Quy hoạch, xây dựng vùng chuyên canh trái cây Nam Bộ
Thu mua bưởi Năm Roi ở Vĩnh Long. (Tiếp theo và hết) (*) Bài 2 : Hướng đến vùng chuyên canh bền vữngĐược thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu, nguồn nước... các tỉnh khu vực Nam Bộ rất thích hợp để phát triển trái cây nhiệt đới với chủng loại phong phú có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua, sản xuất và tiêu thụ trái cây vùng Nam Bộ vẫn rơi vào tình trạng thua ngay trên "sân nhà". Do vậy, rất cần một chiến lược quy hoạch, xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả (CAQ) một cách đồng bộ, tăng cường việc liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa sản xuất với phân phối, giữa các viện, trường một cách chặt chẽ.Phát huy sản phẩm lợi thế Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang Cao Văn Hóa cho biết, điều kiện địa lý ở Tiền Giang đã phân định khá rõ rệt năm vùng sinh thái rất thích hợp cho năm nhóm cây trồng phát triển hình thành từng vùng chuyên canh CAQ đặc sản riêng biệt, như vùng khóm (dứa) nguyên liệu ở huyện Tân Phước;...
Thu mua bưởi Năm Roi ở Vĩnh Long. |
(Tiếp theo và hết) (*)
Bài 2 : Hướng đến vùng chuyên canh bền vững
Được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu, nguồn nước… các tỉnh khu vực Nam Bộ rất thích hợp để phát triển trái cây nhiệt đới với chủng loại phong phú có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua, sản xuất và tiêu thụ trái cây vùng Nam Bộ vẫn rơi vào tình trạng thua ngay trên “sân nhà”. Do vậy, rất cần một chiến lược quy hoạch, xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả (CAQ) một cách đồng bộ, tăng cường việc liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa sản xuất với phân phối, giữa các viện, trường một cách chặt chẽ.
Phát huy sản phẩm lợi thế
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang Cao Văn Hóa cho biết, điều kiện địa lý ở Tiền Giang đã phân định khá rõ rệt năm vùng sinh thái rất thích hợp cho năm nhóm cây trồng phát triển hình thành từng vùng chuyên canh CAQ đặc sản riêng biệt, như vùng khóm (dứa) nguyên liệu ở huyện Tân Phước; vùng trồng sơ-ri ở Gò Công, vùng thanh long (Chợ Gạo); vùng vú sữa Lò Rèn (Châu Thành); vùng sầu riêng (Ngũ Hiệp, Long Trung, Long Tiên, huyện Cai Lậy); xoài, cam, quýt, bưởi ở Cái Bè đáp ứng yêu cầu nguyên liệu cho nhà máy chế biến rau quả và sơ chế, tiêu thụ trái cây tươi. Từ lợi thế này, Tiền Giang đã vượt lên trở thành một trong những địa phương đứng đầu cả nước về diện tích vườn CAQ, sản lượng, chủng loại quả ngon với gần 70 nghìn ha, 20 chủng loại cho sản lượng hằng năm hơn 750 nghìn tấn và hơn 10 nghìn ha khóm, sản lượng gần 100 nghìn tấn một năm. Nhiều hộ nông dân có thu nhập từ 50 đến 70 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ thu nhập từ 80 đến 150 triệu đồng/ha/năm đối với những vùng trồng sầu riêng và cây có múi. Còn tại Đồng Nai, theo Sở NN-PTNT, địa phương này có hơn 50 nghìn ha CAQ, mỗi năm cung cấp ra thị trường 400 nghìn tấn sản phẩm. Từ chương trình đầu tư phát triển cây trồng chủ lực, đến nay, Đồng Nai đã hình thành được các vùng chuyên canh với diện tích lớn như: sầu riêng 1.700 ha, bưởi 700 ha, 7.700 ha xoài… Việc quy hoạch tập trung cây trồng đã mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất, đó là việc trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây. Việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào các vùng chuyên canh cũng tiện lợi hơn trước khi còn canh tác nhỏ lẻ. Do đó, năng suất cây trồng tăng 30-80%, chất lượng nông sản được cải thiện rõ rệt, vì thế lợi nhuận của nông dân từ các loại cây trồng này từ 100 đến 200 triệu đồng/ha, thậm chí ở HTX xoài Suối Lớn, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) cho thu nhập 300 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh, ngoài diện tích hơn 53 nghìn ha cây dừa (cây đặc trưng chủ lực của Bến Tre giải quyết việc làm, tạo ra nhiều mặt hàng xuất khẩu), và 30 nghìn ha (đứng hàng thứ hai vùng đồng bằng sông Cửu Long) cây đặc sản khác như cam, quýt, sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh, măng cụt, xoài, nhãn… cũng dần hình thành các vùng chuyên canh tập trung.
