Quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Lời căn dặn đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy cán bộ có vai trò quyết định mọi thành bại của cách mạng. Điều ấy càng có ý nghĩa sâu sắc đối với cán bộ cấp chiến lược, bởi họ là những người vừa trực tiếp xây dựng, vừa tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Cán bộ cấp chiến lược là người có tâm, có tầm mới đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước bền vững, vì thế việc quy hoạch đội ngũ cán bộ này là khâu đầu hết sức quan trọng.
Sàng lọc càng kỹ, chất lượng càng cao
Ðảng ta luôn xác định quy hoạch cán bộ là một nội dung trọng yếu của công tác cán bộ. Trong nhiệm kỳ khóa IX, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 42 về quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Bộ Chính trị khóa XI có Kết luận số 24 về tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Ðối với cán bộ cấp chiến lược (CBCCL), lần đầu tiên Ban Chấp hành T.Ư khóa XI xây dựng và thực hiện có hiệu quả Ðề án quy hoạch Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Ðảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016 – 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Do làm tốt quy hoạch, bước đầu khắc phục được tình trạng bị động, hẫng hụt trong công tác cán bộ. Lần đầu tiên, Bộ Chính trị khóa XII thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch CBCCL nhiệm kỳ 2021 – 2026, do đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước làm Trưởng ban. Ban Bí thư thành lập Tổ giúp việc, gồm những người có tinh thần trách nhiệm cao; có phẩm chất, kinh nghiệm, năng lực và tin cậy, công tác ở các cơ quan T.Ư. Ðiều đó cho thấy việc quy hoạch CBCCL có tầm quan trọng như thế nào.
Hơn 20 năm thực hiện Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 3 khóa VIII, đội ngũ cán bộ các cấp trưởng thành về nhiều mặt. Hầu hết CBCCL được đào tạo bài bản, gần 70% số cán bộ có trình độ từ thạc sĩ trở lên, có lập trường, quan điểm chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, có năng lực công tác tốt. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, dù đã có sự gắn kết giữa các khâu trong công tác cán bộ, việc quy hoạch cán bộ còn nhiều hạn chế, sơ hở và chưa phù hợp với thực tiễn; thiếu cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực, cho nên không ít trường hợp bị lợi dụng đưa người nhà, người thân vào quy hoạch. Việc xây dựng và thực hiện quy hoạch chưa có tầm nhìn chiến lược, còn khép kín, chưa có sự gắn kết chặt chẽ với đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và bố trí sử dụng. Không bảo đảm ba độ tuổi, cho nên tình trạng “chuối chín cả buồng”, tức cán bộ chủ chốt về hưu cùng một thời điểm khá phổ biến ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị.
Ðối với CBCCL, cơ cấu lĩnh vực chuyên môn đào tạo chưa hợp lý, số có chuyên môn về kinh tế, luật chiếm tỷ lệ cao, trong khi số có chuyên môn về xây dựng Ðảng và chính quyền lại có tỷ lệ thấp. Một số đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư nhưng khó bố trí, phân công công tác; một số cán bộ uy tín thấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nói không đi đôi với làm, xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ, quan liêu, xa dân, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Từ đầu nhiệm kỳ Ðại hội XII đến nay, gần 60 cán bộ diện T.Ư quản lý (cả về hưu và đương chức) bị xử lý kỷ luật là một thực tế đau lòng. Ðiều đáng nói là phần lớn vụ việc vi phạm của số cán bộ này xảy ra từ thời gian trước, nhưng quá trình làm quy hoạch, hay nhân sự không bị phát hiện. Một số trường hợp đưa vào quy hoạch, thì sau đó lại phát hiện vi phạm pháp luật bị khởi tố, bắt giam như Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Sơn. Có cán bộ tưởng đầy triển vọng như ông Nguyễn Xuân Anh, là cán bộ trẻ, vào Ban Chấp hành T.Ư khi 40 tuổi, nhưng sau đó bị cách chức Bí thư Thành ủy, cho thôi giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư, vì vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Ðảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền,…
Qua các vụ việc đó, đưa đến bài học trong quy hoạch CBCCL, nếu đầu vào sàng lọc không kỹ, không phát hiện, loại bỏ những “hạt giống bị mọt bên trong”, sẽ để những cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất lọt vào bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị. Như thế không những làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh CBCCL, giảm năng lực lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền, mà còn làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Ðảng, mai một động lực phấn đấu của những cán bộ tâm huyết với sự nghiệp.
