Quý I-2021, giá bất động sản nhiều biến động
Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, quý I-2021, lượng giao dịch bất động sản chỉ bằng khoảng 70% so với quý IV-2020, song giá bất động sản có nhiều biến động. Đặc biệt, giá bất động sản đất nền có hiện tượng tăng nóng, cục bộ ở một số địa phương trên cả nước, trong đó có Hà Nội. Trước hiện tượng “sốt đất” đang diễn ra tại nhiều địa phương, theo các chuyên gia, cần hiểu đúng về diễn biến tăng giá đất…
Cần hiểu đúng về tăng giá đất
Thông tin từ Công ty TNHH Savills Việt Nam (thuộc Tập đoàn Tư vấn bất động sản quốc tế Savills) cũng cho thấy, thị trường bất động sản Hà Nội quý I-2021 ghi nhận nhu cầu tăng lên ở các phân khúc: Biệt thự, nhà liền kề, đất thổ cư, các loại đất đấu giá, đất dịch vụ.
Trong đó, nguồn cung biệt thự, nhà liền kề đạt 492 căn, tăng 396% theo quý và 39% theo năm; tỷ lệ hấp thụ đạt 42%, tăng 14% theo quý, 26% theo năm… Các địa phương khác cũng xuất hiện nhiều hiện tượng mua bán đất nền, và cũng có rất nhiều cảnh báo được đưa ra liên quan đến tính chất pháp lý cho vấn đề này.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng “sốt đất” ở một số địa phương, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chỉ ra 5 nguyên nhân chính. Trong đó, đáng lưu ý là việc lập quy hoạch, công bố quy hoạch chưa được công khai, minh bạch dẫn đến việc các nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản lợi dụng việc để đẩy giá đất lên cao. Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, trong khi lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng ở mức thấp, nên dòng tiền được đẩy sang bất động sản. Nguồn cung nhà ở, bất động sản bị hạn chế…
Hiểu thế nào cho đúng về “sốt đất”, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, bộ phận nghiên cứu và tư vấn, Savills Hà Nội cho biết, quy hoạch hoặc cơ sở hạ tầng hoàn thiện là cơ sở để giá đất tăng. Nhưng dựa trên thông tin chung thì không thể là nguyên nhân thật sự dẫn đến hiện tượng tăng giá đất. Sự tăng giá này chủ yếu là đầu cơ thay vì dựa trên nhu cầu có thực, rồi sẽ bị dừng lại, như đã diễn ra trước đây.
Tăng cường các giải pháp ngăn chặn
Trước tình trạng “sốt đất” ở một số địa phương, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn để tăng nguồn cung bất động sản, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ để đáp ứng nhu cầu của người dân; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng, không để dòng tiền vào lĩnh vực rủi ro”.
Bộ Xây dựng cũng đã nhiều lần đề nghị các địa phương công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án để ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn, đầu cơ, đẩy giá…; có biện pháp không để tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chia tách phân lô đất, bán nền tại một số khu vực chưa được phép đầu tư; kiểm soát các giao dịch bất động sản trao tay nhiều lần, thông qua quản lý các tổ chức, cá nhân môi giới, kinh doanh bất động sản. Đồng thời, thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp đầu tư, kinh doanh bất động sản không đúng quy định, dự án ma, dự án không đủ hồ sơ pháp lý, điều kiện kinh doanh.
Trong khi đó, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills cho rằng: “Thực tế, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn phụ thuộc khá nhiều vào các loại giấy tờ. Vì vậy, chúng ta có thể nghĩ đến việc số hóa các giấy tờ đó vào một hệ thống quản lý chung. Có được một hệ thống dữ liệu quốc gia sẽ mang lại nhiều lợi ích, trong đó có việc kiểm soát tình trạng tung tin đồn và đẩy giá đất lên cao”.
Về phía Hà Nội, ngày 22-4, UBND thành phố đã có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý thị trường bất động sản. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển hạ tầng, bất động sản…; kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản, kiên quyết thu hồi dự án không triển khai, chậm triển khai… Đặc biệt, các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, quyền sử dụng đất… vi phạm quy định về đất đai, về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan.
Ý kiến ()