Quy hoạch điện VIII: Bao quát, xử lý nhiều vấn đề của ngành điện
Theo đúng kế hoạch, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045” (Quy hoạch điện VIII) vào tháng 10/2020.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng. |
Nhằm hoàn thiện dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10, ngày 28/9, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) phối hợp với Viện Năng lượng tổ chức Hội thảo lần hai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 có xét đến năm 2045.
Nhu cầu phụ tải điện tiếp tục ở mức cao
Báo cáo tại Hội thảo của Bộ Công Thương cho biết, Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được đưa vào triển khai, thực hiện được gần 10 năm. Nhìn chung, tình hình thực hiện Quy hoạch đạt được nhiều kết quả tốt, đáp ứng cơ bản nhu cầu phụ tải với tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm khoảng 10,5%/năm.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua ngành điện đối mặt với nhiều khó khăn lớn như: Nhu cầu điện đang tăng trưởng cao, sự phát triển của nguồn điện không cân đối với nhu cầu phụ tải giữa các vùng miền; hệ số đàn hồi điện/GDP còn ở mức cao; tình hình triển khai nhiều dự án nguồn điện lớn, đặc biệt là các dự án nhiệt điện than còn chậm tiến độ.
Theo xu thế hiện nay, các địa phương chủ yếu ủng hộ các nguồn điện lớn theo xu hướng xanh, sạch, do đó sự phát triển nhanh của các nguồn năng lượng tái tạo khi có các cơ chế khuyến khích phát triển nhưng lưới điện chưa theo kịp dẫn tới thực tế công suất nguồn điện tại một số nơi còn dư thừa, chưa giải tỏa hết. Trong khi đó, cơ chế giá điện chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa thu hút được đầu tư, vấn đề bảo vệ môi trường vẫn đặt ra nhiều thách thức…
Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy tốc độ tăng trưởng phụ tải giai đoạn 2021-2030 được dự báo “vẫn ở mức cao”. Lần lượt khoảng 8,6% giai đoạn 2021-2025 và 7,2% trong giai đoạn 2026-2030.
Về nhu cầu vốn đầu tư hằng năm cho chương trình phát triển nguồn và lưới điện, theo báo cáo của Viện Năng lượng, trong giai đoạn 2021-2030, ngành điện cần 133,3 tỷ USD, trong đó nguồn điện cần 96 tỷ USD, lưới điện cần 37,3 tỷ USD. Cơ cấu trung bình vốn đầu tư nguồn và lưới là 72/28. Trung bình mỗi năm 13,3 tỷ USD.
Trong giai đoạn 2031-2045, ngành điện cần 184,1 tỷ USD, trong đó nguồn điện cần 136,4 tỷ USD, lưới điện cần 47,7 tỷ USD. Cơ cấu trung bình vốn đầu tư nguồn và lưới là 74/26. Trung bình mỗi năm 12,3 tỷ USD.
Nhu cầu điện vẫn tăng trưởng với tốc độ cao nhưng các nguồn năng lượng sơ cấp ngày càng khan hiếm. Ảnh minh hoạ. |
Nguồn năng lượng sơ cấp ngày càng hạn chế
Về nguồn điện, báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, dự kiến tới năm 2030, công suất đặt toàn hệ thống dự kiến đạt khoảng 138.000 MW và tới năm 2045 khoảng 302.000 MW, trong đó ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo phù hợp với tiềm năng từng vùng/miền bảo đảm an toàn hệ thống; nhiệt điện than có xu hướng giảm dần, tăng nhanh nhiệt điện khí trong cơ cấu phát triển nguồn điện.
Có thể thấy, nhu cầu điện vẫn tăng trưởng với tốc độ cao nhưng các nguồn năng lượng sơ cấp ngày càng khan hiếm.
Viện Năng lượng lưu ý sản lượng than chỉ có thể cung cấp cho 14 GW nhiệt điện than nội hiện có, các nhà máy nhiệt điện chuẩn bị vận hành như Thái Bình II, Hải Dương, Nam Định I, An Khánh II đều phải xem xét sử dụng than trộn. Năm 2019, Việt Nam đã phải nhập khẩu 5 triệu thấn than atraxit để bù than cho các nhà máy than nội.
Về khả năng cung cấp khí trong nước cho phát điện, khí cung cho sản xuất điện năm 2020 là 7,7 tỷ m3, năm 2025 là 14,6 tỷ m3 chủ yếu từ mỏ Cá Voi Xanh và lô B; năm 2030 là 9,2 tỷ m3; 2030-2045 là 7,7 tỷ m3/năm.
Theo Viện Năng lượng, khí lô B chỉ đủ cấp cho trung tâm điện lực Ô Môn (3.800 MW) khí của các mỏ nhỏ không đủ cấp cho nhiệt điện Kiên Giang. Khí Cá Voi Xanh chỉ đủ cấp cho 5 nhà máy đã quy hoạch (5×750 MW). Trong khi đó, mỏ khí Kèn Bầu hiện chưa có kết quả rõ ràng về thành phần khí và quy mô khai thác hàng năm.
