Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, phấn đấu tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 7 triệu tấn; trong đó sản lượng khai thác thủy sản chiếm khoảng 35%, sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm khoảng 65%. Quy hoạch này cũng có tính đến tầm nhìn phát triển của ngành thủy sản đến năm 2030.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, phấn đấu tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 7 triệu tấn; trong đó sản lượng khai thác thủy sản chiếm khoảng 35%, sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm khoảng 65%. Quy hoạch này cũng có tính đến tầm nhìn phát triển của ngành thủy sản đến năm 2030.
Ảnh minh họa. Nguồn: dddn.com.vn |
Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1445/QĐ-TTg, ngày 16/8/2013, đặt ra mục tiêu chung: ngành thủy sản cơ bản được công nghiệp hóa vào năm 2020, hiện đại hóa vào năm 2030 và tiếp tục phát triển toàn diện, hiệu quả bền vững, trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn; có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, hội nhập vững chắc vào nền kinh tế quốc tế, từng bước nâng cao thu nhập và mức sống của nông, ngư dân; đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản và góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Quy hoạch xác định đến năm 2020, phấn đấu đạt một số chỉ tiêu cụ thể như: giá trị xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 11 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7 – 8%/năm (giai đoạn 2011 – 2020); tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng xuất khẩu đạt 50%; khoảng 50% số lao động thủy sản được đào tạo, tập huấn; thu nhập bình quân đầu người của lao động trong lĩnh vực khai thác thủy sản cao gấp 3 lần hiện nay;… Đến năm 2020, tổng số tàu thuyền khai thác giảm còn 11.000 chiếc, đến năm 2030 giảm xuống còn 95.000 chiếc, bình quân giảm 1,5% năm; số lượng tàu cá hoạt động khai thác tại vùng ven bờ và vùng lộng giảm từ 82% hiện nay xuống 70% vào năm 2020; số tàu đánh bắt xa bờ khoảng 28.000 – 30.000 chiếc;…
Cũng theo Quy hoạch, sẽ tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản phù hợp với từng nhóm nghề, từng ngư trường và từng vùng biển, gắn khai thác với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đổi mới các hình thức hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững. Trong đó, quy hoạch cơ cấu nghề khai thác theo 7 họ nghề (lưới kéo, rê, vây, câu, vó mành, nghề cố định và các nghề khác) theo hướng giảm dần những nghề khai thác gây hại nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái; duy trì và phát triển những nghề có tính chọn lọc cao, thân thiện với môi trường; phát triển các nghề vây khơi, câu khơi kết hợp chụp mực, câu cá ngừ đại dương; giảm mạnh các nghề lưới kéo, nghề cố định, nghề lưới vó, nghề mành và giảm dần một số nghề lưới rê ven bờ. Khai thác thủy sản nội địa với các nghề truyền thống, kết hợp các biện pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi, bảo đảm sinh kế cho người dân, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long và trên các sông, các hồ chứa lớn vùng miền núi, Tây Nguyên. Bên cạnh đó, Quy hoạch còn đưa ra một số định hướng liên quan đến các lĩnh vực như: nuôi trồng thủy sản; chế biến và thương mại thủy sản; cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần thủy sản.
Định hướng đến năm 2030, Quy hoạch xác định tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 9,0 triệu tấn; tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng xuất khẩu đạt 60%; khoảng 80% số lao động thủy sản được đào tạo, tập huấn…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()