Quy trình lập pháp đặc biệt trong hoàn cảnh đặc biệt để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh
Ngày 6/8, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 86/2021/NQ-CP về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống COVID-19, trong đó áp dụng một số nội dung khác với quy định của luật. Đây là việc cụ thể hóa Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội về quyết nghị cho Chính phủ có cơ chế đặc thù, quyết sách kịp thời trong phòng chống dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay.
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 30/2021/QH15. Ảnh: VGP/Lê Sơn. |
Trên tinh thần thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã sớm xây dựng và ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ ngày 6/8 đã cụ thể một số nội dung trong dự thảo khác với quy định của luật hiện hành. Đây là việc thực hiện quy trình lập pháp đặc biệt trong hoàn cảnh đặc biệt “chống dịch như chống giặc” của Chính phủ, được sự thống nhất của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nghị quyết số 30/2021/QH15 được các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân đánh giá cao, xuất phát từ thực tiễn phức tạp của dịch bệnh, thể hiện trách nhiệm cao của Quốc hội, của từng đại biểu Quốc hội. Trong đó quan trọng nhất là việc cụ thể hóa những định hướng mang tính cấp bách để triển khai trong thực tế chưa được quy định trong các luật hiện hành.
Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt nhằm cụ thể hóa các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có cơ sở ban hành Nghị quyết 86 có tầm quan trọng đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường tại TP. Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh thành phía Nam.
Đề cập đến vấn đề này tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã giải trình tính pháp lý, đồng thời nêu rõ “3 chìa khóa” kiểm soát việc thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đưa vào Nghị quyết kỳ họp của Quốc hội.
Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hiến định và luật định, được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, đã thực hiện một số giải pháp cấp bách, cần thiết để phòng, chống dịch và đã đạt kết quả tốt, được thế giới và nhân dân trong nước đánh giá cao.
Thành công này có được do 3 yếu tố: Dịch bệnh xuất hiện ở quy mô nhỏ, virus SARS-COV-2 giai đoạn đầu lây lan chậm hơn; chúng ta có hệ thống chính trị vững mạnh, tổ chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương dưới sự lãnh đạo của Đảng; nhân dân đồng thuận, chia sẻ, ủng hộ và tuyệt đối tuân thủ các chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước trong công cuộc phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh phức tạp, mức độ lây lan nhanh, số người mắc COVID-19 và số ca tử vong tăng… Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng cần có thay đổi nhất định để ứng phó với tình hình. Chính vì thế, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua một nội dung để đưa vào Nghị quyết chung kỳ họp thứ nhất của Quốc hội. “Đây là giải pháp chưa từng có tiền lệ”, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết.
Qua rà soát, các biện pháp, quy định phòng, chống dịch bệnh nói chung đã có trong hệ thống pháp luật hiện hành, như Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm hoặc Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp và một số quy định khác có liên quan trong lĩnh vực an ninh trật tự, phòng chống thảm họa, thiên tai… Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng cần hành vi pháp lý ở mức cao hơn, tiếp tục cho phép áp dụng các biện pháp này như trong trường hợp đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết có “3 chìa khóa” để kiểm soát việc thực hiện Nghị quyết và việc Quốc hội giao, ủy quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện liên quan đến nội dung này.
Thứ nhất, trong phạm vi hẹp, Nghị quyết chỉ áp dụng trực tiếp trong phòng, chống dịch COVID-19, trong đó bao gồm một số biện pháp hành chính, kiểm soát dịch bệnh, vấn đề liên quan đến mua và sản xuất vaccine phòng COVID-19, an sinh xã hội, một số vấn đề về tài chính-ngân sách và mua bán trang thiết bị, vật tư y tế. Thứ hai, Nghị quyết chỉ áp dụng trong một thời gian ngắn nhất định, dự kiến chỉ đến ngày 31/12/2022. Thứ ba, có cơ chế giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội và nhân dân.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Nguyên. Ảnh: VGP/Lê Sơn. |
Trả lời Báo Điện tử Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Nguyên cho rằng thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội, Chính phủ đã sớm ban hành Nghị quyết 86 với việc đưa ra các giải pháp tổng thể nhằm thực hiện 3 nhiệm vụ lớn: Phòng chống đại dịch COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì và phát triển kinh tế. Muốn thực hiện 3 nhiệm vụ có tính chiến lược này thì việc trao cho Chính phủ một số cơ chế đặc thù, khác với một số quy định của luật như: Luật Đấu thầu, Luật Dược, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật… là điều cần thiết để Chính phủ linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành bộ máy để cấp bách ứng phó với đại dịch hiện nay.
Theo các chuyên gia, những biện pháp khác luật này cho phép Chính phủ đáp ứng kịp thời tình hình phòng, chống dịch bệnh, linh hoạt áp dụng các hình thức văn bản thuộc thẩm quyền (Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…) cũng như các hình thức văn bản khác như Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ.
Thực tiễn thời gian qua trong công tác phòng chống dịch bệnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND các cấp đã áp dụng linh hoạt các quy định của pháp luật để tổ chức thực hiện hiệu quả phòng chống đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã phát sinh các tình huống khó khăn, vướng mắc, bất cập cần giải quyết vì đại dịch COVID-19 chưa từng có trong tiền lệ nên cũng cần có các giải pháp chưa có tiền lệ để giải quyết.
Về luật pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội trong thời gian Quốc hội chưa họp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần được trao quyền chủ động hơn, mạnh mẽ hơn trong việc quyết định kịp thời các biện pháp cần thiết, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng chống dịch bệnh. Chính phủ cần được áp dụng những biện pháp chống dịch bệnh trong điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp và các giải pháp chưa có luật hình hành quy định trong những trường hợp cần thiết để sớm ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, đưa đất nước và cuộc sống của nhân về trạng thái “bình thường mới”.
Ý kiến ()