“Để đảm bảo cung ứng điện tới năm 2030, Việt Nam dự kiến phải nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn LNG, 35,1 triệu tấn than vào năm 2025 và tăng dần tới 8,5 triệu tấn LNG và 45 triệu tấn than vào năm 2030”, đại diện Cục Điều tiết điện lực cho biết.
Thêm vào đó, nhu cầu vốn đấu tư hàng năm cho chương trình phát triển nguồn và lưới điện lên tới khoảng 13 tỷ USD/năm giai đoạn 2021-2030 trong khi yêu cầu ngày càng cao về môi trường của các tổ chức quốc tế trong việc xem xét các khoản tín dụng hỗ trợ phát triển nguồn và lưới điện cũng đặt ra nhiều áp lực và thách thức cho việc thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Bổ sung nguồn điện, hài hoà lưới điện
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, theo chương trình phát triển nguồn điện giai đoạn tới năm 2030, dự kiến tổng công suất nguồn điện tăng thêm so với năm 2020 khoảng gần 80.000 MW, trong đó các nguồn điện lớn (các nhà máy nhiệt điện than, khí và LNG dự kiến sẽ tăng thêm khoảng trên 30.000 MW, các nhà máy điện gió trên bờ và trên biển và điện mặt trời dự kiến tăng thêm khoảng gần 30.000 MW).
“Phần lớn các nguồn điện này đều tập trung nằm xa trung tâm phụ tải, vì vậy, công tác phát triển lưới truyền tải để giải tỏa công suất các nguồn điện này đặt ra nhiều nội dung cần xem xét và nghiên cứu.
“Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng xu hướng truyền tải điện sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới. Thay vì truyền tải điện từ miền Bắc vào miền Nam như trước đây, chiều truyền tải có xu hướng thay đổi dần theo chiều ngược lại. Chính vì vậy, việc phát triển hợp lý, hài hòa lưới điện truyền tải, đảm bảo vận hành ổn định hệ thống cần phải được nghiên cứu và xem xét cụ thể”, Thứ trưởng nói.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã có chủ trương cụ thể về triển khai nhập khẩu điện từ các nước trong khu vực. Nhiều biên bản ghi nhớ đã được ký giữa Việt Nam và các nước láng giềng về khả năng nhập khẩu điện tới 2030. Tuy nhiên, quá trình triển khai nhập khẩu điện chưa đạt được kết quả như mong đợi, làm ảnh hưởng tới việc liên kết lưới điện.
Do đó, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong Đề án lần này, vấn đề liên kết lưới điện đã được Bộ Công Thương nghiên cứu kỹ lưỡng và đề xuất các giải pháp triển khai nhằm hiện thực hóa các chủ trương liên kết lưới điện của Chính phủ.
“Quy hoạch điện VIII là quy hoạch hạ tầng phát triển điện lực quốc gia, là quy hoạch có tính hệ thống rất cao, có sự gắn kết chặt chẽ với các quy hoạch ngành khác như ngành than, dầu khí, sử dụng tài nguyên, môi trường, năng lượng tái tạo, giao thông, kinh tế xã hội, không gian đô thị… Chính vì vậy, với mong muốn xây dựng được bản Quy hoạch điện VIII có hiệu quả, có tính khả thi khi đi đưa vào triển khai, thực hiện, đáp ứng sự mong mỏi của những cơ quan, tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực điện lực, cần thiết phải có những cơ chế, chính sách cụ thể và rất đặc thù để có thể triển khai thành công các dự án điện nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định và an toàn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chia sẻ.
Được biết, hiện Đề án “Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045” (Quy hoạch điện VIII) về cơ bản đã hoàn thành. Theo đúng kế hoạch Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10/2020.
Trước đó, tại buổi làm việc chuyên đề của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Bộ Công Thương về Quy hoạch điện VIII ngày 14/8 vừa qua, Phó Thủ tướng đã yêu cầu: “Quy hoạch điện VIII phải là quy hoạch được xây dựng một cách khoa học, bài bản, khắc phục các hạn chế, vướng mắc của Quy hoạch điện VII hiện nay, đồng thời mang tính định hướng, không cứng nhắc và mang tính mở, tạo ra không gian để huy động và phát huy các nguồn lực từ xã hội”.
Phương hướng trong thời gian tới là khai thác triệt để các nguồn năng lượng tái tạo nhưng phải bảo đảm vận hành an toàn, bảo vệ môi trường; phát triển các ngành điện khí, khí hóa lỏng một cách hợp lý để ít phụ thuộc vào nguồn khí nhập khẩu, tạo được điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước tham gia vào quá trình sản xuất điện năng, khai thác các nguồn năng lượng như năng lượng tái tạo, điện khí, khí hóa lỏng,…
“Trên cơ sở quy hoạch định hướng, phải tập trung xây dựng kế hoạch để thực hiện quy hoạch. Trong đó, xác định rõ kế hoạch phát triển các nguồn điện và hệ thống truyền tải cho các giai đoạn 5 năm, 10 năm và hằng năm làm cơ sở để huy động các nguồn lực đầu tư thực hiện”, Phó Thủ tướng nói.
Hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy hoạch trên, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia sẽ phải được phê duyệt ngay trong năm 2020.
Ý kiến ()