Quy hoạch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045
Chiều 11-6, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Quy hoạch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”. Đây là địa phương đầu tiên của cả nước tiến hành lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch mới, có hiệu lực từ năm 2019. |
Theo báo cáo tóm tắt “Quy hoạch phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do PGS, TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Việt Nam trình bày, Đà Nẵng là địa phương có tăng trưởng kinh tế đạt mức khá cao và liên tục nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu của quy hoạch, quy mô kinh tế nhỏ, chỉ chiếm 1,55% GDP cả nước. Mục tiêu của thành phố đề ra trong quy hoạch là đến năm 2020, tỷ trọng GDP chiếm 2,8% GDP cả nước, thu nhập bình quân đầu người đạt 4.500 đến 5.000 USD”, so thực tế hiện nay, mục tiêu nói trên nhiều khả năng sẽ khó đạt được. Cơ cấu ngành kinh tế của thành phố đã chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp hóa (công nghiệp và dịch vụ chiếm 98% GRDP, 93% lao động). Tuy nhiên thành phố chưa có nhiều sản phẩm công nghiệp có thương hiệu mang tầm quốc gia. Tỷ lệ các dự án hoạt động không hiệu quả trong các khu công nghiệp còn lớn, các nguồn lực phát triển công nghiệp hiện đại nhiều hạn chế, FDI chủ yếu là gia công, lắp ráp. Mặc dù tổng vốn đầu tư xã hội vẫn tiếp tục tăng, nhưng tỷ trọng vốn đầu tư/GDRP và vốn đầu tư từ ngân sách/GRDP đang có xu hướng giảm. Trong 20 năm qua, Đà Nẵng nhận được nhiều chính sách ưu đãi từ T.Ư nhằm tập trung phát triển không gian đô thị. Kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá cao và đồng đều ở các lĩnh vực, nhưng quy mô không lớn. Những chuyển động gần đây về cơ cấu nội ngành, nâng cấp trong chuỗi giá trị, công nghệ sản xuất… có tác động tích cực, nhưng chưa đủ sức tạo sự chuyển biến căn bản về mô hình tăng trường theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Mục tiêu “Xây dựng thành phố với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính viễn thông và tài chính ngân hàng” được nêu trong Nghị quyết số 33-NQ/TW (Khóa IX) đã được nỗ lực triển khai, nhưng kết quả chưa như kỳ vọng. Thành phố là địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, thể hiện qua sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành tổng quát, nhưng khía cạnh “hiện đại hoá” để “cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020 với tính cách là một thành phố công nghiệp hiện đại vẫn chưa thực sự rõ nét. Đà Nẵng được giới truyền thông đánh giá là “nơi đáng sống”, tuy nhiên, những kết quả bước đầu ấy cần được duy trì và nhân rộng sắc thái văn hóa, phong thái và lối sống người dân phố biển Đà Nẵng với nhiều yếu tố rất tích cực. Về quan điểm và định hướng phát triển kinh tế, xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, Đà Nẵng phấn đấu trở thành thành phố xanh, hiện đại, thông minh, mang tính toàn cầu và có bản sắc. Thành phố xanh bao gồm cả môi trường xanh (green and blue), sản xuất xanh và lối sống xanh; thành phố hiện đại thông minh: Có kết cấu hạ tầng kỹ thuật và cơ chế quản lý hiện đại, ứng dụng công nghệ hiện đại trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0; có khả năng và sức hút kết nối toàn cầu và bản sắc riêng là thành phố đáng sống, đáng nhớ. Trên cơ sở đó, Đà Nẵng đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội phù hợp định hướng phát triển của toàn vùng, của đất nước; thật sự là trung tâm kinh tế lớn và là một cực tăng trưởng mạnh của vùng duyên hải miền trung – Tây Nguyên. Phát triển kinh tế nhanh, đột phá dựa trên CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế, hình thành Trung tâm khởi nghiệp – đổi mới – sáng tạo của Việt Nam và khu vực, thật sự là động lực mạnh, thực hiện CNH-HĐH, lôi kéo và dẫn dắt sự phát triển của khu vực miền trung – Tây Nguyên. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh, chủ quyền biển đảo và trật tự an toàn xã hội. Hình thành lối sống đô thị văn minh, người dân có cuộc sống khá giả và ổn định. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()