Hướng đến xuất khẩu bền vững
Đến nay, vùng Nam Bộ dần hình thành năm vùng chuyên canh CAQ với năm loại cây chủ lực gồm: Xoài gần 63 nghìn ha (chiếm gần 73% so với cả nước); thanh long 22,9 nghìn ha (chiếm 99,6%); sầu riêng 18,6 nghìn ha (chiếm hơn 76%); chôm chôm hơn 23 nghìn ha (chiếm hơn 94%) và nhãn 44,6 nghìn ha (chiếm 52% so với cả nước). Tổng sản lượng của năm loại trái cây này đạt gần 1,9 triệu tấn mỗi năm (chiếm hơn 28% so với tổng sản lượng các loại trái cây cả nước). Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, trong năm 2011, xuất khẩu trái cây tươi và sấy khô (chủ yếu là thanh long, dứa, nhãn) của cả nước chỉ đạt 260 triệu USD. Điều này cho thấy, xuất khẩu trái cây của Việt Nam nói chung và vùng Nam Bộ nói riêng vẫn còn khá khiêm tốn.
Khắc phục tình trạng này, đồng thời hướng đến thị trường hàng hóa, các địa phương trong vùng Nam Bộ đang xây dựng chiến lược nâng cao chất lượng, sản lượng và xây dựng thương hiệu trái cây thông qua quy hoạch các vùng chuyên canh cây trồng tập trung. Theo đó, Bình Thuận khuyến khích không phát triển diện tích trồng thanh long mà tăng cường công tác quản lý quy hoạch vùng theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích hiện có. Hai huyện có diện tích trồng lớn nhất là Hàm Thuận Nam với 10,5 nghìn ha và Hàm Thuận Bắc có gần 6,5 nghìn ha được xây dựng là vùng chuyên canh sản xuất thanh long. Bình Thuận tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông để vận chuyển hàng hóa. Nhằm đẩy mạnh chế biến các sản phẩm từ thanh long, tỉnh phấn đấu đến năm 2015, 100% diện tích thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn các nước khác trên thế giới. Cùng đó, là xây dựng chiến lược phát triển thị trường, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch thanh long đối với thị trường Trung Quốc; đồng thời củng cố và phát triển mở rộng đối với các thị trường truyền thống ở Đông – Nam Á… Chú trọng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thanh long Bình Thuận để mở rộng các thị trường mới như Trung Đông và một số thị trường có tiềm năng phát triển ở Đông – Bắc Á, Bắc Mỹ…
Long An cũng đang quy hoạch vùng chuyên canh cây chanh trên địa bàn huyện Bến Lức với diện tích hơn hai nghìn ha. Ông Nguyễn Văn Lành, ấp 5, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức (Long An) tỏ ra phấn khởi khi nói về hiệu quả của loại cây này: “Mỗi năm với hai ha chanh, tôi lãi từ 50 đến 60 triệu đồng”. Để phát triển thế mạnh này, Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Long An đã đưa mô hình vận hành dây chuyền xử lý, phân loại và đóng gói sản phẩm chanh vào các hộ dân ở huyện Bến Lức. Qua đó, giúp người trồng chanh rút ngắn thời gian xử lý, thay thế lao động thủ công cho các công đoạn sau thu hoạch như rửa, phân loại, xử lý, bảo quản, đóng gói… Từ đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ nhu cầu mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Còn theo Sở Khoa học và Công nghệ Tiền Giang, việc xúc tiến, lập hồ sơ đăng ký thương hiệu quốc gia các trái cây đặc sản như: xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, thanh long Chợ Gạo, bưởi lông Cổ Cò, khóm Tân Lập, sơ-ri và dưa hấu Gò Công đều được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bằng. Riêng, vú sữa Lò Rèn và xoài cát Hòa Lộc được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chọn đưa vào dự án quốc gia về hỗ trợ trí tuệ nhằm bảo hộ và kiểm soát thị trường, bảo vệ sự tồn tại để sản phẩm đạt hiệu quả cao hơn. Ngoài công tác quảng bá gắn pa-nô sản phẩm ở từng địa danh có vùng trồng tập trung kết hợp với du lịch xanh, du lịch sinh thái, tập huấn giáo dục cộng đồng về sở hữu trí tuệ, Tiền Giang cũng đã triển khai nhiều đề tài, dự án phục tráng, nhân giống, bảo quản và chế biến. Đây là chủ trương có tính chiến lược không những bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ mà còn mang tính thương mại hóa các đối tượng sở hữu công nghiệp, nhằm thúc đẩy cạnh tranh trung thực và nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm trái cây của địa phương. Hiện tỉnh đã ổn định quy mô vườn theo hướng bền vững đạt giá trị kinh tế cao đến năm 2010 là 90 nghìn ha, đạt sản lượng từ 850 đến 900 nghìn tấn, và phấn đấu đến năm 2020 là 100 nghìn ha, đạt sản lượng trên một triệu tấn, tập trung chính vào các loại trái cây thế mạnh của Tiền Giang là xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, sầu riêng, khóm… để xây dựng dự án phát triển. Mục đích là sản xuất trái cây phải bảo đảm tính an toàn cao nhất… Mặt khác, tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chế biến và tiêu thụ trái cây cho nông dân. Tỉnh sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tìm thị trường lớn, khách hàng tiềm năng để đưa sản phẩm trái ngon đi xa hơn.
Từ những động thái nói trên cho thấy, các tỉnh giàu tiềm năng CAQ vùng Nam Bộ đang hướng đến một nền nông nghiệp chất lượng cao với các loại nông sản thỏa mãn yêu cầu hội nhập, phục vụ nhu cầu trong nước, xuất khẩu, có sức cạnh tranh tốt.
Theo Nhandan
Ý kiến ()