Quy mô sản xuất nông nghiệp được cơ cấu lại phù hợp hơn với thực tiễn
Sản xuất nông nghiệp được tổ chức lại, ưu tiên phát triển những hình thức và quy mô sản xuất có năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị hàng hóa cao.
Tổng cục Thống kê vừa công bố ấn phẩm Kết quả chủ yếu Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020.
Theo ấn phẩm, trong những năm 2016-2020, mặc dù, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh nhưng hình thức sản xuất và quy mô sản xuất được cơ cấu lại phù hợp hơn với thực tiễn và yêu cầu phát triển.
Theo kết quả điều tra hợp tác xã và doanh nghiệp 31/12/2019; điều tra hộ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 01/7/2020, cả nước có 9.123.018 đơn vị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 1,82% so với năm 2016; trong đó, 9.108.129 hộ sản xuất, giảm 1,86%; 7.418 hợp tác xã, tăng 6,80%; 7.471 doanh nghiệp, tăng 94,25%.
Sự biến động số đơn vị sản xuất theo xu hướng tăng giảm khác nhau có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan; trong đó, có việc tổ chức lại sản xuất, ưu tiên phát triển những hình thức và quy mô sản xuất có năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị hàng hóa cao.
Mặt khác, cũng do trong 5 năm (2016-2020) có 218 xã chuyển thành phường, thị trấn, theo đó, dịch chuyển số đơn vị sản xuất, nhất là số hộ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản khỏi khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, dù cả ba hình thức tổ chức sản xuất có quy mô tương đối lớn và phát triển khá nhanh trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (hộ, hợp tác xã và doanh nghiệp) nhưng số đơn vị không nhiều, quy mô sản xuất cũng rất khiêm tốn.
Ấn phẩm cũng chỉ ra trang trại là mô hình tiên tiến của kinh tế hộ, nhưng năm 2020 có 20.611 trang trại, chỉ chiếm 0,23% tổng số hộ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Mặc dù theo quy định mới, tiêu chí kinh tế trang trại đã được nâng lên, nhưng trong năm 2020, bình quân 1 trang trại sử dụng có 5,96ha đất và 4,43 lao động thường xuyên; trong đó, 2,19 lao động thuê ngoài và 2,24 lao động là thành viên của gia đình.
Đáng chú ý là, số hợp tác xã và số doanh nghiệp tăng nhanh trong những năm 2016-2020, nhưng chủ yếu là các cơ sở nhỏ nên quy mô sản xuất bình quân càng nhỏ hơn.
Số lao động bình quân 1 hợp tác xã nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2019 là 10,47 lao động, bằng 80,54% năm 2015; trong đó, số hợp tác xã sử dụng dưới 10 lao động chiếm 66,84% tổng số hợp tác xã, tăng 13,09 điểm phần trăm so với năm 2016; số hợp tác xã quy mô lớn, sử dụng từ 50 lao động trở lên chỉ chiếm 1,28%, giảm 0,46 điểm phần trăm.
Tương tự, số lao động bình quân một doanh nghiệp là 33,36 người, bằng 48,35% năm 2016; trong đó, số doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động chiếm 67,23% tổng số doanh nghiệp, tăng 18,12 điểm phần trăm; số doanh nghiệp sử dụng từ 100 lao động trở lên chiếm 4,44%, giảm 4,34 điểm phần trăm.
Phần lớn các đơn vị sản xuất có quy mô nhỏ, đầu tư thấp nên hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao. Giá trị sản phẩm bán ra theo giá hiện hành trong 12 tháng trước thời điểm điều tra 01/7/2020 bình quân 1 trang trại chỉ đạt 5,63 tỷ đồng; trong đó trang trại trồng trọt 1,83 tỷ đồng; trang trại chăn nuôi 7,55 tỷ đồng; trang trại thủy sản 5,92 tỷ đồng./.
Ý kiến ()