Chủ nhật, 29/12/2024 00:21 [(GMT +7)]
Quy hoạch thủy lợi: Tạo đà phát triển sản xuất
Thứ 6, 02/12/2011 | 08:33:00 [(GMT +7)] A A
Sau quy hoạch bằng các giải pháp về cơ chế, chính sách, Lạng Sơn sẽ nâng cấp 648 công trình thủy lợi, giải quyết nước tưới cho 15.500ha lúa đông xuân, 34.000ha lúa mùa và tưới ẩm cho hơn 17.000 ha cây màu, cây lâu năm. Đây là yếu tố góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đảm bảo tính ổn định, bền vững, nâng cao đời sống của người nông dân.
LSO-Mạng lưới thủy lợi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong những năm qua đã có sự phát triển khá đồng bộ. Tuy nhiên nếu tính diện tích, đến thời điểm này cũng chỉ non 70% chủ động được nước, còn nếu tính tổng diện tích gieo trồng, thì tỷ lệ chủ động được nước còn thấp hơn nhiều.
Xét riêng về khía cạnh phục vụ sản xuất, thủy lợi vẫn là một trong những yếu tố quyết định. Phiên họp UBND tỉnh ngày 28/11/2011 vừa qua đã thông qua quy hoạch thủy lợi giai đoạn 2011-2020, đây được coi là điểm nhấn tạo đà để phát triển sản xuất.
Cánh đồng lúa xã Yên Phúc, huyện Văn Quan – Ảnh: Gia Huy |
Với đặc thù là một tỉnh miền núi, hiện nay sản xuất nông, lâm nghiệp vẫn chiếm tới gần 40% tổng sản phẩm nội tỉnh. Chính vì vậy công tác phát triển thủy lợi được Lạng Sơn đặc biệt quan tâm. Ngay từ những năm 1958-1960 đã có những nghiên cứu, quy hoạch lưu vực sông Kỳ Cùng để phát triển thủy lợi.
Ngay sau đó, rất nhiều các công trình khác đã được tiến hành nghiên cứu về các biện pháp thủy lợi trên địa bàn tỉnh và đến năm 2003, Viện quy hoạch thủy lợi đã lập dự án quy hoạch thủy lợi, đưa ra các giải pháp cấp nước cho nông nghiệp và lập kế hoạch đầu từ thủy lợi giai đoạn 2005-2010. Đây là giai đoạn mạng lưới thủy lợi phát triển nhanh chóng với hàng nghìn công trình được nâng cấp, sửa chữa, xây mới, hiệu quả nhìn thấy ngay, đó là sản xuất nông nghiệp có những bước tiến nhanh chóng.
Tăng trưởng ngành luôn đạt và vượt chỉ tiêu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung. Tuy nhiên, trong cả quá trình ấy, cái quan trọng nhất là quy hoạch thủy lợi tổng thể chung cho toàn tỉnh thì vẫn chưa có. Trong khi đó, hầu hết các công trình thủy lợi lớn đều đã được đưa vào sử dụng trên 20 năm, nhiều công trình xuống cấp trầm trọng, không phát huy được hiệu quả tưới.
Còn nhớ cách đây gần 2 năm, trong lần kiểm tra sản xuất tại Hữu Lũng, đồng chí Vy Văn Thành, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ ra: Hữu Lũng, Tràng Định, công trình thủy lợi không phải ít, vào mùa mưa, khi đồng ruộng thừa nước, hồ chứa cũng đầy, nhưng đến mùa khô, sản xuất cần nước nhất, thì các hồ cũng hết nước. Hay nói cách khác, hệ thống thủy lợi chưa thực hiện tốt vai trò điều tiết nước cho sản xuất. Đồng thời hệ thống kênh mương, tuy đã kiên cố hóa được một phần, nhưng vẫn chưa đảm bảo được yêu cầu, lượng nước thất thoát lớn…Chính vì vậy diện tích canh tác bị ảnh hưởng bởi hạn hán mỗi năm lên tới vài nghìn ha.
Dự báo đến năm 2020, trong nội ngành nông nghiệp, ngành trồng trọt sẽ có sự giảm xuống, tuy nhiên theo quy hoạch phát triển nông nghiệp, quy hoạch sử dụng đất… ước tính trồng trọt vẫn chiếm 50%. Chính vì vậy, mạng lưới thủy lợi vẫn tiếp tục cần được tập trung đầu tư và quan trọng nhất là phải có quy hoạch tổng thể để triển khai thực hiện.
Hệ thống thủy lợi trên địa bàn xã Xuân Mai, huyện Văn Quan ngày càng hoàn thiện – Ảnh: Lê Minh |
Ngày 28/11/2011, phiên họp UBND tỉnh đã thống nhất thông qua quy hoạch phát triển thủy lợi tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011-2020. Quy hoạch được xây dựng trên cơ sở đánh giá một cách toàn diện và cụ thể dựa trên các nghiên cứu có tính khoa học về lĩnh vực phát triển thủy lợi trong những năm qua trên địa bàn tỉnh. Từ đó đề xuất các phương án và giải pháp kỹ thuật, tận dụng tiềm năng, lợi thế về nguồn nước để chủ động cấp nước phục vụ nhiệm vụ phát triển của tỉnh.
Sau quy hoạch bằng các giải pháp về cơ chế, chính sách, Lạng Sơn sẽ nâng cấp 648 công trình thủy lợi, giải quyết nước tưới cho 15.500ha lúa đông xuân, 34.000ha lúa mùa và tưới ẩm cho hơn 17.000 ha cây màu, cây lâu năm. Đây là yếu tố góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đảm bảo tính ổn định, bền vững, nâng cao đời sống của người nông dân.
Vũ Như Phong
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()