Quy hoạch phát triển kinh tế thích ứng biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, để chủ động đối phó biến đổi khí hậu (ÐBKH), các quy hoạch, dự án ở vùng ven biển, cửa sông vùng đồng bằng sông Cửu Long đều tính tới yếu tố ổn định của địa mạo, nước biển dâng.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, để chủ động đối phó biến đổi khí hậu (ÐBKH), các quy hoạch, dự án ở vùng ven biển, cửa sông vùng đồng bằng sông Cửu Long đều tính tới yếu tố ổn định của địa mạo, nước biển dâng.
Trước mắt, các tỉnh trong khu vực lập bản đồ địa hình (tỷ lệ lớn) các vùng ven biển, vùng trũng; phân định các tiểu vùng theo phương án nước biển dâng và phân vùng thủy văn – thủy lực từng tiểu vùng nhằm phục vụ cho việc ứng phó BÐKH.
Các tỉnh dự báo các công trình hạ tầng bị đe dọa để hợp lý hóa hệ thống giao thông thủy, bộ gắn với xây dựng các cụm, tuyến dân cư vượt lũ; nghiên cứu, sản xuất, nhân rộng các giống cây, con chịu mặn; quy hoạch lại hệ thống đê biển, đê sông; cứng hóa và nâng cao chiều cao hệ thống này từ 0,5 đến 0,8m, trước hết tại các tuyến đê xung yếu như Gành Hào – Ðầm Dơi (Cà Mau, Bạc Liêu), Phong Nẫm – Kế Sách (Sóc Trăng), Gò Công Ðông (Tiền Giang), Giồng Bàng (Trà Vinh); kiên cố hóa hệ thống đê bao chống lũ, các cống, đập khác.
Về thủy lợi, cần tập trung chống ngập úng, giảm sự xâm thực của biển và tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt, sản xuất. Cụ thể, các tỉnh ven biển và ngập lũ cần lập phương án chắn sóng gió, triều cường; tăng diện tích rừng ngập nước chống xâm thực, điều hòa khí hậu, hạn chế tác hại do BÐKH gây ra. Các tỉnh chủ động lập phương án bảo vệ sản xuất, cơ sở hạ tầng; cứu hộ, chuyển dân đến vùng an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Về nông nghiệp, tích cực chọn tạo giống lúa có năng suất, chất lượng cao, chịu mặn, thích nghi tốt BÐKH toàn cầu; bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp tình trạng xâm nhập mặn ngày càng gia tăng; chủ động ngăn mặn, nạo vét kênh mương tiếp ngọt để chủ động tưới tiêu, thoát nước; bố trí lại mùa vụ để né mặn; thay đổi hệ thống canh tác theo phương pháp luân canh cây trồng nước ngọt với cá, tôm, cây trồng chịu mặn, lợ.
Theo các cơ quan khoa học, trong từ 50 đến 60 năm nữa, BÐKH toàn cầu sẽ làm môi trường tự nhiên, kinh tế – xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long thay đổi lớn. Nước biển dâng cao sẽ làm ngập lụt phần lớn diện tích tại đây vốn đã bị ngập lụt hằng năm, dẫn đến mất nhiều đất nông nghiệp. Các vùng bảo tồn đất ngập nước như: Tràm Chim, U Minh Thượng, Láng Sen, Trà Hư, Hà Tiên bị đe dọa nghiêm trọng. Nước lũ sẽ cao hơn, thời gian ngập lũ sẽ kéo dài hơn hiện nay. Suy giảm tài nguyên nước sẽ làm cây lúa, màu, cây ăn trái, tôm, cá bị thu hẹp diện tích, giảm năng suất. Nhiều tài nguyên như rừng, đất, nước, sinh vật hoang dã, khoáng sản sẽ bị hủy hoại. Cơ sở hạ tầng, nhất là ở ven biển, bị uy hiếp nghiêm trọng. Quá trình xâm nhập mặn vào nội đồng sẽ sâu hơn và nước ngọt sẽ khan hiếm. Bờ biển, bờ sông sẽ bị xâm thực mạnh hơn. Nền nông nghiệp sẽ suy thoái, trước hết là cây lúa. Năng suất cây trồng, vật nuôi, sản lượng sản phẩm nông nghiệp sẽ giảm sút.
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()