Chọn người có đức, có tài
Chưa bao giờ chúng ta có đội ngũ cán bộ đông, được đào tạo bài bản và rèn luyện thử thách qua thực tiễn hơn 30 năm đổi mới như hiện nay. Ðó là nguồn dồi dào nhất để lựa chọn những người sáng giá vào quy hoạch CBCCL (số cán bộ được quy hoạch vào các chức danh diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý nhiệm kỳ 2015 – 2020 là 2.001 người). Cũng chưa bao giờ, Ðảng có nhiều nghị quyết, quy định, các văn bản hướng dẫn về công tác cán bộ như hai nhiệm kỳ khóa XI, XII. Ðó là các nghị quyết về: tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; các quy định về: tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư,… Ðây là “bộ cẩm nang” quý trong quá trình quy hoạch CBCCL. Vấn đề còn lại mang tính quyết định là sự kỳ vọng vào tinh thần công tâm, khách quan, khoa học của các cơ quan tham mưu và những cán bộ trực tiếp tham gia công việc “đãi cát tìm vàng” này.
Khác với những lần trước, việc quy hoạch CBCCL nhiệm kỳ 2021- 2026 không làm đồng thời các chức danh mà làm từng bước, quy hoạch xong Ban Chấp hành T.Ư; sau đó đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư; và cuối cùng mới là các chức danh chủ chốt của Ðảng, Nhà nước. Ðó là các bước chuẩn bị nguồn cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, làm cơ sở cho công tác nhân sự Ðại hội XIII. Trước yêu cầu phát triển đất nước bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng, đòi hỏi tiêu chuẩn đối với CBCCL cao hơn, toàn diện hơn. Trong đó, yêu cầu hàng đầu là tiêu chuẩn như đã nêu trong Quy định 90 của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Cụ thể như, với Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư, ngoài các tiêu chuẩn chung, phải là người tiêu biểu của Ðảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; có ý thức, trách nhiệm, kiến thức toàn diện để tham gia thảo luận, đóng góp, hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành T.Ư; có năng lực tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Ðảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới ở lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công. Ðồng thời, có năng lực dự báo, xử lý, ứng phó kịp thời, hiệu quả những tình huống đột xuất, bất ngờ và khả năng làm việc độc lập; có tố chất, năng lực lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược; có hoài bão, khát vọng đổi mới vì dân, vì nước; đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp dưới trực tiếp và tương đương,…
Nội dung từng tiêu chí được đưa ra rất cụ thể. Ðể có dữ liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ quá trình giới thiệu quy hoạch, các cơ quan tham mưu, giúp việc có trọng trách rất lớn, bởi đây là công việc khó, tinh tế, nhạy cảm và phức tạp. Có làm việc bài bản, công phu, kiên trì; có lắng nghe, chắt lọc các kênh thông tin một cách công tâm; có dựa trên hiệu quả công tác thực tế, nhất là kết quả thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thì mới có thể tổng hợp được những thông tin đầy đủ, chính xác, làm cơ sở cho việc giới thiệu nhân sự quy hoạch CBCCL. Người được tham gia giới thiệu nhân sự quy hoạch, cũng như những người làm công tác tham mưu phải thật sự có tâm, có tầm mới không bị chi phối bởi bất kỳ hiện tượng tiêu cực nào.
Công tác cán bộ, trong đó có quy hoạch CBCCL là công việc hệ trọng, khó và hết sức nhạy cảm, bởi liên quan đến con người, nhất là mối quan hệ giữa người tham gia làm quy hoạch và người được giới thiệu vào quy hoạch. Thật khó rạch ròi giữa cái tình thân quen và cái lý. Song nếu thực hiện nghiêm Quy định trách nhiệm nêu gương Ban Chấp hành T.Ư khóa XII mới ban hành, thì sẽ chống được tình trạng chạy hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy phiếu tín nhiệm; can thiệp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm, trái quy định vào công tác cán bộ;… Ðể có một mùa vàng bội thu là do “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, nhưng yếu tố quyết định đầu tiên là phải chọn được những hạt giống tốt, cây mới nảy mầm xanh.
Phát biểu tại phiên họp đầu tiên Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, ngày 4-11-2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Dứt khoát không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, có quan điểm lệch lạc, mất đoàn kết, gây rối nội bộ, tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là những kẻ cơ hội chính trị. |
Ý kiến ()