Quy hoạch quốc gia: Xác định rõ nguồn lực, khai thác lợi thế từng vùng
Quy hoạch tổng thể quốc gia nên tập trung các giải pháp tạo động lực tăng trưởng cho các vùng, như trục Đông-Tây và hình thành các đầu tầu dẫn dắt kinh tế đất nước, đồng thời đảm bảo liên kết vùng…
Thảo luận ở tổ về “Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050,” diễn ra sáng 6/1, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc quy hoạch có tác động tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực cũng như có tầm ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Do vậy, cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng những yếu tố tác động để xây dựng các cơ chế chính sách, khơi dậy tiềm năng và phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, hình thành các đầu tầu dẫn dắt tăng trưởng kinh tế.
Xác định ngành xương sống của nền kinh tế
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đánh giá cao các nội dung được đề cập trong quy hoạch, song ông cho rằng dù là Quy hoạch quốc gia nhưng vẫn mang “hình hài” của một tỉnh, thành nào đó, chưa cụ thể hóa được chiến lược phát triển kinh tế-xã hội mang tầm cả nước.
Nêu ví dụ các thành phần kinh tế “độc lập, tự chủ, tự cường” theo đại biểu cần xác định việc này có thể dựa vào đâu để phát triển, chủ thể tham gia ở đây là ai; định hướng phân bổ các thành phần kinh tế và tham gia vào nền kinh tế quốc gia như thế nào?
Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng, trong quy hoạch cần làm rõ ngành nào là xương sống của nền kinh tế và cần ưu tiên cho ngành nào, việc phân bổ nguồn lực ra sao để hình thành các vùng trọng điểm kinh tế.
Về vấn đề kinh tế biển, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh hơn đến việc phát triển ngành du lịch biển của Việt Nam, theo đó cần tạo sự khác biệt so với các quốc gia trong khu vực để thu hút khách du lịch. Cùng với đó, cần chú trọng quy hoạch các cảng-hải cảng ven biển để trở thành nơi thu hút phát triển kinh tế, du lịch.
Còn theo đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng), để tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội, Quy hoạch tổng thể quốc gia nên tập trung các giải pháp tạo động lực tăng trưởng cho các vùng, như trục Đông-Tây và hình thành các đầu tầu dẫn dắt kinh tế đất nước, đồng thời đảm bảo liên kết vùng, liên kết nội vùng và khai thác lợi thế của từng vùng.
“Quy hoạch sẽ lựa chọn một số vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng các trung tâm kinh tế, tài chính, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt với thể chế, chính sách đặc thù và có tính vượt trội, đột phá,” đại biểu Lã Thanh Tân đề xuất.
Khơi dậy tiềm năng phát triển các ngành, lĩnh vực
Tại Quy hoạch tổng thể quốc gia, Chính phủ đã quán triệt và cụ thể hóa rõ hơn một số nội dung. Trong đó, không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức một cách hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế so sánh từng vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cùng đó, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao và các tiềm năng, lợi thế khác cho phát triển để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững trong thời kỳ đến năm 2030…
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng quy hoạch đã đề cập đến không gian biển cho các ngành lĩnh vực có nhu cầu sử dụng không gian biển. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển điện gió, điện Mặt Trời, vì thế, trong quy hoạch cần chú trọng đến việc xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp điện, tạo động lực phát triển kinh tế.
Ngoài ra, Quy hoạch tổng thể quốc gia để phát triển ngành thủy hải sản, quy hoạch không gian phát triển của các đảo, hải đảo… tạo động lực phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng. Dù vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm vào quy hoạch những nội dung để giúp hậu cần nghề cá phát triển tại các đảo.
Liên quan tới việc quy hoạch biên giới quốc gia cũng như định hướng phát triển cửa khẩu biên giới, theo đại biểu đoàn Hà Nội, quy hoạch cần hướng đến việc tạo điều kiện cho người dân sinh sống, làm việc gần biên giới, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
“Điều quan trọng nhất là giúp người dân sống đoàn kết và cùng nhau bảo vệ chủ quyền biên giới hòa bình, an toàn. Để làm được điều đó, Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan cần dành nhiều nguồn lực ưu tiên hơn nữa cả về đầu tư cơ sở hạ tầng đến cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển về mọi mặt cho người dân sinh sống tại các vùng biên,” đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Hiện cả nước có 168 cửa khẩu các loại, trong đó Bộ đội biên phòng trực tiếp quản lý 154 cửa khẩu, bao gồm cả cửa khẩu đất liên và cảng biển, còn lại 14 cửa khẩu do Bộ Công an quản lý.
Theo đại biểu Hoàng Hữu Chiến (đoàn An Giang), việc quy hoạch các cửa khẩu đang tách rời, chưa thành một thể thống nhất trong cả nước; trong khi Quy hoạch tổng thể quốc gia đặt ra mục tiêu đến năm 2030, phải nâng cấp và mở mới 63 cửa khẩu (trong đó nâng cấp và mở mới cửa khẩu quốc tế với 21 cửa khẩu chính và 22 cửa khẩu phụ).
“Đây là một số liệu cần phải nghiên cứu, tính toán kỹ, bởi khi mở, nâng cấp cửa khẩu thì quy trình rất phức tạp, mất thời gian. Thông thường làm nhanh thì cũng mất 2-3 năm, thậm chí có những cái làm 4-5 năm chưa xong. Không phải mình muốn làm là làm được, cần sự thống nhất của Chính phủ, chính quyền hai bên,” ông Chiến nói.
Từ dẫn chứng này, vị đại biểu yêu cầu cần có sự nghiên cứu, quy định theo hướng mở hơn, cơ động hơn, linh hoạt hơn, tính toán phù hợp với thực lực để có đánh giá phù hợp, sát với thực tiễn và có thể triển khai được. Hơn nữa, việc đưa ra các số liệu để mở hay nâng cấp các cửa khẩu cũng chỉ nên là môt số liệu tương đối, không nên ấn định số cứng.
Liên quan tới việc đầu tư hạ tầng, đại biểu đoàn An Giang cho rằng trong mục tiêu quy hoạch cũng nêu rõ đầu tư hạ tầng cửa khẩu hiện đại để đảm bảo an ninh biên giới, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, hiện đang có 27 khu kinh tế cửa khẩu biên giới đất liền, hoạt động hàng chục năm nay, song cơ bản các khu kinh tế cửa khẩu này chưa thực sự trở thành động lực lớn để phát triển các khu kinh tế biên giới.
Đại biểu Hoàng Hữu Chiến đề xuất cần có quy định ưu tiên đầu tư vào hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, kiểm soát cửa khẩu, quản lý cửa khẩu. Đặc biệt, những cửa khẩu nào đang phát triển tốt, lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh lớn và có khả năng phát triển lớn thì tập trung đầu tư, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực của Nhà nước cũng như của xã hội.
Quan tâm đến Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội) cho hay quy hoạch cần chú trọng đến việc phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, hướng đến phát triển “nền kinh tế số,” “nền kinh tế xanh” và định hướng phát triển không gian biển…
“Việt Nam là một quốc gia biển nhưng trong Quy hoạch chưa làm rõ những tiềm năng, thế mạnh cũng như chiến lược phát triển các ngành kinh tế biển của nước ta. Vì thế, cần phải bổ sung và làm rõ quan điểm này, trong đó nhấn mạnh đến bảo đảm an ninh kinh tế và môi trường biển,” đại biểu Tạ Đình Thi nói./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()