh nhất thì cần đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và phải sản xuất được vaccine trong nước. Cùng với đó, cần phải tiến hành bảo quản, tiêm vaccine nhanh nhất, an toàn nhất, hiệu quả nhất cho người dân.
Trong bối cảnh việc tiếp cận nguồn vaccine trên thế giới không dễ dàng, ngân sách còn khó khăn, việc tiêm vaccine toàn dân phải tiến hành định kỳ lâu dài, chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc thành lập Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19 nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội để chủ động thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch, sớm mang lại sự an toàn cho người dân. Đây cũng chính là sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt bài học huy động sức dân trong bối cảnh hiện tại, nhằm khơi dậy lòng yêu nước và trách nhiệm của mọi công dân trước những khó khăn của đất nước, của dân tộc.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Nhà nước, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm nghìn tổ chức, cá nhân đã tham gia đóng góp với tổng giá trị hàng nghìn tỷ đồng vào Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19 Việt Nam. Thật xúc động khi được biết trong những đóng góp đó có những em bé dành tiền ăn sáng, các cụ già dành tiền lương hưu, tiền tiết kiệm, những phụ nữ tiết kiệm chi tiêu, những công chức, viên chức, công nhân, người lao động tiết kiệm một ngày lương để ủng hộ Quỹ, kiều bào ta ở nước ngoài trực tiếp hoặc nhờ người thân đóng góp Quỹ với tinh thần “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”.
Điều này một lần nữa lại thể hiện sự đoàn kết, gắn bó và sẻ chia, là truyền thống và là cội nguồn sức mạnh to lớn của dân tộc ta, càng tỏa sáng mỗi khi đất nước chúng ta gặp khó khăn như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh…
Giá trị mới cho chiến lược ứng phó Covid-19
“Việc huy động các nguồn lực để nâng cao khả năng tiếp cận vaccine Covid-19 của Chính phủ Việt Nam rất kịp thời, phù hợp với sáng kiến vaccine toàn cầu.
Việc Chính phủ quản lý và sử dụng công bằng, hiệu quả nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp tư nhân sẽ mang lại giá trị mới cho chiến lược ứng phó với Covid-19.
Chính sự đoàn kết này sẽ giúp Việt Nam chấm dứt đại dịch. Hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục là một thí dụ cho cách tiếp cận toàn dân trong việc kết thúc đại dịch.”
Ý kiến ()